Trái Đất có nguy cơ bị nóng lên trung bình khoảng 3,2 độ C
TTXVN dẫn thông tin từ Stratfor - trang phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu đưa ra góc nhìn mới nhất về tác động của xung đột Nga-Ukraine.
Trái Đất có nguy cơ bị nóng lên trung bình khoảng 3,2 độ C
Cuộc khủng hoảng hiện nay ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực của giới khoa học kêu gọi thế giới phải cắt giảm lượng xăng dầu tiêu thụ |
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, một số chính phủ đã công bố chiến lược ứng phó với giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu nguồn cung khí đốt do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Những chiến lược này chủ yếu áp dụng chính sách giá trần hoặc cắt giảm thuế quan để giảm đỡ gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình và các công ty. Nhiều chiến lược cho phép tăng cường sản xuất than, vốn là loại năng lượng rẻ nhất nhưng cũng có hại nhất đối với môi trường trong các loại năng lượng hóa thạch.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác kêu gọi đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm dần phụ thuộc vào các loại năng lượng hóa thạch để đối phó với khả năng Nga và phương Tây sẽ còn đối đầu lâu dài mà Nga lại là nước sản xuất khí ga lớn thứ hai thế giới, đồng thời là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới. Rõ ràng các chính sách mới nêu trên sẽ tác động đáng kể tới tiến trình chuyển đổi sang năng lượng mới và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Về ngắn hạn, trợ giá cho tiêu thụ than và xăng dầu toàn cầu sẽ khiến các quốc gia khó tiến tới mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính đã đề ra tới năm 2025 và 2030. Hầu như tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng cao và những nước giàu hơn đã ngay lập tức chi tiền để trợ giá nhiên liệu cho người dân.
Thế nhưng việc hỗ trợ tài chính như vậy có thể cản trở tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch bởi khi trợ giá xăng, dầu, khí đốt thì các chính phủ lại tạo ra nhu cầu càng lớn hơn, hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn chứ không phải đẩy mạnh thực thi các lựa chọn khác nhằm tạo ra tác động đáng giảm bớt lượng khí thải nhà kính về lâu về dài.
Thêm vào đó, khi đã tiến hành các chương trình hỗ trợ, các chính phủ sẽ thấy rằng khó chấm dứt được các chương trình này trong tương lai, kể cả khi giá cả có giảm xuống bằng với mức ở thời điểm chưa xảy ra xung đột.
Lạm phát chắc chắn sẽ vẫn cao trong vài tháng tới ở nhiều nước, nhất là khi cuộc xung đột Ukraine đang khiến những thách thức về chuỗi cung ứng ngày càng lớn hơn, khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng chóng mặt, trong đó có lương thực thiết yếu là lúa mỳ. Điều này có nghĩa rằng giả sử giá năng lượng giảm đi nhưng lạm phát vẫn cao thì việc chấm dứt các chương trình hỗ trợ của chính phủ hay trở lại đánh thuế sẽ đẩy giá tiêu dùng lên mức cao bất thường.
Ở những nước giàu tiềm năng dầu khí như Mỹ, giá năng lượng tăng cao sẽ khiến họ phải đưa ra các chính sách ủng hộ ngành công nghiệp gây ô nhiễm, khí thải nhà kính, kể cả việc đưa ra các chính sách vừa đẩy mạnh sản xuất vừa hỗ trợ các nhà máy lọc dầu.
Nếu đảng Cộng hòa giành lại được quyền kiểm soát Nghị viện và nhà Nhà Trắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm 2022 hoặc trong cuộc bầu cử tổng thống mới vào năm 2024 thì nhiều khả năng Chính phủ Mỹ sẽ viện dẫn tình hình giá cả nhiên liệu tăng cao để có được sự ủng hộ cần thiết thúc đẩy các ngành sản xuất xả nhiều khí thải. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch.
Nhìn về trung hạn, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực của giới khoa học kêu gọi thế giới phải cắt giảm lượng xăng dầu tiêu thụ bởi các chính phủ còn đang phải tập trung kiềm chế giá năng lượng tăng cao và rất có thể thế giới sẽ không thể đạt được các mục tiêu đầy tham vọng làm chậm lại tốc độ Trái Đất nóng lên.
Ngày 4/4 vừa qua, Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã cảnh báo rằng các chính phủ khó có thể thực thi được cam kết đã đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015. Đó là mục tiêu kiểm soát mức độ toàn cầu nóng lên dưới 1,5 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp, và mức khí thải nhà kính đạt đỉnh vào năm 2025 và sẽ cắt giảm khoảng 43% vào năm 2030.
Ủy ban liên chính phủ này cũng nhấn mạnh khoảng cách rất lớn giữa các chính sách toàn cầu hiện nay với những chính sách cần phải có để kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu khoảng 2 độ C (đây là mục tiêu thấp hơn mà LHQ đề ra với hy vọng đạt được, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu chính sách của các chính phủ không thay đổi thì tới năm 2100, Trái Đất sẽ bị nóng lên trung bình khoảng 3,2 độ C.
Mục tiêu để Trái Đất chỉ nóng lên thêm 1,5 độ C như đề ra trong Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu cũng như đề ra trong Mục tiêu Kiểm soát Khí thải của Ủy ban IPCC sẽ không thể đạt được, kể cả trong điều kiện nếu như xung đột tại Ukraine không xảy ra. Giờ đây những mục tiêu này thậm chí còn xa vời hơn khi mà cuộc xung đột đã buộc các chính phủ phải trợ giá tiêu thụ xăng dầu cho người dân.
Ứng phó với cú sốc mang tên năng lượng
Giá năng lượng tăng cao khiến nhiều nước đã công bố kế hoạch xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới hoặc cho phép tiếp tục khai thác các lò phản ứng hạt nhân sẵn có |
Nhưng tính về trung hạn và dài hạn, giá nhiên liệu cao và việc châu Âu quyết tâm giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga sẽ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang các loại nhiên liệu sạch.
EU cùng với Mỹ và các nước khác, hiện đang kêu gọi đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi này để ứng phó với cuộc xung đột tại Ukraine và cú sốc mang tên năng lượng. Chiến lược về năng lượng do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra vào ngày 8/3 đã đưa ra mục tiêu cắt giảm phụ thuộc năng lượng nhập khẩu từ Nga xuống bằng 0 trước năm 2030.
Ngoài phần nội dung chiến lược sẽ thay thế nguồn cung xăng dầu từ Nga bằng các nguồn nhập khẩu khác, EC sẽ tăng cường cắt giảm tiêu thụ xăng dầu khoảng 55% thông qua đẩy mạnh sản xuất năng lượng tái tạo và thay thế khí ga bằng điện trong hệ thống sưởi các tòa nhà. Những mục tiêu này dường như quá tham vọng.
Tuy nhiên, giá cả tăng cao cũng chính là động lực để các hộ gia đình và giới doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế cũng như công nghệ xanh bởi lợi ích về kinh tế.
Từ trước năm 2020, nhiều công nghệ xanh cũng đã cạnh tranh ngang ngửa về giá so với các loại nhiên liệu hóa thạch, trong đó có điện Mặt Trời tập trung (CSP - concentrated solar power) và điện Mặt Trời quang điện (PV -photovoltaic solar power) cũng như nguồn điện gió khai thác trên đất liền và ngoài khơi.
Giá xăng và dầu diesel cao lên cũng sẽ khiến người mua xe hơi có thêm động lực chuyển sang dùng ô tô chạy điện cho dù số tiền ban đầu bỏ ra có thể nhiều hơn nhưng về lâu dài sẽ đỡ tốn hơn rất nhiều so với xe chạy xăng truyền thống.
Ở nhiều nước phương Tây, giá năng lượng cao càng khiến người ta quan tâm hơn tới việc phải duy trì sản xuất điện hạt nhân, coi đây là một cấu phần quan trọng trong tổng nguồn các loại năng lượng đa dạng về lâu dài. Trong mấy tuần vừa qua, một số nước đã công bố kế hoạch xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới hoặc cho phép tiếp tục khai thác các lò phản ứng hạt nhân sẵn có.
Do giá nhiên liệu đã lên cao từ trước khi cuộc xung đột Ukraine diễn ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ngày 10/2 rằng Pháp sẽ xây ít nhất sáu lò phản ứng hạt nhân mới trong một vài thập kỷ tới nhằm tiến tới mục tiêu đạt mức khí thải bằng không vào năm 2050 như đã cam kết.
Ngày 7/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đưa ra chiến lược năng lượng mới với mục tiêu xây dựng 8 lò phản ứng hạt nhân mới ở Anh từ nay tới năm 2030 nhằm tăng sản lượng điện hạt nhân từ 7 GW lên 24 GW vào năm 2050 và đạt mục tiêu điện hạt nhân chiếm 25% cơ cấu điện của nước này vào năm 2050.
Giá năng lượng cao cộng với việc các chính phủ ủng hộ sản xuất điện hạt nhân có thể sẽ là những yếu tố giúp đẩy nhanh sự phát triển các loại công nghệ điện hạt nhân thế hệ mới như lò phản ứng sử dụng mô-đun nhỏ (small modular reactors), mang tính khả thi hơn về mặt tài chính.
Những công nghệ mới như vậy an toàn hơn so với các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng theo các công nghệ trước đây bởi quy mô nhà máy nhỏ hơn và mức độ rủi ro thấp hơn trong trường hợp có thảm họa hạt nhân xảy ra. Ở Mỹ, một số nơi thậm chí đang cân nhắc chuyển đổi các nhà máy sản xuất điện than thành các nhà máy điện hạt nhân với các lò phản ứng loại nhỏ theo công nghệ mới.
Vào tháng Hai vừa qua, EC đã xếp loại năng lượng hạt nhân vào nhóm hoạt động kinh tế mang tính bền vững và nhờ vậy được phép nhận các nguồn tài chính từ ngân sách công, tư và được coi là ngành tương thích với các mục tiêu giảm khí thải carbon của EU.
Giá năng lượng tăng cao cũng khiến sự ủng hộ điện hạt nhân tăng lên ở Nhật Bản, vốn là nước đã phải đối mặt với nhiều thách thức do các yếu tố rủi ro tiềm ẩn từ thiên nhiên như động đất, sóng thần, mà một trong các thảm họa đã xảy ra là khi ba lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima Daiichi bị rò rỉ hồi năm 2011.
Cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 3/2022 do hãng tin Nhật Nikkei tiến hành cho thấy: Lần đầu tiên kể từ khi thảm họa Fukushima xảy ra năm 2011, có tới hơn 50% người Nhật lên tiếng ủng hộ mở lại các nhà máy điện hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, hướng chuyển đổi sang điện hạt nhân cũng không nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước phương Tây. Thủ tướng Đức Olaf Scholz liên tục khẳng định ông không ủng hộ tiếp tục sử dụng ba lò phản ứng hạt nhân của nước này vốn đã nằm trong kế hoạch sẽ bị ngừng hoạt động vĩnh viễn trong năm nay theo lộ trình Chính phủ Đức đã phê duyệt từ lâu.
Trong tương lai xa, chính tiềm lực tài chính của tập đoàn điện hạt nhân Rosatom của Nga sẽ là yếu tố quan trọng chứng minh liệu điện hạt nhân có thể vượt ra ngoài phương Tây và Trung Quốc để tiếp tục phát triển hay không.
Nếu Rosatom cuối cùng bị phá sản hay phải chịu các lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây vì cuộc xung đột Ukraine thì rất có thể Rosatom sẽ không thể xây được một số nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài, chẳng hạn như dự án mà công ty này đang thương thảo với Ai Cập.
Ngoài phương Tây, giá xăng dầu cao cũng sẽ khiến Trung Quốc và Ấn Độ càng phải dựa vào điện than, nhất là khi họ đang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, phục hồi sau đại dịch hơn là việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch.
Ngay sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, sản lượng sản xuất than hàng ngày của Trung Quốc đã tăng ngay 15% vào tháng Ba bởi Chính phủ Trung Quốc nới lỏng các hạn chế về sản xuất than và điện than để giảm bớt ảnh hưởng do giá xăng dầu tăng cao.
Trái lại, Ấn Độ chưa tăng cường sản xuất thêm than mà chỉ giải quyết vấn đề thiếu than cục bộ trong nước do đường vận chuyển trong nước bị kẹt, khiến nguồn cung dồn ở một số nơi.
Ngày 18/4, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman thừa nhận rằng các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu của nước này sẽ bị ảnh hưởng bởi giá khí ga tăng cao. Ấn Độ và gần như tất cả các nước trên thế giới đều dự định sẽ sử dụng năng lượng này làm cầu nối chuyển tiếp trong nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính trước mắt bằng cách dùng khí ga có mức khí thải thấp thay thế cho nhiên liệu than có mức khí thải cao ở các nhà máy điện.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thực hiện lộ trình cắt giảm tiêu thụ than trong trung hạn và dài hạn nhưng với giá khí ga cao như hiện nay thì tiến trình đó chắc chắn sẽ bị chậm lại.
Thách thức đối với hợp tác năng lượng toàn cầu
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng sẽ khiến những rạn nứt, chia rẽ trên toàn cầu thêm sâu sắc và vì vậy càng khiến quan hệ hợp tác trên toàn cầu và cuộc khủng hoảng năng lượng thêm phức tạp.
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do LHQ tổ chức hồi tháng 11/2021 đã bộc lộ những chia rẽ giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới trong các vấn đề về môi trường. Và cho thấy rõ sự chia rẽ đó đã ngày càng rộng thêm chỉ sau 6 năm kể từ khi Hiệp định Paris 2015 được ký kết.
Trong khi các nước phương Tây sẵn sàng công khai tuyên bố sẽ cắt giảm mức khí thải nhà kính về bằng 0 vào năm 2050, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước đang phát triển khác lại né tránh nêu ra thời hạn cắt giảm cụ thể.
Cuộc xung đột Ukraine và việc Nga bị phương Tây cô lập sẽ chỉ khiến phương Tây và các đối thủ của họ, trong đó có Trung Quốc, gia tăng đối địch và sẽ dẫn đến một cuộc cạnh tranh chiến lược làm hủy hoại mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực liên quan tới biến đổi khí hậu như hợp tác phát triển công nghệ xanh hay công nghệ giảm thiểu carbon.
Hơn nữa, việc chuyển hướng các nguồn lực vào giải quyết các áp lực trong nước do giá năng lượng tăng cao cũng sẽ khiến Trung Quốc và phương Tây giảm bớt khả năng có thể hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Nhu cầu về nguồn lực tài chính trong nước đã khiến nhiều nước phương Tây không đạt được mục tiêu về hỗ trợ tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển khoảng 100 tỷ USD từ nay đến 2023, cho Nam Phi vay 8,5 tỷ USD trong thời hạn 5 năm để quốc gia này chuyển đổi không dùng than nữa.
Những thực tế nêu trên có nghĩa rằng tại các nước đang phát triển, nơi chi phí nhiên liệu tăng cao và nguồn lương thực ngày càng cạn kiệt, nguồn lực tài chính của các nước này càng trở nên hạn chế, và họ chính là các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các cuộc xung đột cũng như từ quá trình biến đổi khí hậu.
Nền kinh tế của những nước này sẽ phải vật lộn trong cơn bão giá hàng hóa toàn cầu, chính phủ các nước này cũng sẽ phải vật lộn trong tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, bởi khi đã mất đi nguồn tài trợ từ cộng đồng quốc tế, giờ đây tiền mặt họ cũng không có đủ để có thể nâng cấp công nghệ và hạ tầng nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch./.
Bình luận