Triển vọng sáng của thị trường chất bán dẫn năm 2022
Technavio dự báo, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam tăng trưởng kép, khoảng 6,52% trong giai đoạn năm 2021 - 2025

Dẫn nội dung từ nhật báo Les Echos, TTXVN cho biết, trong năm 2021, trên một nửa số khách hàng Pháp gặp khó khăn khi tìm mua sản phẩm họ muốn ở cửa hàng hoặc qua giao dịch trực tuyến, tăng hơn đáng kể so với năm trước. Đa số các trường hợp đành chấp nhận mua những sản phẩm sẵn có với giá cao.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm cung cấp dữ liệu và phân tích ngành hàng tiêu dùng GfK của Đức, đồng hồ kết nối, loa âm thanh và máy in là ba thiết bị công nghệ cao bị cháy hàng trên thị trường năm ngoái do thiếu nguồn cung về chất bán dẫn trên quy mô toàn cầu.

Pierre Geismar, chuyên gia phân tích của GfK, cho hay: "Tình trạng thiếu nguồn hàng và những khó khăn về vận tải đã có xu hướng khiến cho giá tăng lên và lượng hàng bán ra sụt giảm". Để bù đắp cho sự gia tăng chi phí của mình, trên thực tế các nhà sản xuất đã ưu tiên cung cấp các sản phẩm hàng đầu tạo ra lợi nhuận cao nhất.

Lĩnh vực công nghệ chững lại trong năm 2021

Nhìn toàn cảnh, thị trường thiết bị gia đình (công nghệ cao và thiết bị gia dụng) đã hoạt động tốt vào năm 2021, khi doanh thu của nó tăng 3%, tương đương với 29,6 tỷ euro (33,6 tỷ USD), sau khi đã tăng 4,4% vào năm 2020.

Cụ thể, về doanh thu, thị trường điện thoại thông minh và đồng hồ có kết nối đã ghi nhận doanh thu 8,1 tỷ euro, theo dữ liệu của GfK. Việc tăng giá trung bình của một chiếc điện thoại thông minh (tăng 5%) đã bù đắp cho việc các cửa hàng phải đóng cửa trong thời gian áp dụng các quy định hạn chế đi lại và sự biến mất gần như hoàn toàn của điện thoại Huawei trên thị trường. Về khối lượng, thị trường vẫn chưa trở lại mức trước khủng hoảng.

Theo các chuyên gia, 2021 cũng là một năm chững lại sau cú tăng trưởng bất ngờ của thị trường máy tính xách tay vào năm 2020. Với 5,8 tỷ euro, thị trường này đã giảm 4% năm 2021, nhưng vẫn cao hơn 10% so với trước khi có dịch bệnh, do phát sinh nhu cầu về máy tính xách tay từ khi phương thức làm việc từ xa được mở rộng.

Thị trường này đã đặc biệt sôi động vào thời điểm bắt đầu năm học - thời điểm bán hàng quan trọng hàng năm - sự thiếu hàng khiến giá bình quân tăng đột biến. Theo số liệu của GfK, vào tháng 12/2021, một chiếc máy tính cá nhân có giá cao hơn 23% so với trước đó 1 năm.

Trong phân khúc các sản phẩm ti vi, âm thanh và máy ảnh, thị trường giảm 2% về số lượng, nhưng tăng 2% về giá trị, lên 4,8 tỷ euro. Tai nghe không dây và cái gọi là loa âm thanh “công suất cao” (với công suất hơn 100 watt) đã được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sự ổn định dự kiến vào năm 2022

Trong thị trường công nghệ cao, GfK dự kiến doanh thu sẽ ổn định vào năm 2022 so với năm 2021. Các chuyên gia của Công ty tin tưởng vào triển vọng trở lại trạng thái bình thường trong lĩnh vực du lịch để tạo động lực mới cho thị trường ảnh và máy ảnh.

Nhu cầu trên thị trường sẽ tiếp tục chậm lại. Với ti vi, sau khi Giải vô địch bóng đá châu Âu không thực sự thúc đẩy doanh số bán tivi trong năm 2021 (chỉ tăng 50.000 trên thị trường 5 triệu chiếc), Giải Bóng đá Vô địch Thế giới (World Cup) có thể sẽ hồi sinh thị trường này vào cuối năm.

Một số nhà sản xuất cũng đang bắt đầu tin vào sự kết thúc của tình trạng căng thẳng về nguồn cung chip điện tử vào cuối năm nay. Một số khác thì thận trọng hơn, nhưng cũng cho rằng ít nhất sẽ có một sự cải thiện.

Với chất bán dẫn, mọi chú ý đều đổ dồn về thời điểm cuối năm. Sau hơn 18 tháng cầu vượt xa cung, các nhà sản xuất các cấu phần này, vốn đã trở thành thiết yếu đối với tất cả các ngành sản xuất công nghiệp (công nghệ cao, ô tô, hàng không...), dự đoán rằng tình trạng thiếu hụt sẽ dần giảm bớt dần trong tháng tới cho đến khi tình hình gần như sẽ trở lại bình thường vào cuối năm 2022...

Foxconn - nhà lắp ráp thiết bị công nghệ cao lớn nhất trên thế giới, chuyên cung cấp linh kiện cho Apple - vừa thông báo rằng sẽ có một cải thiện lớn đối với vấn đề này từ cuối quý I/2022. Và sau đó, căng thẳng về nguồn cung - theo người phát ngôn của Foxconn - nhìn chung sẽ giảm trong nửa cuối năm.

Tổng Giám đốc Intel, Pat Gelsinger, cũng nhận thấy mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, mặc dù ông lo ngại rằng các vấn đề sẽ kéo dài lâu hơn một chút. Ông chia sẻ: “Các căng thẳng của hệ sinh thái sẽ có thể vẫn tồn tại trong suốt năm 2022 và 2023, nhưng tình trạng đang ngày càng được cải thiện”.

Các nhà quan sát khác trong ngành tỏ ra ít lạc quan hơn. Bởi vì tất cả các chất bán dẫn không phải đều có tình trạng giống nhau. Đối với một số chip, chẳng hạn như bộ vi điều khiển, sự thiếu hàng sẽ còn diễn ra cho đến tận giai đoạn cuối. Nhưng đối với những loại chip khác, sự khan hiếm hàng có thể sớm được giải quyết, theo IHS Markit.

Năm 2023, lạc quan thận trọng

Đối với các bộ phận cấp nguồn (các loại pin), tình hình sẽ còn phức tạp trong một thời gian dài. Còn với các bộ vi xử lý tiên tiến nhất, các nhà sản xuất phải có thời gian để tiến hành xây dựng các nhà máy mới trước khi hàng tỷ USD đầu tư của các quốc gia và công ty có thể gặt hái thành quả.

"Sự thiếu hụt nguồn cung chip điện tử sẽ kéo dài đến năm 2023", Duncan Stewart, Giám đốc nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông tại Deloitte Canada, cũng đã lưu ý cách đây vài ngày trong một cuộc gặp với các nhà báo. Đối với công ty nghiên cứu thị trường IDC, tình hình của các linh kiện cần thiết cho ngành công nghiệp ô tô sẽ chỉ được cải thiện từ cuối năm 2022 hoặc thậm chí vào năm 2023. "Nếu không có cú sốc nào khác đối với chuỗi giá trị hàng hóa", theo lưu ý của nhà phân tích Nina Turner.

Trên thực tế, sự thận trọng vẫn được đặt ra. Hiện thị trường vẫn đang trong tình trạng phấp phỏng lo lắng, một cơn gió giật nhỏ nhất trong mấy tháng qua đã được xem là một cơn bão lớn. Việc các nhà máy tạm thời đóng cửa vào mùa Hè hoặc đơn giản là các quy định hạn chế được áp dụng vào tháng 12 vừa qua ở một số quốc gia Đông Nam Á để ngăn chặn một làn sóng dịch COVID-19 mới, đã làm rung chuyển lĩnh vực này.

Cách đây vài ngày, việc nhiễm bẩn không rõ nguyên nhân của nguyên liệu sản xuất tại hai nhà máy chuyên sản xuất chip nhớ Western Digital và Koxia của Nhật Bản đã dẫn đến việc ngừng sản xuất. Theo công ty TrendForce, phân khúc thị trường chất bán dẫn cần phấn đấu để trở thành một trong những phân khúc đầu tiên đạt đến khả năng sản xuất dư so với nhu cầu. Từ nay đến thời điểm đó, giá dự kiến sẽ vẫn có thể cao hơn so với dự báo.

Thị trường chất bán dẫn ở Việt Nam dự báo tăng trên 6%/năm

Tại Việt Nam, dựa trên ứng dụng, thị trường chất bán dẫn ở Việt Nam được phân khúc thành điện tử tiêu dùng, truyền thông, ô tô, thiết bị y tế… Theo nghiên cứu thị trường của Công ty tư vấn và nghiên cứu Công nghệ hàng đầu thế giới Technavio thì thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép vào khoảng 6,52% trong giai đoạn năm 2021 - 2025. Do sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, thị trường bán dẫn ở các quốc gia đang phát triển cũng liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam được biết đến là một thị trường mới nổi ở khu vực châu Á.

Sự gia tăng về lượng cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua. Theo nghiên cứu của Technavio, việc sử dụng các công nghệ IoT ngày càng tăng đang thúc đẩy tăng trưởng thị trường. Tuy nhiên, các yếu tố như thiếu lao động có tay nghề cao có thể là các rào cản cho sự tăng trưởng./.