Chuyện cũ lại bàn

Ngày 15/07 vừa qua, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (gọi tắt là Samsung) đã tổ chức Triển lãm - Hội thảo công nghiệp hỗ trợ Samsung điện tử. Đây là lần thứ hai Tập đoàn này phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam tổ chức hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ, sau lần thứ nhất diễn ra vào hồi tháng 9 năm ngoái.

Còn nhớ sau lần diễn ra thứ nhất (vào tháng 9/2014), thông tin về mấy trăm doanh nghiệp Việt không làm nổi sạc pin, ốc vít cho Samsung ngay sau đó trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trên nhiều diễn đàn kinh tế và cả ở nghị trường.

Tuy nhiên sau gần 1 năm, gần như câu chuyện về ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn không nhận được mấy sự thay đổi tích cực.

Theo ông Han Myoungsup, Tổng Giám đốc của Samsung, hiện chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam hiện cung ứng trực tiếp cho Công ty này. Còn lại khoảng 28 doanh nghiệp còn cung ứng gián tiếp thông qua một doanh nghiệp nước ngoài khác tại Việt Nam. Tổng số 32 doanh nghiệp này hiện chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số nhà cung ứng của Samsung.

Cũng theo vị Tổng Giám đốc của Samsung, trong khi Samsung xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD trong năm 2014, thì số tiền mà "ông lớn" này bỏ ra nhập linh phụ kiện từ các nhà cung ứng tại Việt Nam chỉ là 35 triệu USD.

Qua khảo sát tại Triển lãm, các sản phẩm doanh nghiệp Việt cung cấp cũng mới chỉ dừng lại ở những mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ thấp như: bao bì, đóng gói và khuôn mẫu. Những linh kiện như ốc vít, thậm chí túi bóng bọc dây cáp... vẫn vắng bóng.

Trong khi đó, các gian hàng triển lãm với nhiều linh kiện tinh vi, tinh xảo, hàm lượng giá trị gia tăng cao chủ yếu vẫn thuộc về các doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc có trụ sở tại Việt Nam, như: Rftech Vina, Hosiden, Chung Dang, Bokwang...

Cũng là một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đối với LG, khi tiến hành đầu tư một tổ hợp công nghệ có quy mô lớn tại Hải Phòng, với diện tích 800.000 m², họ đã đặt ra mục tiêu nội địa hoá 50% sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, LG mới chỉ ký được hợp đồng với 01 doanh nghiệp trong nước là Công ty TNHH 4P (Công ty 4P) với tư cách là doanh nghiệp cung ứng cấp 1 - cung ứng bản mạch điện tử trực tiếp.

Nguyên nhân là bởi, LG cũng đòi hỏi sự khắt khe rất cao về công nghệ, chất lượng. Chẳng hạn như, với một linh kiện cấp 2 là khuôn mẫu thì LG yêu cầu độ chính xác đến phần nghìn, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đủ khả năng chính xác đến phần trăm. Như việc sản xuất bản mạch điện tử cho LG của Công ty 4P, họ đòi hỏi không được phép xảy ra bất kỳ sai sót hay sự chậm trễ nào, ảnh hưởng trực triếp đến tiến độ sản xuất của toàn bộ tổ hợp của LG tại Hải Phòng.

Theo các doanh nghiệp có mặt tại Triển lãm – Hội thảo công nghiệp hỗ trợ Samsung điện tử thì, sự khắc nghiệt nói trên là do Samsung đã đề ra các yêu cầu khắt khe về công nghệ, trong khi đó, đây là khâu yếu của doanh nghiệp Việt Nam.

Lọt được vào “mắt xanh” của Samsung, nhưng bà Đinh Thị Thúy Loan, Đại diện Công ty Cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long cho biết: “Trong 4 doanh nghiệp nội địa tham gia với vai trò nhà cung ứng cấp 1, hầu hết đều là cung ứng bao bì, thùng giấy, hộp xốp, hộp nhựa, giá trị gia tăng thấp do chúng ta yếu về công nghệ và khó chen chân với các nhà cung ứng khác đến từ nước ngoài”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc một doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2 chuyên cung cấp một thiết bị inox ở vở điện thoại Samsung cho biết: “Thời gian giao hàng, chất lượng và vốn là 3 yếu tố thách thức các doanh nghiệp 100% vốn trong nước để trở thành nhà cung ứng của Samsung Việt Nam”.

Nhìn chung, những điểm trừ chủ yếu là quy mô còn nhỏ, thiếu vốn, sản phẩm làm ra có thể cạnh tranh về giá, nhưng công nghệ, chất lượng, chứng nhận môi trường… đã khiến doanh nghiệp Việt khó đáp ứng được những yêu cầu của các tập đoàn lớn, như: Samsung, LG…

Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cần được phát huy hiệu quả hơn nữa

Tại phiên họp trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 11/06 vừa qua, người đứng đầu ngành Công Thương là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã nhận trách nhiệm khi để công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém.

Đặc biệt, Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, ngày 22/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ có nội dung còn quá chung chung, nên thực tế chưa phát huy tác dụng. Điều mà nhiều người mong đợi là một văn bản pháp luật cao hơn, thì đến nay vẫn chưa có. Bởi lẽ, do giá trị pháp lý còn thấp, nên văn bản này vẫn chịu ràng buộc của các văn bản pháp luật cao hơn, như: Luật Doanh nghiệp, các quy định của pháp luật về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, về công nghệ cao, về các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư...

Trong khi đó, tại Triển lãm – Hội thảo của Samsung giữa tháng 07 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, hiện công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn đang là vấn đề cần lưu tâm khi chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện Chính phủ Việt Nam đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, nhưng qua thực tế triển khai, những chính sách pháp luật trên chưa đủ mạnh để giúp doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phát triển, đáp ứng với yêu cầu đề ra.

Vì vậy, để có cơ sở pháp lý đủ mạnh hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ với những cơ chế, chính sách toàn diện, khả thi và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam.

Trao đổi về giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Han Myoungsup - Tổng Giám đốc khu tổ hợp sản xuất Samsung cũng đề xuất, Chính phủ có thể hỗ trợ vốn và chế độ chính sách đầu tư cho doanh nghiệp và tìm đầu ra cho sản phẩm...

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, cơ quan quản lý nên là trung gian tìm kiếm đối tác để doanh nghiệp nội và đối tác có thể có một sự ràng buộc nhất định, tạo cơ sở cho doanh nghiệp trong nước quyết định bỏ tiền ra để đầu tư công nghệ, máy móc đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Và để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực rất nhiều...

Trả lời trên Báo Tiền phong khi hiến kế về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể đáp ứng được yêu cầu công nghệ cao của các tập đoàn lớn nước ngoài.

“Quá trình tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở thời điểm hiện nay cần có cái nhìn khác. Trước yêu cầu về phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt về vốn, công nghệ, nhân lực… liệu chúng ta có cần ồ ạt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay không”, ông Kiên nói.

Theo đó, ông Kiên đề xuất, doanh nghiệp nhà nước có thể dùng vốn ngân sách đầu tư máy móc sản xuất linh phụ kiện đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất. Sau đó mới cổ phần hóa để thu hút vốn xã hội và trả vốn cho ngân sách./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/vi-sao-khong-lam-noi-sac-pin-va-oc-vit-759530.tpo

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/samsung-xuat-khau-30-ty-usd-nhap-phu-kien-tu-doanh-nghiep-viet-30-trieu-usd-1099308.htm