Samsung - “Con át chủ bài” trong kim ngạch xuất khẩu

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến nay, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam khoảng gần 15 tỷ USD, trong đó có hai dự án lớn nhất của Samsung Việt Nam là: Khu tổ hợp là Samsung Electronics Việt Nam (SEV) với diện tích 110 ha ở Yên Phong, Bắc Ninh và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) rộng 170 ha ở Phổ Yên, Thái Nguyên.

Cả 02 nhà máy này đều sản xuất và lắp ráp điện thoại di động, máy tính bảng và linh kiện điện thoại. Sản phẩm là nguồn xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, hiện cung ứng khoảng 35% tổng sản lượng thiết bị di động của Samsung trên toàn cầu. Nói một cách khác, trung bình cứ 10 chiếc điện thoại của Samsung được sản xuất trên thế giới thì có 3,5 chiếc được sản xuất ở Việt Nam. Doanh số xuất khẩu của Samsung chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Việt Nam.

Ngoài ra, Samsung còn đầu tư hơn 3 tỷ USD vào Samsung Display (Bắc Ninh); 300 triệu USD vào Trung tâm R&D chuyên nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm mới của tập đoàn.

Như vậy, việc hãng điện tử Hàn Quốc liên tục mở rộng quy mô sản xuất, các nhà máy với diện tích sử dụng rất lớn tại nước ta trong vài năm trở lại đây, đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, đồng thời đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu.

Samsung Việt Nam nói gì về sự cố thu hồi Note 7?

Đầu tháng 09/2016 vừa qua, Samsung đã phải thông báo thu hồi 2,5 triệu máy Galaxy Note 7 trên toàn cầu, đồng thời, ngừng sản xuất Galaxy Note 7 sau khi xảy ra những sự cố cháy nổ pin khi đang sạc điện. Sự kiện khai tử Samsung Galaxy Note 7 này khiến Samsung có thể thiệt hại lên đến 17 tỷ USD.

Samsung đang thiệt hại lớn khi gặp sự cố phải thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 do cháy nổ pin

Tại Việt Nam, ngày 17/10/2016, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, trải qua gần 2 tháng thực hiện liên tiếp thông báo thực hiện việc đổi mới thể hiện trách nhiệm, quyết liệt của Công ty Samsung về sự cố. Tuy nhiên, tính đến nay, mới chỉ có 8.000 Note 7 được thu hồi trong tổng số 12.633 chiếc bán ra tại Việt Nam.

Những thông tin trên khiến dư luận và cả các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại việc Samsung thu hồi Galaxy Note 7 sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam.

Trước sự cố Samsung dừng sản xuất và thu hồi điện thoại Galaxy Note 7 do lỗi pin, trong thông cáo báo chí phát đi ngày 14/10/2016, Samsung Việt Nam cho biết, sự cố này không tác động nhiều đến kim ngạch xuất khẩu trong năm nay và tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 dự kiến vẫn tăng so với giá trị xuất khẩu năm 2015 là 32,7 tỷ USD.

Cùng với đó, vấn đề lo ngại cắt giảm lao động ở các nhà máy, Samsung Việt Nam cũng khẳng định, với khoảng 110.000 nhân viên làm việc ở các nhà máy Samsung tại Việt Nam, không có chuyện cắt giảm nhân lực vì vụ việc liên quan đến Galaxy Note 7.

Hơn nữa, Galaxy Note 7 không chỉ sản xuất ở Việt Nam, mà còn sản xuất ở Hàn Quốc và Trung Quốc, nên càng khó có chuyện cắt giảm lao động Việt Nam liên quan đến mẫu điện thoại này.

Lo ngại nền kinh tế bị FDI thao túng

Mặc dù Samsung Việt Nam đã có sự trấn an như vậy, tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia kinh tế trong nước đều cho rằng, sự cố này chắc chắn có ảnh hưởng tới xuất khẩu nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung. Bởi, Việt Nam vốn được biết đến là một trong những cứ điểm sản xuất lớn của Samsung với hai nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Chính vì tầm ảnh hưởng của Samsung tới xuất khẩu của Việt Nam như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam "trông" vào Samsung rất nhiều, mỗi biến động của Samsung đều tác động tới Việt Nam. Theo đó, việc sản phẩm Note 7 dừng sản xuất chắc chắn sẽ tác động tới nền kinh tế nói chung và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nói riêng.

Số liệu được Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong tháng 09/2016, kim ngạch xuất khẩu của cả nước giảm 6,8% (tương đương 1,1 tỷ USD). Và một trong những nguyên nhân được nhắc tới liên quan tới tình hình xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note7 của Samsung.

“Tháng 08/2016, Samsung có ra mắt sản phẩm Galaxy Note7 nên kim ngạch xuất khẩu điện thoại tăng mạnh. Nhưng sang tháng 9, do sản phẩm bị lỗi pin nên Samsung phải thu hồi sản phẩm để khắc phục sự cố, vì vậy đã ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu. Chỉ riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã giảm 506 triệu USD trong tháng 9”, Tổng cục Thống kê cho biết.

Trong khi đó, chia sẻ tại buổi công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2016 vào ngày 11/10/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, động lực quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi trong quý III/2016 và quý IV/2016 nằm ở mặt hàng điện thoại di động của Samsung bởi nhóm hàng điện thoại, linh kiện điện tử của Samsung chiếm tỷ lệ lớn, lên tới 20% trong kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Tuyển cũng đánh giá, hiện Samsung đang gặp khó khăn với sự cố dòng điện thoại Galaxy Note 7, việc thu hồi dòng sản phẩm này trên phạm vi toàn cầu chắc chắn sẽ khiến xuất khẩu điện thoại của Samsung sẽ chững lại và ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam nói chung.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh trả lời trên Báo điện tử Tuổi Trẻ cho hay, khoảng 03 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Samsung. Nếu Galaxy Note 7 sản xuất ở các nhà máy ở Thái Nguyên và Bắc Ninh chắc chắn sẽ tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam.

Song, theo TS. Ánh, để có đánh giá tác động cụ thể thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, cần phải có một con số thống kê chính xác là bao nhiêu phần trăm sản phẩm Galaxy Note 7 sản xuất từ Việt Nam bị thu hồi.

Trao đổi với Báo điện tử Đất Việt, GS, TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư lại cho rằng, tác động có thể không quá lớn, do đã vào cuối năm và cũng do Galaxy Note 7 chỉ là một trong số rất nhiều dòng sản phẩm của Samsung. Tuy nhiên, sự cố này có thể khiến Việt Nam càng khó đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sau 9 tháng chỉ đạt mức 6,7%.

Nhìn rộng ra, xuất khẩu nói riêng, nền kinh tế nói chung đang phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp FDI. Hơn nữa, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tuy lớn, nhưng thực tế 70%-80% hàng hóa để sản xuất là nhập khẩu từ nước ngoài, cho thấy Việt Nam đang đi làm thuê cho quốc gia khác. Nghĩa là doanh nghiệp ở nước ngoài hưởng lợi chứ không phải Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những thị trường rất lớn trên thế giới. Vì thế, nước ta trở thành cứ điểm để các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến. Theo đó, để giảm bớt sự phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI và tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA mang lại, các doanh nghiệp nội địa cần tự vươn lên, cung cấp các phụ kiện, các nguyên vật liệu cũng như các linh kiện cho doanh nghiệp FDI, để tăng giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh, hoàn thiện việc thu hút FDI theo đúng mục tiêu chiến lược, tập trung mạnh vào chuyển giao công nghệ tiên tiến hiện đại, bảo vệ môi trường, đạt hiệu quả tổng thể cao, góp phần tích cực tăng tiềm lực và nội lực kinh tế đất nước./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://bnews.vn/samsung-viet-nam-noi-gi-ve-su-co-galaxy-note-7-/26268.html

http://vov.vn/kinh-te/samsung-thu-hoi-galaxy-note-7-kinh-te-viet-thiet-hai-lon-559286.vov

http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/samsung-thu-hoi-note-7-viet-nam-thiet-thoi-xuat-khau-ho-3320821/

http://dantri.com.vn/su-kien/con-gan-5000-samsung-galaxy-note-7-chua-thu-hoi-20161017162805321.htm