VAI TRÒ CỦA FINTECH TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH XANH

Hiện nay, việc huy động các nguồn lực tài chính xanh gặp rất nhiều thách thức, bởi các dự án thân thiện với môi trường thường có chi phí cao, thời gian vay vốn dài và tỷ suất lợi nhuận không cao. Bên cạnh đó, việc thẩm định các tác động của dự án xin vay vốn lên môi trường cũng tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí do khan hiếm thông tin. Điều này khiến cho các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng thường không hào hứng tài trợ cho các dự án như vậy. Trên thị trường vốn, chỉ gần 1% trái phiếu trên thế giới được “dán nhãn” màu xanh lá và cũng chỉ gần 1% các tài sản được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức là các tài sản thân thiện với môi trường (Stockholm Green Digital Finance, 2017). Những ví dụ này cho thấy, việc phát triển nguồn tài chính xanh cần có một cú huých và Fintech có tiềm năng để phát triển tài chính xanh cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cụ thể là do:

Ứng dụng Fintech trong phát triển tài chính xanh trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam
Fintech làm giảm thời gian giao dịch, giúp sử dụng hiệu quả và tập trung các nguồn lực để tạo ra giá trị.

(i) Fintech giảm chi phí giao dịch và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Việc sử dụng công nghệ giúp giảm chi phí giao dịch, chi phí thu thập và điều tra thông tin phục vụ mục đích cấp tín dụng hay kết nối các nguồn lực có liên quan. Fintech cũng làm giảm thời gian giao dịch, giúp sử dụng hiệu quả và tập trung các nguồn lực để tạo ra giá trị. Vì vậy, hiệu quả hoạt động được tăng lên. Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, dữ liệu lớn (Big data) được sử dụng để giám sát toàn diện các điều kiện môi trường có tác động lên tốc độ sinh trưởng của cây trồng, bao gồm: nhiệt độ, độ ẩm và hàm lượng nước và sử dụng hình ảnh để xác định trạng thái sinh trưởng của cây trồng. Những dữ liệu thu thập có thể sử dụng cho các dịch vụ tài chính như bảo hiểm nông nghiệp hay tín dụng xanh.

(ii) Fintech giảm sự bất cân xứng thông tin và tăng cường khả năng quản lý rủi ro.

Fintech sẽ tăng cường khả năng nhận biết rủi ro và khả năng quản lý rủi ro của ngân hàng. Các ứng dụng Fintech giúp thu thập thông tin sẽ giúp ngân hàng đánh giá mức độ “xanh” của các doanh nghiệp, dự án xin vay vốn, cũng như giúp ngân hàng nhanh chóng nhận diện các vi phạm liên quan tới bảo vệ môi trường, gây ra rủi ro cho dự án xin vay vốn. Chẳng hạn, những tiến bộ trong khoa học dữ liệu cho phép phân tích các bộ dữ liệu khí hậu được công bố công khai từ nhiều nguồn thông tin. Phân tích dữ liệu lớn giúp đánh giá và cô đọng các tập dữ liệu đó thành "bản đồ nhiệt". Bản đồ nhiệt này giúp lượng hóa và phân tích rủi ro vật lý gây ra bởi biến đổi khí hậu hay các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Đây là một công cụ hữu ích cho các nhà đầu tư và ngân hàng xác định các khu vực có nguy cơ cao về biến đổi khí hậu trước khi đưa ra quyết định phân bổ vốn.

(iii) Vai trò trong công khai, minh bạch thông tin.

Công nghệ blockchain cung cấp dữ liệu thực và không thể thay đổi, đồng thời có thể đảm bảo tính xác thực và khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm xanh và do đó làm giảm bớt thông tin bất cân xứng. Công nghệ này đang được ứng dụng để phát triển trái phiếu xanh, chứng khoán hóa tài sản và phát triển các công cụ tài chính phái sinh giúp phòng ngừa rủi ro. Blockchain cũng đang được ứng dụng để tăng tính thanh khoản cho các thị trường giao dịch giảm phát thải carbon.

Ngoài ra, việc sử dụng hợp đồng thông minh dựa trên blockchain còn giúp đơn giản hóa quy trình phát hành trái phiếu xanh, tiết kiệm chi phí và thời gian cho tổ chức phát hành (S. Mauderer, 2020). Điều này cũng sẽ làm cho việc phát hành trái phiếu xanh trở thành một lựa chọn khả thi cho một phạm vi rộng hơn của các công ty và nhà phát triển dự án.

(iv) Fintech giúp tài chính xanh trở nên toàn diện hơn.

Hiện nay, các chủ thể tham gia thị trường tài chính xanh thường là chính phủ, các công ty và tổ chức lớn. Việc ứng dụng Fintech sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính cho dân cư (kể cả bộ phận dân cư có thu nhập thấp, sống ở các vùng nông thôn, miền núi), cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và định hướng họ chuyển đổi sang lối sống, tiêu dùng hoặc sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường. Vì vậy, Fintech giúp quy mô tài chính xanh được mở rộng và được nhiều người sử dụng hơn.

MỘT SỐ ỨNG DỤNG CỦA FINTECH TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH XANH TRÊN THẾ GIỚI

Rất nhiều tổ chức trên thế giới đang tích cực ứng dụng Fintech vào phát triển tài chính xanh. Các công nghệ mới, như: dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, điện toán đám mây và internet vạn vật (IoT) đã và đang được áp dụng cho một số dịch vụ tài chính xanh, bao gồm: báo cáo phân tích môi trường, xã hội và quản trị (ESG), quản lý rủi ro môi trường, đo lường lợi ích môi trường, tín dụng xanh, tài chính carbon, trái phiếu xanh, kinh doanh năng lượng, đầu tư số, công nghệ bảo hiểm hay tư vấn nhờ sự trợ giúp của robot… Theo báo cáo của Liên hiệp các tổ chức tài chính điện tử bền vững châu Á (Sustainable Digital Finance in Asia, 2021), một số ứng dụng nổi bật của Fintech trong khơi thông và huy động các nguồn tài chính xanh đang được triển khai có thể kể đến như:

Hệ thống quản lý tín dụng xanh tại Ngân hàng Hồ Châu (Trung Quốc)

Hệ thống quản lý tín dụng xanh của Ngân hàng Hồ Châu sử dụng dữ liệu lớn, điện toán đám mây, AI và học máy (machine learning)… để cung cấp các khoản tín dụng xanh. Cụ thể, hệ thống sử dụng AI và công nghệ học máy (machine learning) để đánh giá tính thân thiện với môi trường của một dự án theo các tiêu chuẩn xanh hiện hành của quốc gia hoặc địa phương. Hệ thống cũng xây dựng một mô hình ước tính lợi ích môi trường dựa trên các yếu tố đầu vào của dự án. Đặc biệt là, các ước tính này có thể thay đổi liên tục theo thay đổi của các thông số đầu vào, nên sẽ giúp Ngân hàng thường xuyên theo dõi các lợi ích môi trường theo thời gian thực.

Sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn và nhận dạng thông minh, hệ thống còn có thêm chức năng quản lý rủi ro môi trường. Hệ thống có thể trích xuất dữ liệu, như: giấy phép xả thải của khách hàng vay vốn hay giấy phép sản xuất an toàn để cung cấp cảnh báo sớm về các yếu tố rủi ro như giấy phép hết hiệu lực. Hệ thống cũng có thể tự động cập nhật các vi phạm do hành vi gây hại cho môi trường của doanh nghiệp vay vốn và cung cấp các đánh giá tác động rủi ro môi trường và cảnh báo sớm.

Việc ứng dụng Fintech đã giúp Ngân hàng giảm thiểu chi phí hoạt động, giải phóng nhân viên khỏi gánh nặng thủ tục giấy tờ và rút ngắn thời gian xử lý so với các quy trình quản lý truyền thống. Điều này giúp Ngân hàng giảm chi phí và nâng cao chất lượng quản lý hoạt động cho vay xanh.

Arbol – nền tảng công nghệ bảo hiểm đối với rủi ro về thời tiết

Arbol – công ty công nghệ bảo hiểm có trụ sở tại New York, Mỹ là đơn vị tiên phong xây dựng thị trường bảo hiểm tham số thời tiết (parametric insurance) bằng cách kết hợp công nghệ blockchain, hợp đồng thông minh và dữ liệu công khai cho các lĩnh vực, như: sản suất nông nghiệp, sản xuất năng lượng sạch hay lĩnh vực hàng hải... Arbol loại bỏ quy trình yêu cầu bồi thường truyền thống, vốn dễ dẫn đến sự chậm trễ, tranh chấp và gian lận. Thay vào đó, các hợp đồng bảo hiểm trên nền tảng Arbol được chi trả nhanh chóng và công bằng cho các rủi ro khách quan liên quan tới sự biến động bất thường về thời tiết.

Điểm vượt trội của hợp đồng bảo hiểm Arbol là khách hàng sẽ được hệ thống thanh toán tự động một số tiền đã được thỏa thuận trước bất cứ khi nào một chỉ số thời tiết đạt đến ngưỡng được thỏa thuận bảo hiểm trước đó (ví dụ: lượng mưa dưới 125 ml trong 3 tháng), chứ không chờ tới khi các thiệt hại do các sự kiện thời tiết gây ra được ghi nhận.

Các hợp đồng Arbol được mã hóa, minh bạch và hiệu quả về chi phí. Hợp đồng Arbol tự động hóa thực hiện gần như ngay lập tức khi có xác nhận của nền tảng hệ thống cung cấp dữ liệu Oracle về một chỉ số thời tiết chạm ngưỡng. Điều đáng nói là, sự chạm ngưỡng này không thể bị làm giả hoặc bị con người can thiệp do dựa vào công nghệ blockchain. Hơn thế nữa, dữ liệu lớn và blockchain giúp kết nối các bên tham gia thị trường một cách nhanh chóng (ví dụ như một người nông dân ở Lào với một nhà đầu tư ở Thụy Sĩ). Hợp đồng mã hóa cũng có thể được giao dịch trên một sàn giao dịch thứ cấp. Cả hai điều này tạo ra tính thanh khoản cho hợp đồng bảo hiểm Arbol, từ đó tăng tính hấp dẫn với các bên tham gia thị trường bảo hiểm.

Blockchain với kinh doanh khí thải

CarbonGrid là một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực mã hóa chứng chỉ giảm phát thải carbon (CERs) để bán lại qua blockchain. Bằng cách mã hóa CERs, CarbonGrid lựa chọn các dự án chất lượng, sau đó cho phép các hộ gia đình, các cơ sở phát thải quy mô nhỏ và các công ty có thể giao dịch với nhau để bù đắp lượng khí thải họ đã tạo ra.

Thông qua việc chia nhỏ thành các gói và đa dạng hóa, CarbonGrid cho phép các bên tham gia thị trường có thể mua một danh mục đầu tư đa dạng với các khoản bù đắp phát thải có quy mô nhỏ trên toàn thế giới, hoặc tập trung mua các khoản phát thải tại các địa điểm và dự án mà họ lựa chọn. Ngoài ra, CarbonGrid cũng có thể nhanh chóng cung cấp xác thực cho các bên tham gia thị trường các chứng nhận về việc họ đã tham gia bù trừ lượng phát thải của mình để công bố trong các báo cáo quản trị công ty hay báo cáo phân tích ESG.

Nền tảng dịch vụ tài chính xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nền tảng dịch vụ tài chính xanh một cửa ở thành phố Hồ Châu (Trung Quốc) được phát triển trên nền tảng dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ khác để cung cấp các khoản vay, tài trợ vốn cổ phần và dịch vụ xếp hạng tín dụng xanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ sự phát triển xanh và bền vững của doanh nghiệp này.

Nền tảng này thiết lập các tiêu chuẩn xác định tính “xanh” (tính thân thiện với môi trường) cho các doanh nghiệp và các dự án. Nhờ đó, hệ thống có thể phân loại và nhận dạng các doanh nghiệp, dự án đủ tiêu chuẩn xanh. Ngoài ra, nền tảng này còn hợp nhất thông tin của 31 cơ quan công, như: Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại Hồ Châu, Cục Thuế Hồ Châu, Cục Bảo vệ Môi trường Hồ Châu… nhằm cho phép chia sẻ thông tin giữa các cơ quan với nhau. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian tìm kiếm thông tin, từ đó tạo ra liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa xanh với các ngân hàng và nhà đầu tư quan tâm.

Kể từ khi ra đời vào cuối năm 2018, nền tảng dịch vụ tài chính xanh một cửa ở Hồ Châu đã kết nối hơn 16.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 30 tổ chức tài chính và 80 nhà đầu tư. Nền tảng đã giúp hơn 13.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa xanh nhận được nguồn tài chính khoảng 160 tỷ Nhân dân tệ từ các ngân hàng và tìm nhà đầu tư cho 73 dự án với khoản tài trợ hơn 6,6 tỷ Nhân dân tệ. Nền tảng đã đóng vai trò tích cực trong việc ứng dụng Fintech để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tài trợ cho sự phát triển xanh của họ bằng cách giải quyết những thách thức trong việc xác định tính thân thiện với môi trường của một công ty hoặc dự án, thông tin bất đối xứng, cải thiện khả năng tiếp cận và hiệu quả của nguồn tài chính, đồng thời hạ giá thành vốn vay.

HÀM Ý CHO VIỆT NAM

Tại Việt Nam, ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh của giai đoạn 2021-2030 là khoảng 20-75 tỷ USD (Kỳ Thành, 2020). Để huy động được nguồn vốn khổng lồ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xanh, Việt Nam cần huy động hiệu quả các nguồn tài chính xanh từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên trên thực tế, thị trường tài chính xanh tại nước ta còn rất sơ khai và mới ở giai đoạn đầu hình thành.

Trong khi đó, Fintech đã và đang phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam. Cụ thể, theo báo cáo của Fintech News Singapore (2020), số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam tăng hơn 179% trong giai đoạn 2017-2020. Trong đó, dịch vụ thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất. Hoạt động cho vay ngang hàng và tiền điện tử/blockchain là hai phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm gần đây. Như vậy, tiềm năng của việc ứng dụng Fintech để mở rộng và phát triển các nguồn lực tài chính xanh tại Việt Nam là rất lớn.

Qua những phân tích ở trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm thúc đẩy áp dụng Fintech trong tài chính xanh tại Việt Nam, như sau:

Thứ nhất, xây dựng các quy định pháp luật và chiến lược nhằm thúc đẩy việc ứng dụng Fintech trong phát triển tài chính xanh tại Việt Nam. Chính phủ cần định hướng, xây dựng chiến lược và cụ thể hóa các chính sách để gắn sự phát triển của Fintech vào các lĩnh vực cụ thể của thị trường tài chính xanh. Bên cạnh đó, hoàn thiện hành lang pháp lý và sử dụng các công cụ pháp lý để đảm bảo việc ứng dụng Fintech vào huy động và sử dụng nguồn lực tài chính xanh đi đúng hướng, đảm bảo lợi ích của những chủ thể có liên quan. Mặt khác, Chính phủ cần kết nối và huy động sự tham gia đồng bộ của các nguồn lực, tạo ra sự đồng thuận giữa các đơn vị quản lý, các thành phần của nền kinh tế đối với sự phát triển của Fintech trong lĩnh vực tài chính xanh.

Thứ hai, Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cũng như cơ chế và phương thức để truy cập và chia sẻ thông tin hiệu quả, minh bạch, công khai giữa các cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương và với các chủ thể tham gia thị trường. Thông tin là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng trong việc phát triển các ứng dụng Fintech vào thị trường tài chính xanh. Thông tin về các doanh nghiệp hay dự án cần huy động nguồn vốn tài chính xanh sẽ giúp các tổ chức tín dụng hoặc các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc ra quyết định tài trợ vốn cho các dự án đó. Từ góc độ kiểm soát, quản lý của bên cho vay, nhà đầu tư hoặc các cơ quan quản lý nhà nước trong suốt quá trình đầu tư, cấp vốn và sử dụng nguồn tài chính xanh, thì thông tin về doanh nghiệp, dự án cũng đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, một trong các ưu tiên hàng đầu trong việc triển khai ứng dụng Fintech vào huy động và sử dụng các nguồn tài chính xanh là đảm bảo khả năng cung cấp, lưu trữ và truy cập nguồn thông tin chất lượng, minh bạch và công khai nhằm cung cấp dữ liệu để đánh giá tính xanh của một doanh nghiệp, một dự án… Thời gian tới, Việt Nam cần sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn chỉnh về các thông tin kinh tế - tài chính, chuẩn hóa thể thức, cũng như nội dung của các thông tin được thu thập. Tiếp đến, cần xây dựng cơ chế thu thập, liên kết và chia sẻ thông tin hữu hiệu giữa các chủ thể tham gia thị trường tài chính nói chung và thị trường tài chính xanh nói riêng. Như vậy mới tạo được nền tảng để các doanh nghiệp, tổ chức và nhà đầu tư cá nhân khai thác thông tin và ứng dụng được Fintech vào các hoạt động tài chính xanh.

Thứ ba, hệ thống các tổ chức tín dụng cần đóng vai trò tiên phong trong thúc đẩy phát triển các ứng dụng Fintech vào huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính xanh. Các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại với lợi thế sẵn có về tiềm lực tài chính, cơ sở thông tin tín dụng cũng như hệ thống thẩm định, quản lý các dự án vay vốn có rất nhiều tiềm năng để ứng dụng Fintech vào hoạt động tài chính xanh. Lĩnh vực đầu tiên mà các tổ chức tín dụng có thể tham gia phát triển là tín dụng xanh, vốn là một trong ba công cụ chủ yếu để huy động nguồn vốn xanh (bên cạnh trái phiếu xanh và cổ phiếu xanh). Tận dụng hệ thống sẵn có kết hợp với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về hành lang pháp lý hoặc các ưu đãi dành riêng cho các ngân hàng tham gia cấp tín dụng xanh, các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể tiên phong trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư cho các dự án xanh. Đồng thời, trong suốt quá trình trước, trong và sau cấp vốn, các ngân hàng có thể sử dụng các ứng dụng Fintech để thẩm định tính “xanh” của doanh nghiệp/dự án vay vốn, kiểm tra, kiểm soát quá trình giải ngân vốn vay của doanh nghiệp đảm bảo đúng mục đích và hiệu quả, cũng như xem xét khả năng hoàn trả vốn vay của doanh nghiệp.

Thứ tư, các doanh nghiệp tư nhân cần thúc đẩy việc ứng dụng Fintech trong lĩnh vực tài chính xanh. Bên cạnh việc theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động nghiên cứu và đổi mới công nghệ theo hướng xanh hóa và thân thiện với môi trường. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân luôn đi tiên phong trong việc triển khai nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có Fintech vào việc huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính xanh, điển hình như Arbol. Bên cạnh đó, một xu hướng phổ biến mới trên thế giới là việc các doanh nghiệp công bố ESG. Những xu hướng này giúp nâng cao nhận thức của ban quản trị, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động và định hướng sử dụng các nguồn vốn xanh vào các dự án xanh./.

Tài liệu tham khảo

1. Kỳ Thành (2020). Thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh cho Việt Nam, truy cập từ https://baodautu.vn/thuc-day-phat-trien-thi-truong-tai-chinh-xanh-cho-viet-nam-d121627.html

2. Financial Stability Board (2017). Financial Stability Implications from Fintech

3. Fintech News Singapore (2020). 2020 Fintech Vietnam Report and Startup Map: Fintech Startups Tripled since 2017

4. N. Höhne, N. Braun, H. Fekete, R. Brandsma, J. Larkin, M. G. J. den Elzen, M. Roelfsema, A. F. Hof, H. Böttcher (2012). Greenhouse gas emission reduction proposals and national climate policies of major economies, PBL Netherlands Environmental Assessment Agency, Bilthoven, the Netherlands

5. Research centre for Green finance development of Tsinghua University (2020). Fintech facilitates the sustainable development of green finance in China: Cases and outlook

6. S. Mauderer (2020). The role of fintechs in green finance, Keynote speech at the 4th German – Singaporean Financial Forum "Grün-Tech: How can fintechs and banks work hand in hand for sustainable finance"

7. Stockholm Green Digital Finance (2017). Unlocking the Potential of Green Fintech

8. Sustainable Digital Finance in Asia (2021). Creating Environmental impact through banking transformation

ThS. Nguyễn Thị Thùy Linh - Học viện Chính sách và Phát triển

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 20, tháng 7/2021)