Ứng trước 3.590,9 tỷ đồng, cơn khát vốn đối ứng liệu có được "giải tỏa"?
Vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng các dự án ODA vừa thiếu, vừa không kịp thời, gây ra rất nhiều hệ lụy xấu đối với các chủ đầu tư
Nan giải chuyện thiếu vốn đối ứng
Từ năm 1993, khi Việt Nam bắt đầu nhận những đồng vốn ODA đầu tiên đến nay, mặc dù nguồn vốn ODA chỉ chiếm khoảng 4% GDP, song lại chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (bình quân chiếm khoảng 15-17%). Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển của ta còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lại rất lớn.
Tuy nhiên, một vấn đề Việt Nam vẫn đang phải đối mặt đó là tiến độ giải ngân ODA chậm so với nhiều quốc gia khác.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam mới giải ngân được 50% vốn JICA, 28% vốn ADB cho giao thông. Cụ thể, các dự án JICA thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý là 20 dự án với tổng số vốn vay cam kết là 620.784 triệu Yên. Tính đến 31/3/214, tổng giá trị hợp đồng đã thông qua là 393.277 triệu Yên (đạt 63%); lũy kế giải ngân xấp xỉ 50%; còn lại số chưa giải ngân là 50%.
Trong năm tài khóa 2013, các dự án giao thông do Bộ Giao thông vận tải chiếm 60% tổng các dự án JICA tại Việt Nam; giải ngân thực tế là 81.271 triệu Yên, đạt 59% kế hoạch; dự kiến năm tài khóa 2014 (từ 1/4/2014 đến 31/3/2015) là 109.682 triệu Yên, chiếm 51,43% tổng các dự án JICA tại Việt Nam.
Đối với dự án giao thông của ADB đầu tư tại Việt Nam có 12 dự án. Tổng giá trị các khoản vay đã cam kết là 3.560 triệu USD; tổng giá trị hợp đồng đã ký đạt 45%; giá trị giải ngân lũy kế 28%.
Điều này cho thấy, tiến độ thực hiện các dự án giao thông ADB chậm, tỷ lệ giải ngân thấp.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi ký hiệp định hỗ trợ ODA, Việt Nam phải cam kết là có đủ vốn đối ứng, tỷ lệ bình quân chung là 80: 20. Vì vậy, những dự án có kết cấu hạ tầng lớn như những đường cao tốc, quốc lộ… lên đến 2-3 tỷ USD, thì Việt Nam đã phải đối ứng với số vốn rất lớn, 20% phần trăm của vốn 3 tỷ, là khoảng 600 triệu USD. Đã vậy, Việt Nam có rất nhiều dự án như vậy dẫn đến nguồn lực đối ứng thấp, dẫn đến tiến trình giải ngân chậm.
Ứng trước 3.590,9 tỷ đồng, liệu đã “giải tỏa” được cơn khát?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định ứng trước vốn đối ứng nguồn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2015 của các chương trình, dự án ODA.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định ứng trước 3.590,9 tỷ đồng vốn đối ứng ODA nguồn vốn trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2015 theo danh mục và mức vốn ứng trước đối với các chương trình, dự án ODA của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương. Số vốn ứng này được thực hiện và thanh toán đến hết 31/3/2015.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số vốn ứng trước vốn đối ứng này chưa thấm tháp gì so với nhu cầu.
Tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA diễn ra cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong năm 2013, Việt Nam giải ngân được hơn 5,1 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi, tăng 23% so với năm trước. Các nhà tài trợ lớn đều duy trì mức giải ngân cao, như Nhật Bản giải ngân được 1,69 tỷ USD, Ngân hàng Thế giới (WB) đạt 1,35 tỷ USD và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với khoảng 1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, tổng vốn ODA chưa giải ngân vẫn còn rất lớn. Hiện còn trên 20,9 tỷ USD vốn ODA chưa giải ngân, trong đó, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có lượng vốn ODA bị đọng lớn nhất. Năm nay, theo kế hoạch phải giải ngân khoảng 8 tỷ USD cho các chương trình, dự án dự kiến hoàn thành năm 2014. Con số này lớn hơn rất nhiều so với số vốn giải ngân năm 2013.
Đây là một thách thức lớn, bởi theo tỷ lệ chung, Việt Nam phải ứng 20% để giải ngân hết con số 8 tỷ USD. Đồng nghĩa với việc, Việt Nam phải chi 1,6 tỷ USD vốn đối ứng, một con số rất lớn, trong bối cảnh ngân sách không lấy gì làm dư dật hiện nay.
Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, vốn đối ứng các dự án ODA trong ngành giao thông hiện chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu, lại thường được bố trí vào thời gian cuối năm nên rất khó chủ động.
Năm 2014, Bộ Giao thông vận tải được phân bổ khoảng 2.500 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án ODA, qua rà soát còn thiếu khoảng 5.900 tỷ đồng. Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng luôn bị chậm do địa phương khó khăn về vốn.
Nhiệm vụ nặng nề giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm khẩn trương thông báo danh mục, mức vốn ứng của từng dự án và hướng dẫn các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc ứng vốn.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ, từ năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải bố trí kế hoạch vốn để thu hồi số vốn đối ứng trước nêu trên và cân đối đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA theo cam kết với các nhà tài trợ ODA. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của số liệu, danh mục và mức vốn ứng trước của các dự án.
Đây là nhiệm vụ nặng nề được Chính phủ giao phó cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ này, Bộ cũng đã đề xuất một số giải pháp như: xây dựng quy trình quản lý vốn đối ứng bài bản, thực hiện nghiêm việc thẩm định vốn, đảm bảo quy mô dự án phù hợp với khả năng cơ quan chủ quản; yêu cầu nâng cao chất lượng báo cáo nghiên cứu khả thi, đảm bảo đầy đủ, chính xác các thông số kỹ thuật; Rút ngắn thời gian khởi động dự án và giảm thiểu tình trạng nhà thầu không đủ điều kiện trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng Thông tư riêng về việc thành lập các ban quản lý dự án để nâng cao năng lực của đơn vị quản lý./.
Bình luận