Ước giải ngân đầu tư công Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đạt 49.740,2 tỷ đồng
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình; thường xuyên, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai, điều chỉnh chính sách phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra.
Ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình đến ngày 30/9/2023 đạt khoảng 49.740,2 tỷ đồng |
Ước giải ngân đầu tư của Chương trình đến ngày 30/9/2023 đạt khoảng 49.740,2 tỷ đồng
Đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 95,7 nghìn tỷ đồng, trong đó: (i) Cho vay 5 chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 21.019 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 2.623 tỷ đồng; (ii) Hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.679,3 tỷ đồng; (iii) Hỗ trợ 2% lãi suất đạt khoảng 781 tỷ đồng; (iv) Giảm thuế, phí, lệ phí là 60.243 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.
Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và phân bổ vốn, các cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án đầu tư công thuộc Chương trình và một số nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư phát triển; tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tối đa 176 nghìn tỷ đồng với thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực gồm: (i) Y tế: 14 nghìn tỷ đồng; (ii) An sinh xã hội, lao động, việc làm: 8,15 nghìn tỷ đồng, (iii) Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 40 nghìn tỷ đồng, cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng và (iv) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng 113,55 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, giao Chính phủ căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết, khẩn trương rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, bao gồm: Quyết định số 1113/QĐ-TTg, ngày 21/9/2022 giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình; Quyết định số 202/QĐ-TTg, ngày 08/3/2023 giao 14.710,315 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình.
Thực hiện Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong đó giao số vốn 13.369,468 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện.
Như vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 175.217,783 tỷ đồng. Đối với số vốn 782,217 tỷ đồng còn lại: (i) 273 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải sẽ được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến khi Dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư; (ii) 509,217 tỷ đồng không tiếp tục phân bổ theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 93/2023/QH15.
Đối với kế hoạch năm 2022, ngày 12/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1198/QĐ-TTg về giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, đã giao tổng số vốn 38.155 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình cho 04 nhiệm vụ thuộc Chương trình và 254 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đối với kế hoạch năm 2023, căn cứ Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, căn cứ số liệu báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án là 115.761,062 tỷ đồng, trong đó phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình là 104.698,866 tỷ đồng, phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 11.062,196 tỷ đồng.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình đến ngày 30/9/2023 đạt khoảng 49.740,2 tỷ đồng.
Bảo đảm giải ngân hết số vốn 16.100 tỷ đồng dự kiến điều chuyển bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm
"Để giải ngân tối đa nguồn vốn Chương trình phục hồi, các bộ, các ngành, các địa phương trong thời gian còn lại của năm phải tập trung giải ngân hết số vốn đã được giao, đồng thời thực hiện điều hòa linh hoạt giữa nguồn vốn của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giữa dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án giải ngân tốt để hấp thụ hết nguồn vốn được giao", Bộ trưởng lưu ý.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, các thành viên Chính phủ trực tiếp giải trình, bổ sung thông tin, làm rõ các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đối với các chính sách do bộ, cơ quan mình phụ trách.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi. Ngân hàng Chính sách xã hội chuẩn bị các điều kiện, thủ tục cần thiết để bảo đảm giải ngân hết số vốn 16.100 tỷ đồng dự kiến điều chuyển để bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong năm 2023.
Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của Chương trình, điều chuyển giữa kế hoạch vốn của Chương trình và Kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN đoạn 2021-2025 được giao theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội nhằm giải ngân cao nhất kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2023./.
Bình luận