3 dạng “đề tài ngăn kéo”

Hiệu quả nghiên cứu của các đề tài khoa học được quan tâm của nhiều cử tri, về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt câu hỏi với Bộ trưởng “Hàng năm nước ta dành 1.300 tỷ chi cho nghiên cứu các đề tài khoa học. Có phải sản phẩm nghiệm thu trên bàn là chủ yếu, có hay không cơ chế xin - cho?”

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hàng năm, chi cho khoa học, công nghệ không phải ở mức 1.300 tỷ đồng, mà khoảng 3.000 tỷ đồng. Thuật ngữ đề tài xếp ngăn kéo thường được nghe, nhưng nó có 3 loại.

Thứ nhất là nghiên cứu cơ bản vì những nghiên cứu như vậy thường đi trước, phải chờ đợi sự phát triển của thời đại, đến một lúc nào đó mới có thể ứng dụng.

Bộ trưởng lấy ví dụ về chất bán dẫn được người Mỹ phát minh từ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước, nhưng phải xếp ngăn kéo đến đầu thập kỷ 60 khi người Nhật mua, nó mới trở thành sản phẩm hàng hóa. Ngày nay, mỗi năm chất bán dẫn đóng góp cho thế giới 20.000 tỷ USD. Vì thế, các đề tài nghiên cứu cơ bản chúng ta phải chấp nhận có giai đoạn chờ đợi.

Thứ hai là những nghiên cứu ứng dụng. Những đề tài này muốn trở thành hàng hóa phải có đầu tư. Rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công, nhưng không tìm được nguồn đầu tư, ngân sách nhà nước chỉ chi cho nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Doanh nghiệp của nước ta lại nhỏ và siêu nhỏ nên chưa đủ năng lực đầu tư, bởi vậy nhiều nghiên cứu tốt vẫn phải chờ các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài.

Thứ ba là những công trình nghiên cứu không có tính ứng dụng cao.

Trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã quy định rõ, nghiên cứu khoa học phải từ đơn đặt hàng, từ nhu cầu chứ không phải từ sở thích của nhà khoa học. Cũng có trường hợp nhà khoa học đề xuất đề tài nghiên cứu, nhưng phải thông qua hội đồng thẩm định. Nếu đề tài đó ứng dụng được thì mới chấp nhận cho nghiên cứu.

Vì vậy, “Nếu thực hiện nghiêm Luật Khoa học Công nghệ năm 2013 sẽ không còn hiện tượng đề tài xếp ngăn kéo”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cũng nói thêm, khoa học, công nghệ có tính mạo hiểm, nên việc nghiên cứu không thể chắc chắn 100% thành công. “Trên thế giới, trung bình có khoảng 20% công trình nghiên cứu được ứng dụng, ở Việt Nam năm 2014 là 18%, cũng chỉ thấp hơn mức trung bình thế giới một chút”.

Mặc dù có thừa nhận có sự lãng phí trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết “lãng phí ở đây là sự đầu tư không tới ngưỡng, đề tài rất dễ thất bại nếu không được đầu tư tới ngưỡng”. Trong số 2% tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ (năm 2014 xấp xỉ 23.000 tỷ đồng), Bộ Khoa học và Công nghệ được giao 1,52% (tương đương 17.300 tỷ đồng. Trong đó, 40% cho đầu tư phát triển, 40% cho chi thường xuyên, chỉ còn gần 20% cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Như vậy, trung bình 1 viện nghiên cứu chỉ dành hơn 1 tỷ/năm cho nghiên cứu, 1 cán bộ hơn 30 triệu đồng/nghiên cứu. Đó là con số rất nhỏ so với các nước trên thế giới.

Thị trường thiếu mảng khoa học, công nghệ

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng cho biết “vì sao đến nay Việt Nam chưa có thị trường khoa học, công nghệ, phải chăng do cơ chế phân bố đề tài, kinh phí là nguyên nhân khiến thị trường khoa học, công nghệ chậm ra đời?”.

Giải đáp vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thị trường khoa học, công nghệ phát triển muộn nhất trong các thị trường ở Việt Nam. Các thị trường khác đã phát triển 20 năm qua trong khi thị trường khoa học, công nghệ sau năm 2000 mới bắt đầu được xây dựng, dù đã được manh nha từ thời kỳ đổi mới.

Năm 2004, Thủ tướng đã có quyết định phát triển thị trường khoa học, công nghệ. Đến năm 2014, Thủ tướng tiếp tục ban hành một số quyết định thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ (như: Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg, ngày 25/11/2014 về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; Quyết định số 1069/QĐ-TTg, ngày 04/07/2014 Quyết định về việc phê duyệt Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020).

Tuy nhiên, Bộ trưởng phân tích: “Thị trường có 4 yếu tố, nhưng trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến hai là nguồn cung và cầu. Nguồn cung của các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học, còn cầu là các doanh nghiệp. Còn 2 yếu tố nữa chưa được quan tâm thỏa đáng là định chế trung gian và môi trường pháp lý”.

Nói rõ hơn về những vướng mắc, Bộ trưởng cho biết các đơn vị tư nhân chưa quan tâm đến vấn đề này, trong khi đó, việc bố trí ngân sách từ kinh phí của Nhà nước cho công nghệ còn khó khăn. Do khó khăn về ngân sách, biên chế nên chúng ta khó có được các tổ chức dịch vụ trung gian với số lượng đông đảo. “Nhưng, chúng tôi cũng thừa nhận trách nhiệm của Bộ và cá nhân Bộ trưởng, trong 10 năm qua chưa làm được nhiều để hoàn thành 4 khâu của thị trường công nghệ. Trong những năm tới chúng tôi sẽ tập trung vào khâu yếu này để thị trường công nghệ được vận hành hiệu quả”, Bộ trưởng thừa nhận.

“Chúng tôi đã trình Thủ tướng các chính sách tạo thị trường công nghệ quốc gia, tìm kiếm các nguồn đầu tư để phát triển các định chế trung gian hỗ trợ nguồn cung, cầu”, Bộ trưởng phát biểu.

Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, đây là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân là do kinh phí và cơ chế. Việc giao kinh phí đang chưa kịp thời, nguồn lực hạn chế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với trên 7.000 người làm khoa học, công nghệ và gần 100 trung tâm nghiên cứu là rất ít ỏi. Các đề tài nghiên cứu vào được cuộc sống rất khó khăn. Xuất khẩu nhiều, doanh thu lớn, nhưng các nhà nông nghiệp chưa được bù đắp xứng đáng.

Về giống cây trồng vật nuôi, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết “Việt Nam có nhiều giống tốt, nhưng thế giới có nhiều nguồn tốt hơn. Bộ ủng hộ nhập khẩu giống có năng suất cao để sản phẩm cạnh tranh được với thế giới”. Bên cạnh hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônvề quỹ gen các giống cây trồng vật nuôi, chuyển giao khoa học, công nghệ miễn phí cho nông dân, Bộ Khoa học và Công nghệ còn tìm giống tốt nhập khẩu, như: bò Nhật Bản, cam không hạt của Mỹ...

Tuy nhiên, song song với việc phát triển những giống cây trồng vật nuôi nhập khẩu, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh “chúng ta phải xây dựng bảo tồn gien cây quý hiếm bản địa như cam Vinh, cây trái Nam Bộ”.