VCCI lo ngại tiêu chí xác định DNNVV sẽ phát sinh thủ tục hành chính
Đối tượng hỗ trợ tương đối rộng
Điều 4, Dự thảo đưa ra 2 phương án phân loại DNNVV: (1) đáp ứng một trong các tiêu chí về: nguồn vốn (tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng) và lao động (số lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người); (2) đáp ứng một trong các tiêu chí về nguồn vốn (như phương án 1), doanh thu (doanh thu của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng), lao động (như phương án 1).
Vốn, lao động và doanh thu là 3 tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Tuy nhiên, theo VCCI, đối tượng hỗ trợ của Dự thảo Luật đưa ra tương đối rộng, không chỉ bao gồm doanh nghiệp tư nhân trong nước, mà còn có cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp FDI hiện nay đang hưởng nhiều loại ưu đãi đầu tư tại Việt Nam, nên đã có những lợi thế đáng kể so với các doanh nghiệp trong nước thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Còn đối với DNNVV nhà nước, thì (1) Bản thân vốn nhà nước trong các doanh nghiệp này đã là một sự hỗ trợ (rất đáng kể) từ Nhà nước; (2) Có ưu thế rất lớn trong việc tiếp cận các nguồn lực, thông tin và nhiều yếu tố khác.
Do đó, VCCI đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc thu hẹp đối tượng thụ hưởng bằng việc đưa các DNNVV FDI và DNNVV nhà nước ra khỏi phạm vi đối tượng hỗ trợ theo Luật này. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo thu thập số liệu điều tra doanh nghiệp hàng năm của Tổng cục Thống kê và đánh giá chi tiết các phương án lựa chọn tiêu chí xác định DNNVV, từ đó lựa chọn các tiêu chí phù hợp hơn với bối cảnh của Việt Nam.
Lo ngại nảy sinh nhiều thủ tục phiền toái
Theo VCCI, việc áp dụng những tiêu chí phân loại về doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phát sinh các thủ tục hành chính liên quan tới việc xác nhận đối tượng được thụ hưởng.
Trong khi đó, việc dựa vào tổng nguồn vốn của doanh nghiệp để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là tương đối khó do tổng nguồn vốn của doanh nghiệp còn bao gồm cả vốn đi vay.
Tương tự, số lao động bình quân cũng khó xác định, do chưa rõ sẽ phải tính số lao động như thế nào, khi hiện nay Bộ luật Lao động đã cho phép thuê lại lao động (tức là một doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác thuê lại người lao động của mình). Khi đó, lại phải cần có tiêu chí xác định số lao động của các doanh nghiệp cho thuê và doanh nghiệp thuê.
Theo VCCI, chỉ có tiêu chí doanh thu là dễ xác định hơn cả, do thông tin của cơ quan thuế là sẵn có và có khả năng áp dụng ngay không phát sinh thủ tục.
Dưa trên các phân tích trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đánh giá thêm các thủ tục hành chính có liên quan tới việc xác nhận doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ trong Dự thảo, cũng như trong các nghị định hướng dẫn đi kèm.
Bởi, các DNNVV cần nhận sự hỗ trợ rất nhiều về các điều kiện để kinh doanh, như: mặt bằng sản xuất, vốn, kiến thức, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, tiếp cận thị trường…, do đó nếu càng nhiều thù tục, thì chi phí sẽ lại càng gia tăng./.
Bình luận