VEPR dự báo tăng trưởng quý IV đạt mức 6,56%, cả năm GDP sẽ tăng 6,84%
Sáng ngày 10/10/2018, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2018.
VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được
Mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% chắc chắn sẽ thực hiện được
Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, theo Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,98%, mức tăng 9 tháng cao nhất kể từ năm 2011.
“Con số này cao hơn mức tăng trưởng quý II (6,73%), xua tan các nhận định về tính giảm dần của tăng trưởng các quý trong năm 2018”, ông Thành nhấn mạnh.
Với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của quý III, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5%-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay.
Cụ thể, VEPR dự báo tăng trưởng quý IV đạt mức 6,56%, cả năm GDP sẽ tăng 6,84%.
Bên cạnh đó, VEPR cho rằng, chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong quý IV/2018.
Tuy nhiên, ông Thành cũng thể hiện sự lo ngại về lạm phát trong năm 2019. Ông cho rằng, nếu như giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ 1/1/2019.
“Những tính toán sơ bộ của chúng tôi cho thấy chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm. Điều này đòi hỏi NHNN cần rất thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt khỏi kiểm soát”, ông Thành cho biết.
Song, vẫn cần cẩn trọng trong điều hành
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới, TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý.
Quý II/2018 chứng kiến xu hướng tăng trưởng khác nhau của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong khi Mỹ và Ấn Độ tăng trưởng vượt bậc, kinh tế Trung Quốc và châu Âu có dấu hiệu giảm tốc.
Cuộc chiến thương mại leo thang giữa các nước lớn mang tới những thuận lợi và bất lợi khác nhau cho các nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhìn chung, kinh tế và thương mại toàn cầu sẽ giảm tốc khi các nước nền kinh tế dựng nên hàng rào thuế quan nhằm vào hàng hóa của nhau.
Đồng USD ngày càng mạnh lên khi Fed liên tục nâng lãi suất, khiến cho tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục có những biến động tương đối mạnh như thời gian qua.
Việc tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị đồng VND trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế. Trên thực tế lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn tương đối mỏng tỉnh theo tuần nhập khẩu, nên việc can thiệp có quy mô hạn chế.
Tiếp đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp trong năm 2019 và 2020. Vì vậy, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của CNY so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại.
Xa hơn nữa, Việt Nam cần nhanh chóng cải cách chuyển đổi thể chế theo hướng tạo lập nền kinh tế thị trường đẩy đủ để tránh những đối xử bất lợi theo cách Mỹ đang muốn tạo ra tiền lệ với Trung Quốc.
“Có thể nói, cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay chính là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách để chủ động cải thiện tình trạng của chính mình đối với hai nước”, ông Thành nhận định.
Về mặt vĩ mô, Việt Nam cần tranh thủ nỗ lực tạo thêm dự địa chính sách để tăng sức chịu đựng trước những rủi ro sắp tới từ môi trường toàn cầu. Đó là việc tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách, tăng thặng dư thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và chống tham nhũng…
Tập trung ở góc độ phát triển doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, số doanh nghiệp đăng ký tăng lên không cao, số lượng ngưng hoạt động lại tăng cao như báo cáo VEPR là do môi trường kinh doanh chưa được thực sự cải thiện.
Phản ánh với bà, các doanh nghiệp cho biết, môi trường kinh doanh không cải thiện được nhiều và họ vẫn rất khó khăn khi tiếp cận vốn cũng như sự rắc rối trong các thủ tục chính sách.
Do đó, bà Lan cho rằng, thay bằng việc chạy theo thành tích, các bộ, ngành cần có nhiều chuyển biến thực chất trong cải thiện môi trường kinh doanh./.
Bình luận