Tuy tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký giảm 11%, nhưng theo bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, thu hút vốn FDI vẫn có những tín hiệu tích cực.

Vì sao tổng vốn FDI đăng ký năm 2022 giảm 11%, trong khi vốn thực hiện tăng 13,5%
Bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, nhận định, dù giảm nhưng thu hút vốn FDI vẫn có những tín hiệu tích cực. Ảnh: Bảo Linh

Mức sụt giảm thể hiện rõ khó khăn chung trong ngắn hạn của nền kinh tế thế giới

"Trong tổng vốn FDI đăng ký, thì cấu phần vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh cả về vốn đầu tư, cũng như số lượt dự án điều chỉnh trong năm 2022 so với cùng kỳ năm trước: Tăng 12,2% về số vốn và tăng 12,4% về số lượt dự án điều chỉnh. Mức tăng này đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư của Việt Nam an toàn, nên họ đã đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu.", bà Hương nhận định.

Bà cũng phân tích, nếu loại trừ yếu tố đột biến trong quý I/2021 (loại trừ 4,41 tỷ USD của 2 dự án cấp mới), thì tổng vốn FDI đăng ký năm 2022 vẫn tăng 3,64% so với năm 2021, trong đó: Vốn đăng ký cấp mới tăng 14,9%, vốn điều chỉnh tăng 12,2%, góp vốn giảm 25,2%.

Mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung trong ngắn hạn của nền kinh tế thế giới, cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động trong năm 2022. Đó là xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại, mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên thế giới và tại Việt Nam, do ảnh hưởng từ một số yếu tố cơ bản, như : (1) Xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới; (2) Áp lực giá cả và lạm phát tăng cao; (3) Nhu cầu hàng hóa toàn cầu có xu hướng giảm; (4) Điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt; (5) Đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục hoàn toàn.

"Những yếu tố này đang gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn FDI toàn cầu trong năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam, tác động làm giảm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2022", bà Nga nói.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ vốn FDI thực hiện/đăng ký tại Việt Nam giai đoạn 2020-2022 cao hơn những năm trước

Về tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam, theo bà Nga, đây là vốn của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó, ngoài các dự án đầu tư mới còn bao gồm các dự án đầu tư từ những năm trước đã đầu tư thêm vốn để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện tại.

Do môi trường chính trị ổn định và nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ, các địa phương, nên trong thời gian vừa qua, mặc dù tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có sự sụt giảm, nhưng vốn đầu tư thực hiện kể cả những năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn không bị sụt giảm mạnh như vốn đăng ký.

Bảng: Mức độ tăng/giảm của vốn FDI thực hiện

Tốc độ tăng/giảm (%)

2020

2021

2022

Vốn đăng ký

-25.0

9.2

-11.0

Vốn đăng ký (loại trừ 2 dự án 4,41 tỷ USD năm 2021)

-25.0

-6.3

3.6

Đăng ký cấp mới

-12.5

4.1

-18.4

Đăng ký điều chỉnh

10.6

40.5

12.2

Góp vốn, mua cổ phần

-51.7

-7.7

-25.2

Vốn thực hiện

-2.0

-1.2

13.5

Về nguyên nhân làm cho tỷ lệ vốn FDI thực hiện/đăng ký tại Việt Nam trong giai đoạn 2020-2022 cao hơn những năm trước (những năm trước tỷ lệ này từ 55-60%), bà Nga chỉ rõ, trong năm 2020 và 2021, vốn đăng ký của các dự án đầu tư mới và đầu tư theo phương thức góp vốn mua cổ phần trong giai đoạn 2020-2022 vẫn tiếp tục xu hướng giảm cả về số lượt góp vốn mua cổ phần lẫn giá trị vốn góp.

Đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư trên thế giới nói chung và Việt Nam, bởi đặc thù của các dự án đăng ký cấp mới và dự án M&A cần có sự tham gia trực tiếp tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài. Việc hạn chế di chuyển trong bối cảnh đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bước sang năm 2022, mặc dù đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt trên thế giới và tại Việt Nam, nhưng kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động, khó khăn, đã tác động làm chững lại hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu chững lại, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam, tác động làm giảm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022.

Trong đó, đầu tư theo phương thức góp vốn mua cổ phần tiếp tục xu hướng giảm, bởi tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài muốn bảo toàn giá trị đồng vốn đầu tư trong bối cảnh giá cả và lạm phát trên thế giới tăng cao. Nhiều quốc gia thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ; các dự án đăng ký cấp mới cần có thời gian tìm hiểu kỹ hơn.

"Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, kinh tế thế giới phục hồi, các yếu tố ảnh hưởng trên được cải thiện tích cực, thu hút vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, các dự án đầu tư mới vào nhiều thì tỷ lệ vốn FDI thực hiện/vốn đăng ký có thể quay lại mức như trước dịch, khoảng 55-60%", bà Nga đưa dự báo./.