Vị trí, vai trò của công tác thống kê: Có lúc, có nơi còn xem nhẹ!
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương |
7 kết quả nổi bật đáng ghi nhận của ngành Thống kê
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, những năm qua Thống kê Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Thứ nhất, hệ thống các văn bản pháp luật về thống kê được sửa đổi kịp thời, sát với điều kiện thực tế và được triển khai có hiệu quả. Minh chứng cho điều này chính là việc Luật Thống kê đã 3 lần được xây dựng và sửa đổi, các nghị định triển khai Luật Thống kê được ban hành ngay sau đó tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai các hoạt động thống kê được thông suốt.
Thứ hai, mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương; tổ chức thống kê tại bộ, ngành, địa phương được hình thành và dần củng cố. Trình độ, năng lực của người làm công tác thống kê ngày càng được nâng cao đáp ứng nghiệp vụ chuyên môn thống kê. Trên 95% công chức, viên chức công tác trong hệ thống thống kê có trình độ từ đại học trở lên.
Mô hình của Tổng cục Thống kê được tổ chức theo ngành dọc gồm ba cấp: cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Cấp Trung ương (cơ quan Tổng cục Thống kê) gồm 13 Vụ, Văn phòng Tổng cục, Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin và 05 đơn vị sự nghiệp; cấp tỉnh gồm các Cục Thống kê tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp huyện gồm các Chi cục Thống kê tại các quận, huyện và thị xã.
Thứ ba, nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, bài bản với quy trình và phân công cụ thể từ hoạt động thu thập, tổng hợp, xử lý đến công bố, lưu trữ thông tin thống kê.
Hoạt động thu thập thông tin thống kê được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu. Đặc biệt, trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã rút ngắn và tiết kiệm một nửa thời gian xử lý và kinh phí so với các kỳ Tổng điều tra trước.
Thống kê nhà nước đã bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; các báo cáo chuyên đề; các kịch bản tăng trưởng kinh tế; kịch bản điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu. Số liệu thống kê đã được sử dụng thống nhất trong việc đánh giá, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 ở Trung ương và địa phương; số liệu thống kê cũng được sử dụng trong lập quy hoạch tổng thể quốc gia và từng địa phương.
Thông tin thống kê kinh tế - xã hội được công bố và cung cấp đầy đủ theo lịch phổ biến thông tin thống kê đến đông đảo đối tượng sử dụng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng cao, qua đó tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong quá trình cung cấp và sử dụng thông tin thống kê.
Thứ tư, hoạt động điều phối thống kê được thực hiện có hiệu quả, nhất là trong xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê, giúp công tác thống kê được triển khai thống nhất, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến địa phương.
Thứ năm, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam và các đề án lớn về thống kê được triển khai trên phạm vi cả nước tạo nền tảng vững chắc cho công tác thống kê trước mắt và lâu dài.
Thứ sáu, hoạt động hợp tác quốc tế về thống kê được mở rộng theo hướng hội nhập sâu rộng, góp phần nâng cao năng lực, vị thế của Thống kê Việt Nam.
Thứ bảy, cơ sở hạ tầng và kinh phí cho hoạt động thống kê được quan tâm, hỗ trợ tại Trung ương và địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.
Hiệu lực, hiệu quả trong công tác thống kê chưa được như mong muốn
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cũng thừa nhận, thống kê Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo bà Hương, dù hệ thống văn bản pháp luật về thống kê đã tương đối hoàn thiện nhưng việc thực hiện chưa nghiêm dẫn tới hiệu lực, hiệu quả trong công tác thống kê chưa được như mong muốn.
Tổ chức, bộ máy chưa đáp ứng việc phục vụ điều hành của cấp huyện (đặc biệt ở 02 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp và quy mô dân số mỗi quận/huyện xấp xỉ quy mô của 01 tỉnh); nhân lực làm công tác thống kê còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn; công tác chuyên môn thống kê vẫn còn một số bất cập gây khó khăn trong công tác tổng hợp, tính toán các chỉ tiêu thống kê; cơ sở hạ tầng và kinh phí cho hoạt động thống kê còn chưa được đầu tư tương ứng với nhu cầu ngày càng tăng về dữ liệu và sản phẩm thống kê; chưa có các chỉ tiêu thống kê phù hợp cho các thành phố lớn theo mô hình “thành phố trong thành phố”.
Đặc biệt, việc phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê giữa hệ thống thống kê của bộ, ngành Trung ương và sở, ngành địa phương với Tổng cục Thống kê còn nhiều hạn chế, nhiều khi chưa kịp thời, đặc biệt vào những thời điểm gấp rút, cần thông tin nhanh, chi tiết. Mặc dù Tổng cục Thống kê đã ký nhiều quy chế chia sẻ thông tin với các bộ, ngành nhưng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn thủ công, chậm nên chưa đáp ứng kịp thời cho báo cáo hàng tháng, quý, năm.
Công tác phân tích và dự báo được tăng cường nhưng chủ yếu vẫn là mô tả số liệu. Thông tin thu được qua các cuộc điều tra nhiều, nhưng các báo cáo phân tích chuyên đề, chuyên sâu còn hạn chế về số lượng và chất lượng; chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp số liệu. Chưa sử dụng nhiều các công cụ, mô hình phân tích trong công tác phân tích và dự báo thống kê.
Một số chỉ tiêu thống kê trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa được thu thập, tổng hợp và công bố do còn thiếu phương pháp luận, nguồn thông tin đầu vào và nguồn lực, còn 67/186 chỉ tiêu mới thu thập, tổng hợp và công bố một số phân tổ, 9 chỉ tiêu chưa thu thập và tổng hợp.
Công tác thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh theo Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg ở một số địa phương vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ so với nhu cầu thông tin của lãnh đạo các địa phương trong bối cảnh mới.
"Việc chấp hành Luật Thống kê và các chế độ báo cáo thống kê, điều tra thống kê của một số đơn vị cơ sở chưa nghiêm, chưa phối hợp và cung cấp đầy đủ thông tin thống kê theo yêu cầu và thời gian quy định", bà Hương nói.
Hạ tầng về công nghệ thông tin mặc dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày về dữ liệu bảo mật, an toàn an ninh hệ thống; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất và hệ thống thông tin phục vụ chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tần suất nhanh.
Nhiều Chi cục Thống kê hiện đang làm việc nhờ trong các khu liên cơ của UBND huyện và chưa có trụ sở làm việc riêng.
Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thống kê còn chưa đầy đủ
Đơn giá ngày công thuê điều tra viên thấp so với mức lương tối thiểu của lao động trên địa bàn, nên rất khó khăn thuê được điều tra viên có trình độ, năng lực và công cụ theo yêu cầu, đặc biệt tại các vùng đô thị, khu kinh tế có mức thu nhập bình quân đầu người cao. Hiện tại là 159.000 đồng/ngày, đơn giá này thấp hơn đơn giá lao động phổ thông.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhận định, những hạn chế và bất cập trong hoạt động thống kê của hệ thống thống kê nhà nước có một số nguyên nhân, chủ yếu do nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thống kê còn chưa đầy đủ, có lúc, có nơi còn xem nhẹ. Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến nghiệp vụ thống kê, chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê.
Một số bộ, ngành và địa phương chưa thường xuyên quan tâm và sử dụng số liệu thống kê, chỉ quan tâm khi đánh giá cuối năm hoặc cuối nhiệm kỳ, nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác thống kê, số liệu và thông tin thống kê. Phương pháp luận thống kê chưa theo kịp sự đổi mới và nhu cầu thực tế trong quá trình chỉ đạo, điều hành ở các cấp.
Cùng với đó, tổ chức, bộ máy thống kê ở một số bộ, ngành chưa được hoàn thiện. Nhân lực làm công tác thống kê mỏng, không ổn định, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê. Cơ sở vật chất cần thiết và kinh phí cho công tác thống kê còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện công việc
6 nội dung lớn sẽ thực hiện trong thời gian tới
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thống kê nhà nước trong thời gian tới, bà Hương cho biết, Thống kê Việt Nam xác định cần khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời tập trung vào các nội dung sau:
1. Hoàn thiện các văn bản pháp luật phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê
2. Hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu thống kê
3. Tăng cường công tác bảo đảm và phổ biến thông tin thống kê
4. Xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê
5. Hoàn thiện mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê
6. Tăng cường tuyên truyền; kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê.
Với mục tiêu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới được đề ra trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, thay mặt Tổng cục Thống kê, bà Hương cũng nêu các đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương./.
Bình luận