Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung không chỉ là cuộc "cãi cọ" để giảm thâm hụt thương mại mà là cuộc chiến

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Cuộc đua giữa các cường quốc

Tại tọa đàm khoa học "Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung" do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCEIF) tổ chức sáng 8/8, TS. Phạm Sỹ Thành (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của VEPR) cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung không chỉ là cuộc "cãi cọ" để giảm thâm hụt thương mại mà là cuộc chiến liên quan đến cạnh tranh về công nghệ và năng lực quốc gia trong 10 năm tới.

Ông Thành cho rằng, việc đánh thuế 25% của Mỹ sẽ không dừng lại ở lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD vừa qua và tăng thêm 16 tỷ USD vào 23/8 tới. Đây mới chỉ như một thí nghiệm, lời cảnh báo đối với Bắc Kinh.

Chính quyền Trump cần một áp lực mạnh hơn để đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán. Theo ông Thành, rất có thể Mỹ sẽ mở rộng đánh thuế 25% đối với cả 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

"Đây sẽ là cú sốc rất mạnh với cả Mỹ, Trung Quốc và toàn cầu", vị chuyên gia bình luận.

Ông Thành chỉ ra rằng, các chính sách của chính quyền Trump rất nhất quán và gia tăng nhiều biện pháp đối với Trung Quốc.

Danh sách các mặt hàng Mỹ đưa ra những trừng phạt rất mạch lạc dựa trên hệ thống các ngành, danh mục bị cấm cũng rất rõ ràng. Ủy ban Quản lý đầu tư nước ngoài của Mỹ cũng mạnh tay hơn khi can thiệp vào đầu tư. Năm qua, 25% các vụ bị từ chối trong danh sách của Ủy ban này là dự án đầu tư từ Trung Quốc. Chính quyền Trump muốn chặn sự đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược công nghệ cao của Trung Quốc vào đất Mỹ.

"Cuộc chiến chỉ dừng lại khi Trung Quốc và Mỹ ngồi lại để đàm phán về các vấn đề sở hữu trí tuệ, tính bảo hộ, môi trường đầu tư", TS Phạm Sỹ Thành nhận định.

Đỉnh điểm của tác động tiêu cực là vào năm 2021 đến 2023

Với việc tuyên bố áp thuế và thời hạn bắt đầu có hiệu lực khá ngắn (trong vòng 20 ngày) Mỹ đang chủ động giảm các cơ hội đàm phán với Trung Quốc (khác với tuyên bố trước đó, với thời gian từ tuyên bố đến dự định có hiệu lực là 4 tháng). Chính vì vậy, khả năng hiện thực hoá của xung đột cao hơn so với các tuyên bố trước đây.


TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia

Theo tính toán, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. Nếu việc áp thuế xảy ra vào giữa năm 2018, tác động tiêu cực sẽ lan toả dần từ thương mại sang sản xuất của các nước và như vậy các năm sau đó sẽ có tác động lớn hơn”, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cho biết.

Sử dụng mô hình kinh tế lượng toàn cầu (NiGEM), Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia dự báo, đỉnh điểm của tác động tiêu cực là vào năm 2021 đến 2023, sau đó thị trường sẽ tự điều chỉnh, giảm dần tác động tiêu cực vào các năm tiếp theo.

Tốc độ tăng GDP thế giới được dự báo giảm không đáng kể trong năm 2018, giảm từ -0,01 điểm % trong quý II/2018; -0,05 điểm % vào quý III/2018 và 0,09 điểm % vào quý IV/2018.

Các năm 2019, 2020 tác động tiêu cực làm tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,1 điểm %. Tăng trưởng thế giới bị ảnh hưởng sẽ chủ yếu do tác động từ thương mại và đầu tư.

Điểm chú ý là tuỳ vào các kịch bản khác nhau mức độ tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới càng lớn và càng xảy ra sớm hơn.

Bên cạnh Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chịu tác động tiêu cực khá lớn. Lý do là mức độ phụ thuộc lớn giữa các quốc gia này với cả Mỹ và Trung Quốc.

Trong số các nước ASEAN, Singapore là nước chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Mức tăng trưởng GDP của Singapore có thể bị giảm đi 0,4 điểm % vào năm 2019, lớn hơn tác động tới Mỹ và Trung Quốc do Singapore là điểm trung chuyển thương mại và đầu tư của cả hai quốc gia này

Việt Nam có thể chịu tác động hai chiều

Theo TS. Trần Toàn Thắng, tác động tích cực là cơ hội thị trường của Mỹ nếu hàng xuất khẩu Trung Quốc bị hạn chế.

Tuy nhiên, tác động này không lớn do các sản phẩm Trung Quốc bị áp thuế hiện nay (trong trường hợp Mỹ đang áp 34 tỷ USD) cũng không phải là sản phẩm chủ lực của Việt Nam, đồng thời khối FDI sẽ có một số lợi thế hơn so với doanh nghiệp trong nước”, ông Thắng giải thích rõ. Cơ hội với thị trường Trung Quốc cũng không nhiều.

Ngược lại, Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực do tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu bị giảm đi kéo theo cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm. Như chỉ ra ở phần trên, ngoại trừ EU, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng tiêu cực.

Theo dự báo của NCIF, thì:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung của Việt Nam bị ảnh hưởng, mức ảnh hưởng tăng dần và đạt cao nhất ở mức -0.12 % vào năm 2020 và 2021.

- Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm -0.29 % vào năm 2021 và mạnh hơn trong các năm 2021-2023.

- Tốc độ tăng nhập khẩu sẽ giảm khoảng -0.4%. Điều này cho thấy, sản xuất của các doanh nghiệp đặc biệt khu vực FDI (NK nhiều nguyên liệu) sẽ bị ảnh hưởng.

- FDI vào Việt Nam: Tác động tích cực cũng có thể từ dòng vốn FDI tăng thêm, trong điều kiện các nước sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, tính toán cho thấy tác động này không đáng kể, thậm chí FDI vào Việt Nam còn có xu hướng giảm xuống. Điều này có thể do tác động của thương mại bị ảnh hưởng làm cho tình hình sản xuất của khu vực FDI bị ảnh hưởng vì vậy sẽ hạn chế một chút dòng đầu tư. Tuy nhiên cần chú ý là tác động này không quá lớn (-0.004%)

Theo ông Thắng, một yếu tố không được tính toán trong mô hình dự báo đó là thâm hụt thương mại với Trung Quốc có thể sẽ tăng lên.

Do vị trí địa lý nên lượng hàng dư thừa Trung Quốc sẽ dễ dàng chuyển hướng sang các khu vực lân cận khác, trong đó có Việt Nam”, vị chuyên gia này cảnh báo.

Lợi thế cạnh tranh về giá khiến các sản phẩm từ Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép cực lớn đến thị trường hàng hóa trong nước.

Mặt khác, cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động với mục tiêu đánh vào ngành sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. Hiện tại, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lại chủ yếu đến từ các sản phẩm công nghiệp.

Như vậy, nếu cuộc chiến thương mại xảy ra, khả năng Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc chuyển hướng các sản phẩm công nghiệp từ Trung Quốc đổ sang”, ông Thắng nói.

Cần tính đến những trường hợp xấu nhất để có đối sách

Trước đó, tại Phiên Họp báo Chính phủ thường kì tháng 8/2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhận định: Có thể thấy chúng ta đang đứng trước Cuộc chiến thương mại, thậm chí có thể nói là cận kề Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Thứ trưởng Hải cho rằng, với tình hình như hiện nay, Việt Nam cần phải tính đến những trường hợp xấu để có các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Theo những dự báo đưa ra, ông Thắng và nhóm nghiên cứu cho rằng, thời gian tới, cần chuẩn bị tốt các thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại với Mỹ trong trường hợp chiến tranh thương mại lan rộng.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại những quy định chính sách của Việt Nam, đảm bảo có công cụ và dư địa chính sách phù hợp để định hướng hàng hóa nhập khẩu và ứng phó với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, đặc biệt là thông báo, cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tỷ giá của cả đồng USD và nhà đầu tư để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

Nghiên cứu sâu hơn danh mục một số hàng hóa của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam trong trường hợp xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế để có cách thức đối phó và kiểm soát phù hợp.

“Đặc biệt, cần tiếp xây dựng các kịch bản để ứng phó với biến động kinh tế thế giới, trong đó có động thái chính sách thương mại và tỷ giá của Trung Quốc, Mỹ”, ông Thắng lưu ý./.