Việt Nam kiến nghị với WTO về việc Mỹ hạn chế nhập khẩu cá da trơn
Theo Bộ Công Thương, hồ sơ đệ trình của Việt Nam cho biết, cá tra, cá basa có ý nghĩa kinh tế quan trọng với Việt Nam. Ngoài ra, loại cá này cung cấp một nguồn protein lành mạnh và phù hợp với người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ lại hạn chế nhập khẩu loại cá này một cách thiếu công bằng và thiếu cơ sở khoa học.
Theo quy định của WTO, Việt Nam có thể yêu cầu WTO giải quyết tranh chấp nếu Hoa Kỳ không giải quyết trong vòng 60 ngày.
Trước đó, tháng 01/2018, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) cho biết, Việt Nam đã chính thức gửi yêu cầu tới Hoa Kỳ để đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam. Việc tham vấn là bước đầu tiên, bắt buộc trong quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO.
Theo đó, Việt Nam cho rằng phương pháp quy về không (zeroing) mà Hoa Kỳ sử dụng để tính biên độ phá giá cho doanh nghiệp Việt Nam (trong đợt rà soát 5, 6 và 7) vi phạm ở hai khía cạnh, về mặt pháp lý và về mặt áp dụng quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO (ADA).
Ngoài ra, Việt Nam khiếu nại Hoa Kỳ vi phạm quy định của Hiệp định ADA do không thực hiện việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp Việt Nam mặc dù các doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chí được dỡ bỏ thuế do có biên độ phá giá bằng 0 trong ba lần liên tiếp.
Hoa Kỳ đang hạn chế nhập khẩu cá tra, cá basa
Chương trình thanh tra cá da trơn và chống bán phá giá được thực thi đầy đủ vào ngày 01/09/2017. Tại thị trường Hoa Kỳ, cá da trơn là mặt hàng thủy sản duy nhất bị áp dụng việc kiểm soát theo các quy định như mặt hàng thịt, gia cầm bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thay vì Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ như đối với các mặt hàng thủy sản khác.
Tuy nhiên, chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đặt ra những yêu cầu vượt quá những chuẩn mực về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường toàn cầu và sẽ là rào cản phi thuế quan có tầm ảnh hưởng lớn đến quan hệ thương mại. Nếu chương trình này được thực thi sẽ gây ra những tổn thất lớn cho một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và tiêu tốn nhiều triệu USD của ngân sách nhà nước Hoa Kỳ.
Các quy định ngặt nghèo mà USDA áp dụng trong Chương trình thanh tra cá da trơn được xây dựng từ các tiêu chuẩn kiểm soát về thịt, trứng giá cầm của Hoa Kỳ áp đặt cho sản phẩm cá tra, do đó nhiều quy định khắt khe không phù hợp với thông lệ quốc tế, quá mức cần thiết đối với việc kiểm soát an toàn thực phẩm, có thể cản trở thương mại cho cả hai bên.
Cùng với việc áp đặt Chương trình thanh tra cá da trơn khi chưa có những chứng cứ khoa học để áp dụng các quy định quá mức cần thiết (theo thỏa thuận SPS trong WTO), Hoa Kỳ còn đang áp thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam từ năm 2002 với mức thuế ngày càng cao qua kết quả của các kỳ xem xét hành chính. Việc này đã làm hạn chế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, ảnh hưởng đến tự do thương mại giữa các nước./.
Bình luận