Nhà nước có thể không nắm giữ độc quyền kinh doanh xăng dầu

Có thể nói, điện, xăng dầu nhiều năm nay luôn nằm trong danh mục độc quyền kinh doanh của Nhà nước và gây ra nhiều ý kiến phản ứng trong dư luận.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc độc quyền những mặt hàng thiết yếu sẽ dẫn đến những méo mó về thị trường. Khi độc quyền thì giá cả và chất lượng như thế nào thì người dân cũng vẫn phải mua. Xăng dầu, điện còn là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Khi những ngành này tăng giá sẽ làm giá thành sản xuất tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Mới đây, Bộ Công Thương vừa hoàn tất Dự thảo Nghị định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại mà các thành phần kinh tế khác không có khả năng tham gia.

Theo đó, Nhà nước sẽ nắm độc quyền 7 loại hàng hoá và 9 dịch vụ, gồm một số lĩnh vực quan trọng: an ninh quốc phòng, vật liệu nổ công nghiệp, thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân, sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, thuốc lá, phát hành xổ số kiến thiết...; các dịch vụ liên quan đến hàng hải, hoạt động bay, in, đúc tiền, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, công trình thủy lợi, thủy nông, rừng đầu nguồn…

Đáng lưu ý, kinh doanh xăng dầu không có trong danh mục hàng hoá, dịch vụ Nhà nước nắm giữ độc quyền.

Với mặt hàng điện, Nhà nước sẽ vẫn độc quyền điều hành ở khâu vận hành, truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, các nhà máy lớn đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

Đưa ra quan điểm về Dự thảo trên của Bộ Công Thương, trả lời báo Một thế giới, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng bộc lộ quan ngại khi cho rằng: “Từ dự thảo chính sách đến thực thi chính sách là một bước đường dài, gian nan và khó dự đoán. Mà thị trường là gì? Theo tôi hiểu thì là nơi diễn ra quá trình mua và bán giữa bên cung và bên cầu, theo đó giá cả của sản phẩm được xác định trên quan hệ này và giá trị của sản phẩm. Tôi nhớ khi điện, xăng dầu tăng giá người ta luôn lấy lý do là phải theo giá thị trường.

Vị chuyên gia này cũng đã rất thẳng thắn khi cho rằng, khi EVN xác định giá điện theo giá thị trường tức là chi phí đầu vào tăng thì giá điện tăng theo… thì đó là “thị trường một chiều, thị trường ở mỗi phía cung, còn về phía cầu thì bán giá bao nhiêu người tiêu dùng đều phải chịu cả. Đấy là kiểu thị trường nửa vời”.

Ông Bùi Trinh cũng dẫn chứng thêm: “Hoặc khi xăng dầu tăng giá, giá điện cũng tăng theo... Xăng dầu và điện tăng hoặc tính giá thế nào thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải sử dụng. Nên dù độc quyền hay không độc quyền mà những ngành này vẫn lý luận kiểu như vậy thì cũng chỉ là thay tên đổi họ, còn vẫn là con người ấy mà thôi”.

Chuyên gia này cũng nhận định, khi đưa vào hoạt động thị trường điện, xăng cạnh tranh thì “không thể thích tăng giá là tăng. Sản phẩm cũng yêu cầu phải tốt hơn, phải minh bạch hơn trong việc tính giá thành. Nhưng nếu không độc quyền mà các nhà sản xuất bắt tay với nhau để tăng giá thì cũng là một mối nguy. Tôi nghĩ vấn đề cơ bản là phải minh bạch”.

Khi xóa bỏ độc quyền điện, xăng thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi vì họ có sự lựa chọn. Khi đó, các đơn vị cung cấp sẽ phải cạnh tranh với nhau để giành thị phần từ người tiêu dùng. Cụ thể là đơn vị cung cấp nào chất lượng tốt, chăm sóc khách hàng tốt, giá cả hợp lý thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn. Do đó, việc này cũng thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng của chính các công ty cung cấp điện.

Nhà nước can thiệp ở mức độ nào?

Tuy nhiên, với cách quản lý, điều hành các mặt hàng xăng dầu, điện của Nhà nước như hiện nay đang không nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ dư luận bởi chưa thực sự đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Điển hình với điện được coi là mặt hàng “chỉ có tăng mà không có giảm”, còn trong khi đó, giá xăng dầu “tăng ồ ạt, giảm nhỏ giọt” và chưa được điều hành theo diễn biến thị trường thế giới.

Đáng chú ý, báo cáo “Cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014)” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phối hợp cùng World Bank thực hiện được công bố tuần trước cho biết, có tới 66% người khảo sát cho biết không hưởng lợi khi Nhà nước can thiệp vào mặt hàng xăng dầu, khảo sát tương tự với mặt hàng điện là 58%.

“Như vậy cần xem lại cách can thiệp. Điều này khá mâu thuẫn, nhưng có thể việc Nhà nước can thiệp chưa đem lại kết quả mong muốn là đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho xã hội nói chung”, báo cáo CAMS 2014 đánh giá.

Tuy nhiên, Báo cáo này cũng cho thấy, dù chưa được hưởng lợi nhiều từ việc Nhà nước can thiệp giá đối với các mặt hàng thiết yếu, phần lớn người trả lời vẫn cho rằng là hoàn toàn cần thiết/cần thiết để Nhà nước can thiệp. 02 trong số 3 mặt hàng được nhiều người cho rằng cần thiết có sự can thiệp giá của Nhà nước là điện 87% và xăng dầu 85%.

Nêu quan điểm về vấn đề này khi tham dự Hội thảo “Cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014 – CAMS 2014”, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, xăng dầu, điện độc quyền cao chính yếu tố này làm người dân ít tin tưởng vào thị trường mặc dù nghĩ kinh tế thị trường ưu việt.

“Nhà nước hiện nay đang thực hiện quản lý hành chính đối với mặt hàng xăng dầu. Vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cần can thiệp vào thị trường bằng cách thiết lập tính cạnh tranh cho xăng dầu, điện minh bạch với chi phí hợp lý, khi đó, người dân sẽ tin tưởng hơn”, ông Độ nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng chỉ rõ, hiện nay, vấn đề thị trường, giá cả chưa thật phù hợp theo cơ chế thị trường nên can thiệp là phản thị trường.

“Giá do Nhà nước kiểm soát, nhưng vấn đề chuyển sang kinh tế thị trường nói chung phải thiết lập được thể chế để thị trường vận hành. Chục người bán một người mua không còn là thể chế thị trường. Chủ sở hữu, giám sát hoạch định lại cùng một ông. Bản thân điều này chứa đựng xung đột lợi ích trong chính vận hành, thì đây không thể là thị trường. Vì thể chế vận hành không đáp ứng nhu cầu thị trường và người dân”, TS. Cung nhận xét./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-3493-tam-ly-dua-vao-nha-nuoc-van-hien-huu-o-nguoi-dan-viet-nam.html

http://motthegioi.vn/kinh-te/tin-trong-nuoc-va-quoc-te/ong-bui-trinh-bo-doc-quyen-dien-xang-nguoi-tieu-dung-se-huong-loi-215378.html