“Quả bom hẹn giờ” Venezuela chờ nổ
Người dân xếp hàng dài để chờ mua thực phẩm
Khủng hoảng trầm trọng
Theo thống kê, dự trữ ngoại tệ của Venezuela giảm từ 29 tỷ USD năm 2012 xuống 15 tỷ USD năm 2015 trong khi nợ nước ngoài tăng lên 250 tỷ USD. Lạm phát năm 2015 tăng 180%, tình trạng thiếu hụt lương thực ở mức báo động. Bên cạnh đó, Venezuela còn phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, nạn tham nhũng và tội ác tràn lan, hành chính công quyền tê liệt không giải quyết nổi các nhu cầu xã hội, nhất là y tế và thuốc men. Tổng sản phẩm nội địa giảm mạnh trong hai năm liên tiếp (-3,9% năm 2014 và -5,7% năm 2015). Tài chính và kinh tế của Venezuela điêu đứng. Bội chi ngân sách tương đương 18 - 20% GDP.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại Venezuela là giá dầu sụt giảm mạnh. Là một trong 5 thành viên sáng lập của OPEC, Venezuela có trữ lượng dầu thô hơn 298 tỉ thùng, chiếm 18% trữ lượng dầu thô thế giới. Venezuela còn là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất Nam Mỹ và đứng thứ 5 trên thế giới.
Dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Venezuela, chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ của nước này. Do đó, giá dầu giảm khiến nền kinh tế Venezuela gặp muôn vàn khó khăn. Theo ước tính, khi giá dầu giảm 1 USD/thùng, Venezuela thất thu khoảng 720 triệu USD/năm. Do vậy, nếu giá dầu chỉ cần giảm từ 100 USD/thùng xuống 50 USD/thùng thì Chính phủ Venezuela sẽ mất đi nguồn thu khoảng 36 tỷ USD.
Trên thực tế, để thu được lợi nhuận, Venezuela cần xuất khẩu dầu mỏ ở mức giá tối thiểu 80 USD/thùng. Với việc giá dầu xuống tới mức dưới 30 USD/thùng như hồi đầu năm nay và đang phục hồi rất chậm, thì Caracas đã không còn khả năng thanh toán và kinh tế Venezuela đứng trước nguy cơ phá sản. Sở dĩ, nước này còn cầm cự được tới hiện tại là do những khoản vay lớn từ Trung Quốc.
Nhiều báo tài chính cho rằng lý do chính của sự sụp đổ nền kinh tế Venezuela là do giá dầu thô giảm. Tuy nhiên, trang Reason.com chỉ ra sụt giảm giá dầu chỉ là một trong những nguyên nhân, không phải nguyên nhân duy nhất và mang tính quyết định. Trạng Reason cho rằng, các phương tiện truyền thông đã bỏ qua một vấn đề rất quan trọng đó là sự suy giảm nghiêm trọng về tự do kinh tế tại Venezuela. Trong thực tế, từ những năm 1970, tự do kinh tế tại nước này liên tục bị phá hoại. Quy định pháp luật được cho là tạo ra sự phá hoại này, chẳng hạn như tịch thu tài sản cá nhân tùy tiện, vật giá do chính phủ quy định.
Thậm chí , trang Reason còn cho rằng ngay cả khi không có sự sụt giảm của giá dầu, nền kinh tế Venezuela sớm hay muộn sẽ gặp rắc rối lớn vì chính phủ "mù kinh tế" đã phá hủy những khu vực ngoài dầu mỏ của hệ thống kinh tế. Các nhà kinh tế ước tính năm 1998, dầu thô chiếm 77% tổng kim ngạch xuất khẩu của Venezuela. Đến năm 2013, với sự suy giảm của các lĩnh vực khác, dầu thô chiếm đến 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, tại quốc gia Nam Mỹ khác là Chile, với sự tự do kinh tế gia tăng, sự phụ thuộc vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên của nước này đã giảm xuống. Từ nông nghiệp đến dịch vụ, các lĩnh vực khác của nền kinh tế Chile đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Vào tháng 1/2016, Venezuela phải ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kinh tế trong bối cảnh giá dầu lao dốc, lạm phát gia tăng và thiếu hụt hàng hoá nghiêm trọng đẩy Venezuela đến tình trạng hỗn loạn cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Ngày 16/5, chính phủ Venezuela quyết định gia hạn sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kinh tế, trong đó bổ sung thêm một số quyền hạn mới nhằm đối phó với âm mưu của các lực lượng trong và ngoài nước muốn lật đổ chính phủ. Các quyền hạn mới cho phép quân đội, cảnh sát và các ủy ban địa phương cung ứng và sản xuất hỗ trợ hoạt động phân phối hàng hóa, thuốc men, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết khác.
Ngày 17/5, Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát bác bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kinh tế, làm trầm trọng thêm tình hình Venezuela - đang đứng trước nguy cơ sụp đổ toàn diện.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi bỏ phiếu tại Quốc hội , Chủ tịch Quốc hội Venezuela Henry Ramos cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Maduro phá vỡ trật tự hiến pháp. Ông Ramos nói: “Tình hình hiện nay tại Venezuela có thể được giải quyết thông qua các biện pháp thông thường, các nhà điều hành có thể xử lý theo hiến pháp. Tuy nhiên, chính phủ đã ban hành tình trạng khấp cấp kinh tế. Sau nhiều tháng thực thi, họ vẫn chưa công bố kết quả của việc thực hiện các biện pháp”.
Trong khi đó, Tổng thống Maduro cho rằng quyết định của các nghị sĩ làm trì hoãn giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế. Ông Maduro nói: "Các nghị sĩ đã đánh mất chức năng của họ, xa rời lợi ích quốc gia khi phủ quyết tình trạng kinh tế khẩn cấp của đất nước”.
Lối thoát nào cho Venezuela hiện tại
Hiện nay, có đến 60% người dân Venezuela đổ lỗi tình trạng khan hiếm thực phẩm, nền kinh tế suy thoái là do sai lầm của Chính phủ nước này, dựa theo tổ chức thăm dò Datanalisis. Tại thời điểm hiện nay, tỷ lệ người còn đồng thuận với ông Maduro chỉ dao động từ 10-15%, trong khi có 70% người dân sẵn sàng muốn ông từ chức.
Thế nhưng, việc sa thải ông Maduro cũng khó lòng cứu được một quốc gia đang trên bờ sụp đổ cùng hàng loạt vấn đề đã tồn tại trong hàng thập kỷ qua, điển hình là nạn tham nhũng và tỷ lệ tội phạm. Được biết, Venezuela đang là quốc gia có tỷ lệ tham nhũng lớn nhất Nam Mỹ, và đứng thứ 9 trên thế giới. Tỷ lệ tội phạm giết người tại đây cũng nằm ở mức cao nhất nhì thế giới.
Tại Venezuela, mỗi ngày luôn có trung bình 17 cuộc biểu tình, tuy nhiên đây chủ yếu chỉ là những biểu tình có quy mô nhỏ, xảy ra để chống lại việc cắt điện/nước trên diện rộng của Chính phủ.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình tại Caracas
Trong tương lai gần, Venezuela sẽ khó thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và bế tắc chính trị, khi phe đối lập chiếm đa số tại Quốc hội và các bên chưa ngã ngũ về những giải pháp chuyển hướng kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, kinh tế nước này sẽ suy giảm 8% trong năm nay và 4% năm 2017. Trong khi đó, đồng tiền mất giá đã khiến tỷ lệ lạm phát tại Venezuela tăng phi mã. Theo IMF, lạm phát sẽ tăng 700% trong năm nay trước khi đạt mức kỷ lục 2.200% vào năm 2017.
Theo cựu thủ tướng Tây Ban Nha ông José Luis Rodríguez Zapatero, con đường đối thoại giữa chính phủ và người dân Venezuela sẽ còn rất dài, với nhiều khó khăn, và cả nhiều sự nhượng bộ giữa các bên. Thế nhưng quan trọng nhất là tất cả các bên cần tuân thủ quy luật của một nền dân chủ, một nhà nước pháp quyền và tôn trọng hiến pháp.
Đề xuất của ông Zapatero được phe đối lập quan tâm và đại diện phe đối lập cũng đã đưa ra bản tuyên bố ủng hộ bất kỳ cuộc đối thoại nào, miễn là đưa đất nước tới con đường tốt hơn. Tuy nhiên, họ cũng cho biết họ sẽ không tham gia bất cứ cuộc đối thoại nào nếu phía chính quyền coi đó là một chiến dịch đánh lạc hướng.
Tóm lại, nếu giải quyết được các mâu thuẫn chính trị cơ bản bằng các thỏa hiệp thay vì kích động tấn công lẫn nhau, Venezuela có thể thoát khỏi tình trạng hiện tại, cũng cố đất nước và lập lại trật tự xã hội.
Tuy nhiên, giải pháp chính trị sẽ chỉ giải quyết được tình trạng bất ổn hiện tại ở Venezuela trong một thời gian ngắn. Biện pháp chính trong dài hạn vẫn sẽ là tiêu diệt tham nhũng, dẹp thị trường chợ đen đang hoành hành và gây dựng lòng tin trong giới doanh nghiệp./.
Bình luận