12 tỉnh, thành nằm trong mức độ cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do mùa khô năm nay quá khắc nghiệt, tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài đã khiến lớp thảm thực vật ở hàng loạt cánh rừng tại miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ khô trắng, cây cối xác xơ, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Đáng chú ý, có 12 tỉnh nằm trong mức độ cảnh báo cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm.
Tính hết tháng 2/2016, diện tích trồng rừng mới tập trung của cả nước ước đạt 2.510 ha, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước; trồng cây lâm nghiệp phân tán ước đạt 20.500 nghìn cây, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh công tác trồng rừng, thì công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cũng đã được các địa phương tích cực quan tâm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số tỉnh vẫn xảy ra tình trạng cháy rừng, như: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Cao Bằng, Tây Ninh... nguyên nhân là do thời tiết dịp Tết Nguyên đán khô hanh và do sự bất cẩn, thiếu ý thức của người dân. Theo thống kê, trong 02 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có 32 ha rừng bị cháy, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2015.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Cục Kiểm lâm đã yêu cầu các địa phương trên triển khai ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định; sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ phù hợp với từng khu vực để kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp xảy ra cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn hướng dẫn nhân dân canh tác nương rẫy theo đúng quy hoạch. Đồng thời quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác; chuẩn bị phương án kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng tại các khu rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng.
Đề nghị các lực lượng liên ngành gồm kiểm lâm, công an, quân đội thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang bị và hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ, thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp, ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng.
Bình luận