Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2021 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 3,8% và tăng 1,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% và tăng 29,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6% và tăng 16,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4% và tăng 11,1%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt tại nước ta, sản xuất công nghiệp tháng 4/2021 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng với mức tăng cao 24,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, IIP ước tính tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7% (cùng kỳ năm trước tăng 9,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6% (cùng kỳ năm trước giảm 6,5%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước giảm 0,3%); riêng ngành khai khoáng giảm 5,7% (cùng kỳ năm trước giảm 6,8%).

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 37,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 32,9%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 16,9%; sản xuất đồ uống tăng 16,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 15,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 14,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,9%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 2%; khai thác than cứng và than non giảm 2,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,9%.

4 tháng đầu năm 2021, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 4 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: thép cán tăng 61,8%; ô tô tăng 52,5%; điện thoại di động tăng 21,3%; ti vi các loại tăng 20,9%; xe máy tăng 20%; bia các loại tăng 18,1%; sắt, thép thô tăng 17,4%; giày, dép da tăng 13,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 12%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 10,1%.

Tuy nhiên, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Dầu mỏ thô khai thác giảm 10,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,8%; phân u rê giảm 3,9%; than sạch giảm 2,8%.

Bộ Công Thương cũng thông tin, đối với ngành dầu khí, sản lượng dầu thô khai thác tháng 4 ước đạt 0,9 triệu tấn, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2020; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 0,8 tỷ m3, tăng 7,4%; khí hóa lỏng ước đạt 77,1 nghìn tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 3,6 triệu tấn, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2020; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 2,9 tỷ m3, giảm 8,8%; khí hóa lỏng ước đạt 301,3 nghìn tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Giá dầu thế giới cũng như trong nước đã và đang bị ảnh hưởng lớn, có chiều hướng đi xuống khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại một loạt các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Lào… buộc các quốc gia này phải gia tăng biện pháp phong toả, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Do đó, Bộ Công Thương khuyến nghị, ngành dầu khí cần tiếp tục bám sát diễn biến giá dầu thô để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định, hiệu quả.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành than những tháng đầu năm 2021 chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp tại một số địa phương, trong đó có Quảng Ninh - địa bàn trọng yếu của các đơn vị ngành than do đó khai thác than giảm.

Bên cạnh đó do nhu cầu tiêu thụ than của các hộ sản xuất giảm, các đơn vị ngành than khai thác cầm chừng nhằm giảm tồn kho, bảo đảm cân đối tài chính.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của các đơn vị trong việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, song song với tích cực thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số trong công tác quản lý, điều hành, giữ vững mỏ an toàn do vậy mọi mặt hoạt động của ngành than vẫn duy trì ổn định.

Theo đó, sản lượng than sạch tháng 4, ước đạt 4,699 triệu tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ; alumin ước đạt 109 nghìn tấn, tăng 20,8% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng than sạch ước đạt 17,096 triệu tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ; alumin ước đạt 422,3 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân

Ngành dệt may, da giày trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTAs đã ký kết và đi vào thực thi.

Chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 4 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 3,9% và 29,4%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,8% và 29,3%. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 7,8% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9.5%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11%

Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng khá như: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 201 triệu m2, tăng 10,1% so với cùng kỳ; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 378,3 triệu m2, tăng 6,4% so với cùng kỳ; quần áo mặc thường ước đạt 1.492,4 triệu cái, tăng 8,9%; Giầy dép da ước đạt 94,1 triệu đôi, tăng 13,3%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 9,51 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 35,7%. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 6,392 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, đối với nhóm ngành sản xuất chế biến thực phẩm và đồ uống, tháng 04 và 4 tháng năm 2021, sản xuất kinh doanh của ngành cơ bản ổn định. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất duy trì mức tăng trưởng khá. Ngành sản xuất đồ uống tăng 16,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,1% so với cùng kỳ; trong khi đó ngành sản xuất thuốc lá tăng nhẹ 4,4%.

Ngoài ra, đối với nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, 4 tháng đầu năm ngành điện đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ nhân dân cả nước, không để xảy ra tai nạn lao động về điện, không có hiện tượng cháy nổ điện, qua đó ổn định sản xuất, cung ứng và phân phối điện và điều hành giá điện.

Sản lượng điện sản xuất tháng 4 ước đạt 20.891 triệu kWh, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng năm 2021, sản lượng điện sản xuất ước đạt 76.518,7 triệu kWh, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Điện thương phẩm tháng 4 ước đạt 19.210 triệu kWh, tăng 12% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, điện thương phẩm ước đạt 70.022,8 triệu kWh, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ bước vào thời gian cao điểm của mùa hè, việc cung cấp điện sẽ gặp nhiều khó khăn do phụ tải tăng cao hơn. Đồng thời nhu cầu cấp nước cho hạ du các hồ thủy điện cũng sẽ là một yêu cầu bức thiết.

Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, các địa phương có nhu cầu sử dụng nước hạ du phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các nhà máy thủy điện và các đơn vị liên quan trong việc điều tiết các hồ chứa thủy điện, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhu cầu hạ du và đóng góp cho cung cấp điện.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN có các giải pháp đồng bộ để đảm bảo cung cấp điện cho đời sống dân sinh và phát triển kinh tế, ngay cả trong điều kiện phụ tải tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đề nghị các khách hàng sử dụng điện lưu ý áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện để giảm hóa đơn tiền điện, đồng thời giảm áp lực cung cấp điện trong những thời gian cao điểm của hệ thống./.