80% sinh viên luật năm 3 không hiểu mô hình doanh nghiệp xã hội như thế nào
Ngày 27/04/2017, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tọa đàm “Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Cẩm nang hướng dẫn hoạt động doanh nghiệp”.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh cho biết, Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo nền tảng pháp lý đầu tiên cho việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp xã hội.
Theo đó, nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các cơ quan đăng ký kinh doanh hiểu rõ hơn việc thành lập, đăng ký, quản trị và hoạt động khác của doanh nghiệp xã hội, CIEM đã phối hợp cùng hội đồng Anh xây dựng Dự thảo “Cẩm nang hướng dẫn hoạt động doanh nghiệp xã hội”.
Cẩm nang hướng dẫn hoạt động doanh nghiệp xã hội đang được lấy ý kiến lần 1 |
Dự thảo này gồm 3 phần chính: Phần I: Tổng quan khung khổ pháp luật về doanh nghiệp xã hội (Các văn bản pháp lý quy định về doanh nghiệp xã hội và đặc điểm của các doanh nghiệp này); Phần II: Hướng dẫn và thành lập doanh nghiệp xã hội, gồm: Hướng dẫn thành lập và thay đổi hoạt động của doanh nghiệp xã hội, Công bố nội dung hoạt động của doanh nghiệp xã hội, Giải thể, tạm ngừng hoạt động, tổ chức lại doanh nghiệp xã hội); Phần III: Hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký một số chính sách khuyến khích.
Đồng ý về những ý nghĩa thiết thực mà quyển cẩm nang sau khi ra đời sẽ mang lại, đặc biệt là với những người trẻ, bà Vũ Hòa Như, Giảng viên Trường Đại học Hà Nội cho biết, trong một khảo sát của sinh viên trường Đại học Hà Nội, đối với các sinh viên khoa luật của Trường Đại học Ngoại Thương và Trường Kinh tế Quốc dân cho thấy, gần 80% sinh viên đã học đến năm thứ 3 mới chỉ nghe nói đến doanh nghiệp xã hội, nhưng không hiểu doanh nghiệp xã hội là mô hình như thế nào. Đồng thời, có tới 90% trong số sinh viên đó muốn khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội.
“Điều đó nói lên doanh nghiệp xã hội có rất nhiều hấp dẫn đối với người trẻ và nhu cầu tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp xã hội là rất lớn” bà Như nhấn mạnh.
Tôi mong rằng, Cuốn cẩm nang sẽ giúp người đọc biết được doanh nghiệp xã hội là một mô hình đáng quan tâm và có thể ứng dụng trong thực tế.
Tuy nhiên, để cuốn Cẩm nang có hữu ích nhất đối với những người muốn tìm hiểu, nhất là những người chưa biết gì về doanh nghiệp xã hội, nhưng muốn biết về nó, thì Cuốn cẩm nang cần phải cung cấp những kiến thức căn bản, dễ hiểu về doanh nghiệp xã hội.
Đầu tiên là những thủ tục để thành lập doanh nghiệp xã hội phải rất thuận tiện, dễ hiểu. Bởi, hiện nay số lượng doanh nghiệp xã hội thành lập chưa nhiều là vì thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp còn có những điều chưa rõ ràng, hoặc pháp luật đã quy định rõ ràng rồi, nhưng trng trường hợp cụ thể, họ lại chưa biết áp dụng như thế nào?.
Tiếp đến là những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp xã hội và cuối cùng là tổ chức lại hay giải thể doanh nghiệp.
Trong tổ chức lại hay giải thể doanh nghiệp, thì vấn đề mà nhiều doanh nghiệp xã hội đang thắc mắc, đó là xử lý tài sản viện trợ của Nhà nước, phi chính phủ, tổ chức nước ngoài như thế nào? Do đó, Cuốn cẩm nang cần cung cấp cụ thể cho doanh nghiệp về vấn đề này.
Ở góc độ khác, ông Hùng Quang Cường, đến từ Văn phòng Luật sư NH Quang lại cho rằng, việc hướng dẫn thành lập và giải thể doanh nghiệp xã hội lại không phải là vấn đề chính, mà các doanh nghiệp quan tâm.
Cái doanh nghiệp quan tâm nhất đó là quá trình vận hành của doanh nghiệp xã hội, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến ưu đãi của doanh nghiệp xã hội. Bởi, họ muốn biết sự ưu đãi trong những ngành nghề cụ thể, họ phải làm gì để được nhận ưu đãi.
Ngoài ra, ông Cường cho rằng, vấn đề về viện trợ và tài trợ cũng cần phải nêu cụ thể trong Cuốn cẩm nang, bởi hiện nay rất nhiều nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ, tổ chức nước ngoài muốn tài trợ các doanh nghiệp xã hội, nhưng gặp vướng bởi các quy định pháp lý không rõ ràng, do vậy họ có nhu cầu tìm hiểu về các quy định này./.
Bình luận