Ảnh hưởng của giá dầu và các đồng tiền đối với giá cà phê thế giới
Cũng như nhiều thị trường hàng hóa nông nghiệp khác, thị trường cà phê chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Trong lý thuyết cân bằng tổng thể trong kinh tế học thì hệ thống giá chỉ là sự phản ánh tính cân bằng của các giao dịch vật chất. Về cơ bản, cung cầu là những nhân tố chính ảnh hưởng đến sự hình thành giá cà phê. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản khác cũng ảnh hưởng đến sự dao động giá cà phê.
Trong đó có các vấn đề thời tiết (như hạn hán, lượng mưa, sương giá), biến động giá dầu và sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền khác. Trong phạm vi của phân tích này sẽ tiến hành phân tích so sánh giữa giá cà phê và giá dầu, mối quan hệ giữa giá cà phê và tỷ giá USD so với các đồng tiền nội tệ của các nước xuất khẩu cà phê được chọn. Mục đích nhằm phân tích bản chất mối quan hệ giữa giá cà phê và giá dầu cũng như dao động của đồng USD.
Mối tương quan giữa giá dầu thô và giá cà phê
Dầu đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp hiện đại. Dầu dùng làm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải và máy móc nông nghiệp. Khi giá nhiên liệu (dầu) tăng lên thì chi phí đầu tư chăm sóc và thu hoạch cà phê cũng sẽ tăng theo, từ đó có thể ảnh hưởng đến giá cà phê. Nói cách khác, giá dầu tăng có thể khiến cho chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất cà phê tăng lên, dẫn đến khả năng nguời nông dân sẽ giảm mức độ sử dụng nguồn tài chính đầu tư ban đầu (như phân bón, nhiên liệu) do những khoản chi phí này quá đắt đối với họ. Khi đó, tình trạng giảm mức độ đầu tư đầu vào cho sản xuất cà phê sẽ dẫn đến viễn cảnh giảm năng suất và sản lượng cà phê, từ đó có thể ảnh hưởng đến giá cà phê theo chiều hướng tích cực.
Biểu đồ 1: Chỉ số giá dầu thô và giá cà phê arabica tương lai tại New York – Nguồn: ICO
Để hiểu rõ hơn về mối tương quan giữa giá dầu và giá cà phê, chúng ta hãy tham khảo biểu đồ thể hiện mối tương quan giữa giá dầu với giá cà phê arabica tương lai tại New York và giá cà phê robusta tại London. Chỉ số giá dầu thô đuợc sử dụng làm giá tham chiếu cho các sản phẩm dầu. Biểu đồ 1 và 2 ở đây thể hiện diễn biến giá chỉ số dầu thô có mối tương quan tương đối cao với mức giá trung bình hàng tháng của cà phê arabica tương lai tại New York và cà phê robusta tương lai tại London trong giai đoạn 1990 – 2014.
Biểu đồ 2: Chỉ số giá dầu thô và giá cà phê robusta tương lai tại London – Nguồn: ICO
Theo nghiên cứu của các chuyên gia Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), mối tương quan giữa chỉ số giá dầu thô và giá cà phê được thể hiện qua phân tích hồi quy với phương trình sau đây:
Y = aX + b
Trong đó, Y là biến giải thích hay biến phụ thuộc, thể hiện giá cà phê; X là biến giải thích và thể hiện chỉ số giá dầu thô (là biến số đóng vai trò trong việc giải thích sự biến đổi của một biến độc lập trong phân tích hồi quy); a là độ dốc của đường hồi quy, chỉ phạm vi mối quan hệ giữa chỉ số giá dầu thô và giá cà phê; b là biến ngẫu nhiên.
Các chuyên gia ICO cũng đưa ra phân tích dữ liệu giai đoạn từ tháng 1/2002 - tháng 12/2014 cho thấy hệ số tương quan đáng kể giữa giá cà phê và chỉ số giá dầu thô, theo bảng dưới đây.
Theo dữ liệu phân tích thì có mối tương quan tích cực khá mạnh giữa chỉ số giá dầu thô và giá cà phê khi hệ số tương quan dao động từ 0.74 đến 0.91, cho thấy giá cà phê và chỉ số giá dầu thô biến động theo cùng xu hướng.
Mối tương quan giữa đồng USD (cùng các đồng nội tệ ở các nước xuất khẩu cà phê) và giá cà phê
Đồng USD là đồng tiền tham chiếu trong hầu hết các giao dịch cà phê. Tính biến động tỷ giá hối đoái của đồng USD so với các đồng nội tệ của các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới (9 nước) cũng có sức ảnh hưởng đến giá cà phê do các nước này chiếm đến 75,7% khối lượng cà phê xuất khẩu trung bình trong giai đoạn 1990 - 2014.
Bảng dưới đây cho biết hệ số tương quan giữa giá cà phê và các cặp tỷ giá giữa đồng USD so với các đồng tiền của 9 nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới (giai đoạn 1990 - 2014).
Quan sát dữ liệu ở trên có thể thấy nhìn chung hệ số tương quan giữa giá cà phê đối với các tỷ giá hối đoái đồng USD ở mức thấp. Tuy nhiên trong đó đáng chú ý có 4 nước xuất khẩu cà phê cho hệ số tương quan thuộc nhóm cao hơn, gồm Brazil, Ethiopia, Việt Nma và Uganda. Hệ số tương quan đối với tỷ giá USDBRL (đồng real của Brazil) lần lượt là -0.49 đối với thị trường New York và -0.66 đối với thị trường London. Hệ số tương quan đối với tỷ giá USD/ETB (đồng birr của Ethiopia) lần lượt là 0.58 đối với thị trường New York và 0.32 đối với thị trường London. Hệ số tương quan đối với tỷ giá USDVND là 0.46 so với giá cà phê arabica tương lai tại New York và hệ số tương quan đối với tỷ giá USDUGX (đồng shilling của Uganda) là 0.38 so với giá cà phê arabica tương lai tại New York.
Thị trường cà phê robusta tương lai tại London vốn nhạy cảm với tình hình cung cầu cà phê robusta, có mối quan hệ rất yếu đối với tỷ giá hối đối của các nước sản xuất cà phê robusta chính. Chỉ có đồng real của Brazil có mối quan hệ mạnh đối với giá cà phê robusta tương lai tại London. Nói cách khác, đồng USD mạnh lên so với đồng real của Brazil thường đi kèm với đà giảm giá của giá cà phê robusta.
Mối tương quan giữa đồng EUR và giá cà phê
Đồng EUR có hiệu lực vào tháng 1/1999 và trở thành đồng tiền năng động trong các giao dịch từ tháng 1/2002. Cần chú ý rằng Liên minh Châu Âu (EU) là điểm đến của hơn 50% khối lượng xuất khẩu cà phê các loại trung bình hàng năm từ các nước xuất khẩu. Chính vì vậy, biến động của đồng EUR cũng nên được xem xét khi phân tích mối tương quan với giá cà phê.
Đồng EUR cũng có vị thế đồng tiền tham chiếu trong các giao dịch cà phê như đồng USD. Trong giai đoạn 2002 - 2014, khối lượng xuất khẩu các loại cà phê trung bình hằng năm từ các nước xuất khẩu đến Châu Âu đạt 51,1 triệu bao, trong đó 47,6 triệu bao đến các nước EU, so với mức 21,7 triệu bao đến khu vực Bắc Mỹ. Bảng số liệu sau đây cho biết hệ số tương quan giữa giá cà phê và các cặp tỷ giá (trong đó có tỷ giá EURUSD) trong giai đoạn 2002 - 2014.
Theo bảng dữ liệu ở trên thì có nhiều hệ số tương quan âm khá mạnh giữa giá cà phê và tỷ giá hối đoái tham chiếu đồng USD. Đáng chú ý có đồng EUR, đồng BRL (real của Brazil) và đồng COP (peso của Colombia). Nói cách khác, đồng USD tăng giá so với các đồng tiền này thường đi kèm với đà giảm giá của giá cà phê. Ngoài ra, mối tương quan này thể hiện khá mạnh khi tham chiếu đồng tiền của các nước Ethiopia, Mexico, Uganda và Việt Nam, cho thấy tỷ giá hối đoái các đồng tiền này so với đồng USD và giá cà phê thường cùng xu hướng. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái các đồng tiền của các nước khác (Guatemala, Ấn Độ và Indonesia) so với đồng USD không thể hiện mối tương quan mạnh đối với giá cà phê.
Nhìn chung, mối quan hệ giữa giá cà phê và chỉ số giá dầu thô không thực sự nổi bật trong cả giai đoạn 1990 - 2014 nhưng lại gây chú ý trong giai đoạn 2002 - 2014. Mối quan hệ giữa giá cà phê thế giới và tỷ giá USDBRL cũng đáng chú ý, bên cạnh đồng EUR. Các yếu tố tiền tệ này trở thành chỉ báo tốt về xu hướng thị trường cà phê. Mối quan hệ mật thiết đó cũng cho phép chúng ta dự báo được xu hướng thị trường cà phê và triển vọng xuất khẩu cà phê thế giới trong tương lai gần. Các phân tích thực nghiệm khác nhau khẳng định rằng trong đại đa số các trường hợp thì đồng USD tăng giá thường khiến cho giá cà phê giảm. Ngoài ra, tỷ giá EUR, USD tăng cũng thường đi kèm đà tăng giá cà phê và ngược lại./.
Bình luận