Anh vận động bỏ phiếu ủng hộ ở lại khối EU
Sự chia rẽ trong lòng châu Âu
Trong hội nghị kéo dài hai ngày tại Brussels (Bỉ) tuần trước, các lãnh đạo EU đã nhất trí về gói các biện pháp nhằm giữ chân Anh trong khối 28 quốc gia, tránh nguy cơ một vụ “chia tay thảm họa”.
Thủ tướng Anh phát biểu trước báo giới tại Brussels (Bỉ) tuần trước
Theo BBC, một số điểm chính của thỏa thuận nói trên là dừng khẩn cấp phúc lợi cho người nhập cư trong vòng bốn năm khi di cư có mức độ “khác thường” và Anh có thể áp dụng việc dừng khẩn cấp này tới bảy năm. Ngoài ra, phúc lợi cho con cái của người di cư đến EU hiện đang sống ở nước ngoài sẽ được trả theo tỉ suất dựa trên mức sống ở quê hương họ, áp dụng cho đợt di cư từ năm 2020 trở đi và 34.000 người đang nộp đơn.
Thỏa thuận còn có điều khoản sửa đổi các hiệp ước EU để tuyên bố rằng các điều khoản xây dựng một “liên minh chặt chẽ hơn” không áp dụng đối với Anh, đồng nghĩa với việc Anh không bao giờ bị buộc phải hội nhập chính trị. Thêm vào đó là điều khoản trao cho Anh khả năng ban hành biện pháp bảo vệ khẩn cấp trung tâm tài chính London, nhằm ngăn việc các công ty Anh bị buộc phải di dời sang các nước châu Âu và để đảm bảo các công ty Anh không bị phân biệt đối xử vì đứng ngoài khối đồng Euro.
Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến, được đăng tải trên tờ Mail on Sunday số ra ngày 21/2, 48% người được hỏi cho rằng nước Anh nên ở lại EU, trong khi 33% có ý kiến ngược lại. Đây là
Nước Anh vốn đã là một thành viên tách rời nhất của EU, từ chối tham gia khối đồng tiền chung Euro, khu vực đi lại tự do Schengen và nhiều lĩnh vực hợp tác cảnh sát và pháp lý khác. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bình luận rằng từ lâu Anh đã hưởng một quy chế đặc biệt trong khối rồi. |
cuộc thăm dò ý kiến đầu tiên kể từ sau khi Thủ tướng Anh David Cameron thành công trong việc gây sức ép buộc EU chấp thuận các yêu cầu cải cách của mình. Con số trên cho thấy số người Anh ủng hộ nước này ở lại EU tăng mạnh so với các cuộc thăm dò ý kiến được tiến hành trước khi thỏa thuận giữa Anh và EU ngã ngũ.
Thực ra, việc Anh đi hay ở lại EU đã được đặt ra từ lâu. Nước Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) - tiền thân của EU - vào năm 1973. Năm 1975, một cuộc trưng cầu ý dân về việc rút khỏi EEC từng được tổ chức ở Anh và 67,2% số người bỏ phiếu đã không ủng hộ ý tưởng này. Tuy vậy, sau bốn thập niên gắn bó, vấn đề EU đang trở lại thành đề tài nhạy cảm nhất tại Anh. Chính phủ Anh nhận định chưa bao giờ tương lai của Châu Âu lại mù mịt như hiện nay. Mô hình liên kết của EU có nhiều lỗi hệ thống đã cản trở sự phát triển và phồn vinh của các nước thành viên.
Những người cổ vũ rời khỏi EU tranh luận rằng, việc này có thể giúp tiết kiệm hàng tỷ USD phí thành viên, giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới và giải phóng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh khỏi các quy định của EU. Thêm một nguyên nhân nữa là vấn đề nhập cư, bao gồm dòng người tị nạn chạy trốn chiến tranh từ Syria. Người Anh lo ngại rằng số lượng người nhập cư gia tăng sẽ khiến thuế tăng lên, cũng như giành lấy việc làm của họ và có thể sẽ nhận lương thấp hơn mức mà một công dân Anh yêu cầu. Như vậy, mặt bằng lương sẽ giảm và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Bên cạnh đó, một số thành phần ở Anh còn có thành kiến về sự đa văn hóa mà dòng người nhập cư đã mang đến nước này. Ngoài ra, lòng tự tôn dân tộc cũng là một nguyên nhân. Người Anh tỏ ra ngại ngần khi phải từ bỏ chủ quyền quốc gia của mình để hòa nhập với EU.
Vì vậy, sự chia rẽ về vị trí của Anh tại châu Âu đã từng là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ của hai Thủ tướng tiền nhiệm tại Anh sụp đổ. Thế nên, ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2010, Thủ tướng Cameron khẳng định sẽ nỗ lực để tránh viễn cảnh này xảy ra. Sau khi đạt được thỏa thuận với EU về việc giữ Anh ở lại mái nhà chung châu Âu, ngày 20/2, ông D.Cameron tuyên bố sẽ tham gia chiến dịch vận động được cho là nhiều thách thức bằng cả "trái tim và tinh thần" để giữ Anh ở lại trong EU.
Hiện tại, thời gian tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh đã được ấn định vào ngày 23/6 tới với câu hỏi trưng cầu được dự kiến là liệu nước Anh "sẽ an toàn hơn, mạnh hơn và thịnh vượng hơn trong một Châu Âu cải cách hay đứng ngoài một mình". Tỷ lệ cử tri Anh ủng hộ đảo quốc Sương mù ở lại với EU cao hơn nhiều so với trước đó nhờ bản thỏa thuận đặc biệt "có lợi cho nước Anh" vừa đạt được là một khích lệ lớn cho Thủ tướng Cameron. Quan trọng hơn, bản thỏa thuận này đã tạo nền tảng cần thiết để người dân Anh đưa ra quyết định sẽ tiếp tục đồng hành hay tách khỏi EU trong bối cảnh nội các Anh vẫn đang chia rẽ sâu sắc về tương lai đất nước.
Rời hay ở?
Theo nhà xã hội học nổi tiếng của nước Anh, Nam tước Anthony Giddens thuộc Công đảng Anh, nước Anh cần ở lại EU bởi, trước tiên, Anh là một nước châu Âu theo vị trí địa lý của nó. Hơn nữa, chỉ có một dự án tập thể mới có thể giúp chúng ta đối mặt được với giai đoạn hết sức khó lường này của lịch sử thế giới: sự hỗn loạn ở Trung Đông, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới, việc ngừng tăng trưởng của nhóm nước BRICS…
Nam tước Giddens khẳng định còn niềm tin vào EU, cho dù thể chế này đang phải đối mặt với các vấn đề mang tính cơ cấu nghiêm trọng nhất kể từ khi ra đời. EU là một nền kinh tế lớn nhất thế giới, nó đã mang lại một nền hòa bình lịch sử và nó còn có rất nhiều tiềm năng.
Để bảo vệ những thành quả này, ông Giddens cho rằng cần phải có một sự phối hợp khá hơn. Để cứu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cần phải hội nhập nhiều hơn trong lĩnh vực thuế, chia sẻ rủi ro giữa các thành viên EU và các cơ chế mang tính cơ cấu khác cần thiết cho sự vận hành của Eurozone.
Nhà xã hội học này cũng nhấn mạnh rằng, việc xảy ra kịch bản Brexit (khả năng Anh ra khỏi EU) sẽ là một tổn thất nghiêm trọng cho EU vào thời điểm mà liên minh này trải qua một loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng: khủng hoảng đồng Euro, khủng hoảng người tị nạn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy…
Nếu Anh ra khỏi EU, một thời kỳ bất ổn chắc chắn sẽ mở ra và cần phải có thời gian để xác định lại mối quan hệ giữa Anh với các nước thành viên EU, và Anh sẽ là trường hợp đầu tiên ra khỏi EU.
Trong khi đó, nhà trí thức theo đường lối cực tả Tariq Ali lại tuyên bố sẽ bỏ phiếu phản đối việc Anh ở lại EU vì ông cho rằng, EU là một thể chế phi dân chủ - với một Nghị viện có những quyền hạn rất hạn chế, và tất cả các quyết định đều được đưa ra bởi hội đồng các bộ trưởng – và một bộ máy quan liêu theo thuyết tự do mới. Thể chế đó nuôi dưỡng cảm giác bất mãn của các công dân châu Âu đối với giới tinh hoa chính trị, thúc đẩy phong trào cực hữu ở châu Âu. EU cần một cú sốc để thay đổi. Và không gì hơn là kịch bản Brexit.
Ông Ali bày tỏ mong muốn cánh tả sẽ lao vào thực hiện một chiến dịch vì châu Âu, nhưng phản đối EU, để chỉ ra rằng, “chúng tôi chỉ trích EU vì những lý do không liên quan tới thuyết Sô vanh của cánh hữu, và cực hữu Anh có tư tưởng chống EU”. Nhà trí thức này cũng chỉ ra rằng, nếu Anh ra khỏi EU, Xứ sở sương mù sẽ áp dụng mô hình Norway trong quan hệ với EU.
Liên quan tới lĩnh vực thương mại, sẽ không có sự thay đổi nhiều: Anh sẽ tiếp tục hợp tác với EU, sẽ ký các thỏa thuận thương mại cụ thể với nhiều quy định phải tuân thủ của EU. Trung tâm tài chính London sẽ chiếm vị trí trung tâm trong nền tài chính châu Âu. Anh vẫn sẽ là thành viên NATO như Norway.
Tuy nhiên, ông Ali không tin rằng việc ra khỏi EU sẽ làm cho Anh trở nên tốt hơn. Điều đó chỉ dẫn Anh tới việc được nhìn nhận theo đúng bản chất của nó: một hòn đảo ở Bắc Âu tham gia sân chơi của các nước lớn chỉ vì liên kết với Mỹ. Nhưng nếu Anh ở lại, sẽ không có gì thay đổi./.
Bình luận