Áp lực lên mặt bằng giá tháng 5 không cao
Cụ thể, Cơ quan này phân tích, CPI tháng 05/2018 trong các năm gần đây thường có biến động tương đối ổn định. Nếu không có các yếu tố bất thường (như hiện tượng hạn hán xâm nhập mặn năm 2016 hoặc biến động giảm sâu của giá thịt lợn năm 2017), thì giá của các nhóm hàng cơ bản ổn định.
Trong tháng 5, một số yếu tố dự báo gây áp lực lên mặt bằng giá như giá xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên mức tăng dự báo sẽ không cao. Bên cạnh đó, giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng dự báo sẽ tăng, do ảnh hưởng thời tiết chuyển mùa nóng tác động lên giá điện và giá nước lũy tiến.
Ngoài ra, một số yếu tố dự báo làm giảm áp lực lên mặt bằng giá tháng 5 như giá lương thực có thể giảm, do nguồn cung tăng vào vụ mùa thu hoạch lúa. Nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, như: thịt lợn, thịt gia cầm thường giảm khi thời tiết nắng nóng.
Bên cạnh đó, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh có thể được điều chỉnh giảm do việc điều chỉnh lại một số định mức kỹ thuật theo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế. Giá thuốc chữa bệnh cho người dự kiến giảm 10%-15% theo kế hoạch đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá của Bộ Y tế; Giá nhóm bưu chính viễn thông dự kiến tiếp tục giảm...
Hơn nữa, việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng 5.
Giá các nhóm hàng tương đối ổn định trong tháng 5 các năm gần đây
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường giá cả, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 07/01/2016 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan.
Cần lưu ý, trong tháng 5 và đặc biệt các tháng quý II/2018 là thời gian bản lề của năm 2018, công tác quản lý, điều hành giá phải rất thận trọng và hướng đến mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng CPI các tháng so với tháng trước ở mức dưới 0,2%, để tạo dư địa cho việc điều hành giá các tháng cuối năm, nhất là đối với việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Hơn nữa, cần tiếp tục đẩy mạnh theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về giá; Giám sát chặt chẽ việc kê khai giá; Tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá cụ thể đối với việc thực hiện lộ trình thị trường của một số mặt hàng do nhà nước quản lý; Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với việc điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 259/TB-BCĐĐHG, ngày 30/03/2018.
Ngoài ra, cần tiếp tục điều hành giá theo theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018. Trong đó, chú trọng công tác dự báo, đánh giá và tính toán kịch bản điều hành giá cụ thể, cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp để tránh gây tác động đột biến tới mặt bằng giá cả thị trường năm 2018.
Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, công khai kịp thời, chính xác thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận./.
Bình luận