Biến động giá dầu: Dịp may hiếm có để Việt Nam tái cơ cấu
Đó là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra trong buổi tọa đàm khoa học "Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam" do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức vào ngày 6/2.
3 kịch bản giá dầu cho kinh tế Việt Nam
Theo báo cáo “Triển vọng giá dầu thế giới trong trung hạn và một số kịch bản tác động tới nền kinh tế Việt Nam” của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia năm 2015, trong kịch bản không có cú sốc giá dầu thế giới - giá dầu diễn biến theo dự báo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và trên diễn biến kinh tế thế giới đến tháng 1/2015, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam sẽ đạt 5,5%, lạm phát ở mức 2,7%, dự trữ ngoại hối đạt 37 tỷ USD.
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới cho biết, nhóm đã tính toán khi giả định giá dầu thế giới giảm theo 3 kịch bản, khi giá dầu ở mức 50 USD/thùng, 40 USD/thùng và 30 USD/thùng.
Tuy mức thất thu thuế tăng lên theo giá dầu giảm, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng tăng theo.
So với dự báo của kịch bản không có cú sốc giá dầu thế giới, khi giá dầu ở mức 50 USD/thùng, GDP Việt Nam tăng thêm 0,48%, lạm phát giảm 1,14% và dự trữ ngoại hối giảm 1,04 tỷ USD; ở mức 40 USD/thùng, GDP tăng thêm 0,61%, lạm phát giảm 1,11% và dự trữ ngoại hối giảm 1,12 tỷ USD; ở mức 30 USD/thùng, GDP tăng thêm 0,75%, lạm phát giảm 1,07% và dự trữ ngoại hối giảm 1,45 tỷ USD.
Cũng phân tích về diễn biến và dự báo giá dầu, theo ông Lê Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) cũng cho rằng, từ tháng 1 đến tháng 7/2014, giá dầu luôn ở mức độ ổn định, không biến đổi nhiều. Tuy nhiên, đến tháng 11/2014, khi các nước OPEC kiên định không cắt giảm sản lượng, giá dầu ngay lập tức lao dốc không phanh.
Qua theo dõi, đã có thời điểm, giá dầu giảm tới 50%, mức thấp nhất là 45 USD/ thùng (cao nhất gần 120 USD/thùng).
“Với việc giá dầu liên tục biến động mạnh trong thời gian vừa qua, điều này đã khiến cho việc dự báo gặp rất nhiều khó khăn và hầu hết đều không chính xác”, ông Trung chia sẻ.
Theo lịch sử giá dầu thế giới, rất nhiều cú sốc về giá dầu đã xảy ra, đặc biệt là năm 1986, 1998 và 2008. Trong đó, năm 2008 chứng kiến biến động tới 60% và thời gian diễn ra lâu nhất với hơn 500 ngày.
Mặc dù đều cho rằng sẽ rất khó dự báo chuẩn được giá dầu trong những năm tới vì thực tế chứa đựng nhiều yếu tố bất thường, nhưng các chuyên gia tại Tọa đàm đều cho rằng giá dầu khó có thể tăng trở lại mức 100 USD/thùng trong một, hai năm tới.
Nguyên nhân là do, cung dầu thô vẫn lớn hơn cầu. Ngoài ra, giá dầu còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, sự cạnh tranh giữa nguồn dầu truyền thống của các nước khu vực Trung Đông, Nga và dầu đá phiến của Mỹ…
Được và mất gì?
Các chuyên gia tham gia thảo luận đều nhận định việc giảm giá dầu về mặt tổng thể sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn và lạm phát thấp hơn.
Trong cả 3 kịch bản giá dầu thô kể trên do nhóm nghiên cứu của Trung tâm Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia đưa ra, GDP đều tăng đáng kể.
“Giá dầu giảm nền kinh tế Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng quá tiêu cực như dư luận lo ngại thời gian qua, dù ngân sách hụt thu nhưng đổi lại sản xuất sẽ được kích thích”, TS. Lương Văn Khôi cho biết.
“Nếu chỉ tính hụt thu ngân sách từ giá dầu thô rồi đòi tăng thuế trong nước là không xác đáng. Đặc biệt khi doanh nghiệp đang rất khó khăn”, TS. Khôi nói.
Về ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, TS. Lê Việt Trung cho biết, “với Việt Nam, giá giảm từ 80 USD/thùng xuống còn 40 USD/thùng, PVN sẽ hụt thu một con số đáng kể”.
Tuy nhiên, ở phần ngược lại, theo các chuyên gia, giá dầu giảm sẽ hỗ trợ sản xuất, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, đặc biệt là GDP và giá cả sẽ hưởng lợi. Bởi, Việt Nam là nước phải nhập gần 70% xăng, dầu thành phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng đồng tình, hụt thu ngân sách từ giá dầu thô giảm không đáng ngại, có thể bù thu từ giảm chi tiêu. Điển hình như ngành Giao thông năm 2014 mới rà soát 25 dự án, đã tiết kiệm được hơn 5.200 tỷ đồng.
Cũng theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí, giá dầu giảm cũng tác động trái chiều với nhiều quốc gia. Trong đó, các nước nhập khẩu, như: Nhật Bản, Trung Quốc… đang hưởng lợi từ việc này, bởi khi mức nhiên liệu giảm dẫn đến tăng trưởng kinh tế.
Cần ứng phó ra sao?
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo trong 2 năm tới (2015-2016) giá dầu thô thế giới chỉ duy trì mức 50-60 USD/thùng (khó lên mức 70 USD/thùng như một số cơ quan Việt Nam dự báo). Với Việt Nam, theo TS. Tuyến, sản lượng dầu thô xuất khẩu khoảng 8,5 triệu tấn, nhưng đồng thời cũng nhập về 7-8 triệu tấn xăng, dầu thành phẩm mỗi năm.
“Hiện thuế nhập khẩu xăng, dầu khoảng 30%, ngoài ra còn thuế VAT, thuế môi trường… nguồn thu này đóng góp vào ngân sách không hề nhỏ. Khi xem xét về giá dầu thô chúng ta phải đánh giá 2 chiều. Hơn nữa, ngân sách hụt thu 3-4 nghìn tỷ đồng từ dầu thô cũng chưa ảnh hưởng gì nhiều”, ông Tuyến nói.
Do đó, ông Tuyến không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT để bù phần hụt thu ngân sách do giá dầu giảm.
Đồng tình với nhận định của TS. Tuyến, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, “nếu chỉ tính hụt thu ngân sách từ giá dầu thô rồi tăng thuế trong nước là không xác đáng. Đặc biệt, khi doanh nghiệp đang rất khó khăn. Chúng ta kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, giờ lại tăng thuế, khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Thu ngân sách cần theo hướng khoan sức dân, không phải nhân lúc này để siết sức dân”.
TS. Hồ cũng nhận định, giá dầu giảm là áp lực rất tốt để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nguồn thu bền vững từ tăng năng suất lao động, cải thiện công nghệ, thay vì mãi đào tài nguyên để bán. “Các chuyên gia nước ngoài vẫn khuyên Việt Nam nên giảm khai thác, đừng quá ỷ lại vào nguồn thu từ bán tài nguyên”, TS. Hồ nói.
Tuy nhiên, để cho nền kinh tế tăng trưởng tốt, khắc phục được những tác động tiêu cực, phát huy được những tác động tích cực, Nhà nước cần nghiên cứu kỹ, dựa trên những số liệu tin cậy và thực tế trong nước để đưa ra những giải pháp, điều hành hợp lý.
Bên cạnh đó, kiến nghị với Chính phủ, TS. Lương Văn Khôi đưa ra những chính sách thích hợp để giảm tập trung cao vào thị trường Trung Quốc. Trong ngắn hạn,nước ta có thể chuyển sang tập trung cao vào nhập khẩu từ các nước TPP và trong dài hạn là khuyến khích đầu tư trong nước, phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, thu hút FDI từ những đối tác có trình độ phát triển khoa học - công nghệ cao để sản xuất ra những mặt hàng mà Việt Nam đang nhập khẩu từ Trung Quốc với tỷ trọng lớn.
Để bù phần hụt thu ngân sách do giá dầu giảm, TS. Khôi và cộng sự đề xuất 2 biện pháp chính là giảm lãi suất cho vay và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT)./.
Bình luận