Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ thanh long và đảm bảo điều kiện tốt nhất cho xuất khẩu thanh long cũng như các mặt hàng nông, thủy sản khác sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh vùng trồng phối hợp triển khai một số nội dung:

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng trồng và sản xuất nông, thủy sản rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý chặt chẽ để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu.

Hướng dẫn UBND các tỉnh rà soát tình hình sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng trái cây để có định hướng điều tiết sản lượng thu hoạch trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua biên giới có thể còn gặp khó khăn.

Chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến rau quả tăng cường thu mua lượng thanh long tươi hiện đang tồn đọng tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang,… để chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công Thương, Hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ trong nước đối với quả thanh long nói riêng và các mặt hàng trái cây khác đang vào vụ thu hoạch nói chung.

Đối với UBND các tỉnh vùng trồng

Thông tin tới các thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn về việc phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long; đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng lên biên giới để tránh phát sinh thêm thiệt hại.

Hướng dẫn các nhà vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất và điều tiết tiến độ thu hoạch phù hợp cho tới khi hoạt động thông quan tại biên giới trở lại bình thường.

Chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ/ngành có liên quan xây dựng phương án tiêu thụ đối với sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh; tăng cường kết nối cung cầu, vận động hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ thanh long trong chuỗi cung ứng; chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hướng dẫn các nhà vườn, thương lái, doanh nghiệp thực hiện quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất, đóng gói và vận chuyển nông sản.

Chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp có kho lạnh trên địa bàn cho thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu gửi tạm trữ thanh long chờ tiêu thụ; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp để tăng thu mua thanh long cho nhà vườn.

Bộ Công Thương tìm giải pháp tiêu thụ thanh long
Các hệ thống siêu thị đã đồng loạt lên kế hoạch thu mua thanh long và bán với giá không lợi nhuận để hỗ trợ người trồng

Trước đó, từ ngày 29/12/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long tại Việt Nam. Điều này khiến người dân, doanh nghiệp và chuỗi ngành hàng liên quan tới mặt hàng nông sản này gặp khó khăn, bởi thanh long đầu năm là nghịch vụ, bán được giá hơn nhiều so với chính vụ vào tháng 8, tháng 9. Hiện nay, nhiều nhà vườn tại các vựa thanh long lớn như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang rơi vào cảnh khó khăn.

Trước tình trạng này, các hệ thống siêu thị đã đồng loạt lên kế hoạch thu mua thanh long và bán với giá không lợi nhuận để hỗ trợ người trồng.

Tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ thanh long quy mô lớn do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến & Phát triển thị trường nông sản và các đơn vị khác trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 6/1 với chủ đề "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, Chủ trương của Bộ trong thời gian tới là mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bởi thanh long hiện được xác định là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh cao trong số các loại trái cây ở Việt Nam, đồng thời cũng được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực.

Bên cạnh đó diện tích trồng thanh long của Trung Quốc cũng tăng mạnh, đã ngang bằng Việt Nam sẽ tác động lớn đến sản lượng nhập khẩu, gây khó cho doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài chuyển dịch thị trường xuất khẩu, lãnh đạo ngành Nông nghiệp còn chủ trương xuất khẩu bằng nhiều phương thức, ngoài đường bộ còn khai thác cả đường biển, đường sắt./.