ĐẶT VẤN ĐỀ

KTTT, HTX là khu vực luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Từ Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, các HTX đã có cơ sở pháp lý để đổi mới mô hình quản trị và sản xuất, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các HTX, giúp các HTX có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, theo tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 10 năm thi hành, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã chính thức thông qua Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15, gồm 12 Chương, 115 Điều đã sửa đổi toàn diện Luật Hợp tác xã năm 2012 với nhiều điểm mới. Tuy nhiên, để chính sách của Luật Hợp tác xã năm 2023 sớm đi vào cuộc sống, phát huy những điểm mới cần thực hiện nhiều giải pháp để tạo sự đột phá trong cơ chế, chính sách, giúp khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KTTT, HTX GIAI ĐOẠN 2013-2022

Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, KTTT với nòng cốt là HTX, bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, bước đầu đã có những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển phong trào HTX toàn quốc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021).

Về số lượng tổ hợp tác (THT), HTX, liên hiệp HTX

Trong giai đoạn 2013-2022, khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế thành viên, hộ gia đình, cá thể các chỉ tiêu về số lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX đều được cải thiện.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 29.378 HTX, 125 liên hiệp HTX và 71.000 THT. So với năm 2013, số HTX tăng 10.021 HTX (tăng 51,8%), liên hiệp HTX tăng 78 liên hiệp HTX (tăng 166%) và số THT giảm hơn 56.000 THT (giảm 44%) (Hình 1).

Hình 1: Số lượng HTX giai đoạn 2013-2022

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã: Kỳ vọng từ Luật Hợp tác xã năm 2023
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Số lượng HTX có xu hướng tăng trong giai đoạn 10 năm 2013-2022, tốc độ tăng bình quân khoảng 4,8%/năm. Đặc biệt từ khi Nghị quyết số 20-NQ/TW được ban hành, số lượng HTX tăng mạnh, trong năm 2022 với 2.036 HTX, đã tăng trên 7,4% so với năm 2021. Số lượng HTX thành lập mới tăng liên tục qua các năm. Nếu như năm 2013 chỉ có 1.029 HTX thành lập mới thì năm 2022 số HTX thành lập mới đạt khoảng 2.600 HTX (trong năm 2022 giải thể 564 HTX).

Số lượng thành viên HTX giảm dần qua các năm từ 2013-2019 nhưng đã có xu hướng tăng trở lại vào năm 2020 và 2022. Tính đến hết năm 2022, tổng số thành viên khu vực KTTT là gần 8 triệu thành viên, với trên 5,935 nghìn thành viên của HTX (tăng 243 nghìn thành viên, khoảng 4% so với năm trước), 851 HTX thành viên của liên hiệp HTX (tăng 183 HTX thành viên, khoảng 27% so với năm 2021) và khoảng 1.044 thành viên THT (giảm hơn 53 nghìn thành viên, khoảng 5% so với năm 2021). Tổng số lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 976,3 nghìn người, giảm khoảng 9% so với năm 2021.

Về cơ cấu HTX trong các ngành, lĩnh vực, trong tổng số 29.378 HTX toàn quốc có khoảng 19.500 HTX nông nghiệp (chiếm khoảng 66,4%) và gần 10 nghìn HTX phi nông nghiệp, trong đó bao gồm 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 4,0%); 2.500 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (chiếm 8,5%); 2.300 HTX thương mại dịch vụ (chiếm 7,83%); 1.700 HTX giao thông vận tải (chiếm 5,79%); 940 HTX xây dựng (chiếm 3,2%); 554 HTX môi trường (chiếm 1,9%); và các HTX khác (2,63%) (Biểu đồ).

Biểu đồ: Cơ cấu HTX trong các ngành, lĩnh vực năm 2022

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Về hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX

Nhìn chung khu vực KTTT cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân (Ban Chấp hành Trung ương, 2022). Các chỉ tiêu về kết quả hoạt động của HTX, liện hiệp HTX và THT đều tăng trong giai đoạn 10 năm (2013-2022), ngoại trừ sụt giảm mạnh về mặt doanh thu, lợi nhuận trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đến năm 2022, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh được Chính phủ triển khai thực hiện và các chính sách hỗ trợ riêng đối với khu vực KTTT, HTX đã giúp các HTX phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng lợi nhuận.

Năm 2022, doanh thu bình quân một HTX đạt 3.592 triệu đồng/HTX/năm, tăng 867 triệu đồng (tăng khoảng 31,8%) so với năm 2013. Lãi bình quân của 1 HTX năm 2022 là 366 triệu đồng/HTX/năm (tăng 200 triệu đồng, tương đương tăng trên 120% so với năm 2013); thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm (tăng 21 triệu đồng, tương đương tăng 37,5% so với năm 2013). Tính bình quân cả giai đoạn 10 năm từ 2013 đến 2022, doanh thu bình quân của các HTX tăng trung bình 5,2%/năm; lãi tăng bình quân 11,8%/năm.

Biểu đồ 2: Doanh thu và lợi nhuận bình quân giai đoạn 2013-2022

Đơn vị: Triệu đồng

Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết năm 2023 cả nước có 30.698 HTX, 137 liên hiệp HTX và 65.712 THT. So với năm 2022, số HTX tăng 1.261 HTX (khoảng 4%), liên hiệp HTX tăng 6 liên hiệp HTX (khoảng 4%) và số THT giảm 1.681 THT (khoảng 2,5%). Số HTX thành lập mới năm 2023 ước đạt 1.931 HTX, giải thể 1.129 HTX (Cục Kinh tế hợp tác, 2023).

Tuy nhiên, nhìn chung khu vực KTTT, HTX của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm. HTX phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong HTX có xu hướng giảm; không ít thành viên tham gia hoạt động của HTX còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong HTX. Năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Phần lớn HTX, THT có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ HTX còn rất yếu.

Theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 đã chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, trong đó nguyên nhân từ hệ thống pháp lý: "Luật Hợp tác xã còn nhiều vướng mắc, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung". Một số bất cập của Luật Hợp tác xã năm 2012 là: (i) HTX gặp nhiều rào cản khi gia nhập, rút khỏi thị trường, bị hạn chế hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng sản phẩm dịch vụ ra ngoài thị trường; (ii) Phần lớn các HTX gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách của Nhà nước, nhất là về vốn, đất đai; (iii) Quy định về tổ chức quản trị HTX chưa phù hợp với quy mô và xu thế chuyển đổi số, trình độ cán bộ quản lý HTX; (iv) Hợp tác, liên kết trong nội bộ HTX, giữa các tổ chức KTTT với nhau và giữa các tổ chức KTTT với các thành phần kinh tế khác còn rất hạn chế; (v) THT chưa được định vị pháp lý bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác, chưa được định hướng phát triển thành HTX (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2022).

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VÀ KỲ VỌNG TỪ LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2023

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Quyết định số 799/QĐ-TTg, ngày 06/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông Luật Hợp tác xã năm 2023 với tỷ lệ 94,33% số phiếu tán thành.

Luật Hợp tác xã năm 2023 gồm 12 Chương, 115 Điều (tăng 3 Chương và 51 Điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012 bao gồm 9 Chương, 64 Điều) với một số điểm mới, là kỳ vọng đột phá cho khu vực KTTT, HTX:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản, phát huy các giá trị tốt đẹp của mô hình HTX; Luật Hợp tác xã năm 2023 mở rộng đối tượng tham gia, chú trọng phát triển thành viên HTX, liên hiệp HTX, gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn; Nhấn mạnh vai trò cùng đóng góp, cùng quản lý của tất cả các thành viên đối với các hoạt động kinh tế, hoạt động giáo dục, đào tạo của HTX, liên hiệp HTX; Bổ sung quy định Quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia mang tính đặc thù (nguyên tắc số 3 của Liên minh HTX quốc tế); quy định linh hoạt về việc quản lý, sử dụng quỹ chung không chia và tài sản chung không chia.

Thứ hai, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển: Trao quyền cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác; Thành viên có thể góp vốn bằng nhiều hình thức, thông qua hợp đồng mà không phải chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho HTX, liên hiệp HTX nhằm tạo điều kiện tập trung đất đai từ thành viên, hình thành sản xuất quy mô lớn.

Thứ ba, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX: Bổ sung quy định về kiểm toán HTX, bảo đảm tính minh bạch, phát hiện rủi ro trong quản lý HTX đồng thời tăng uy tín cho các HTX trong thực hiện giao dịch, các hợp đồng kinh tế, hợp tác đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số hoạt động quản lý, điều hành của HTX, như: quy định về tổ chức đại hội thành viên trực tuyến, về bỏ phiếu biểu quyết điện tử, giúp giảm chi phí, thời gian cho các tổ chức KTTT.

Thứ tư, mở rộng loại hình tổ chức KTTT, hoàn thiện quy định về tổ chức đại diện: Luật Hợp tác xã năm 2023 đã thiết kế riêng một chương (IX) quy định về “Tổ hợp tác so với Luật Hợp tác xã năm 2012. Luật đã bổ sung chính sách hỗ trợ chuyển đổi THT lên HTX tương tự như chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sửa đổi, bổ sung quy định rõ địa vị pháp lý của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam (Điều 111) theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực KTTT: Sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký, tổ chức lại, giải thể theo hướng đơn giản, số hóa: Bỏ Phương án sản xuất, kinh doanh; cho phép đăng ký thành lập trực tuyến, sử dụng số định danh cá nhân thay cho các giấy tờ pháp lý cá nhân (Điều 42); Bỏ quy định bắt buộc thành lập Hội đồng giải thể, thay vào đó HTX, liên hiệp HTX chịu trách nhiệm thực hiện giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xóa tên trên hệ thống đăng ký sau 180 ngày tương tự như Luật Doanh nghiệp. Bổ sung quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về HTX...

Thứ sáu, về chính sách hỗ trợ, Luật Hợp tác xã năm 2023 đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW tại một Chương riêng để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức KTTT phát triển, gồm chính sách: (i) Phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; (ii) Đất đai; (iii) Thuế, phí và lệ phí; (iv) Tiếp cận vốn, bảo hiểm; (v) Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (vi) Tiếp cận và nghiên cứu thị trường; (vii) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; (viii) Hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro. HTX, liên hiệp HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngoài các chính sách chung thì được hưởng thêm một số chính sách hỗ trợ đặc thù riêng quy định tại Điều 28 của Luật.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT HUY TỐI ĐA HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CỦA LUẬT HTX NĂM 2023

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương phát triển KTTT của Đảng, Nhà nước. Khẩn trương triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Luật Hợp tác xã năm 2023 nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng tầm tư duy và tạo quyết tâm cao của các ngành, các cấp về nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.

Hai là, các bộ, ngành sớm chuẩn bị, ban hành văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2023, đồng bộ và thống nhất về thời gian áp dụng với Luật Hợp tác xã 2023 theo phân công tại Quyết định số 857/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 về ban hành danh mục và phân công đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết. Trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, các bộ, ngành phải đổi mới toàn diện, thiết thực hiệu quả và có tính kế thừa, có thời kỳ quá độ, chuyển tiếp; tránh những xáo trộn, gây khó khăn cho HTX và các cơ quan triển khai, thực thi chính sách:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trình Chính phủ ban hành 2 nghị định đúng kế hoạch để có hiệu lực cùng thời điểm Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và 1 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã; Chuẩn bị và hoàn thiện Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX áp dụng cho giai đoạn 2026-2030.

- Ngân hàng Nhà nước: Chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn thiện các quy định đối với hoạt động cho vay nội bộ trong HTX, liên hiệp HTX tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhằm hỗ trợ người lao động, thành viên HTX, góp phần xóa bỏ tín dụng đen ở nông thôn.

- Bộ Tài chính: Ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán HTX, liên hiệp HTX phù hợp; hoàn thiện các quy định về thuế phí trong đó ưu tiên hỗ trợ đối tượng HTX ở mức cao nhất so với các đối tượng, thành phần khác.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ động đề xuất, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp phù hợp với quy định của Luật và theo định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 106?NQ-CP, ngày 18/7/2023 về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ba là, các chính sách hỗ trợ phải hoàn thiện theo hướng bảo đảm yêu cầu đơn giản, thông thoáng và công khai, minh bạch; các hỗ trợ phải theo hướng tiếp cận các nguyên tắc thị trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các HTX và tạo cơ hội, động lực cho các HTX tự lực vươn lên; “Cho cần câu chứ không cho con cá” nhằm vừa hỗ trợ vừa thúc đẩy các HTX tự nỗ lực và phấn đấu ngày càng phát triển ổn định và bền vững.

Bốn là, có cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách hỗ trợ HTX; bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách; có cơ chế để các bộ, ngành, địa phương ưu tiên sử dụng ngân sách hỗ trợ HTX. Nghiên cứu cơ chế giao vốn đầu tư phát triển thực hiện các dự án hỗ trợ hạ tầng HTX theo hướng giao thành khoản mục riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển KTTT, HTX. Bộ Tài chính cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ HTX theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhất là những chính sách thuộc trách nhiệm bảo đảm của ngân sách trung ương. Các bộ ngành, địa phương tìm kiếm, huy động sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực, kinh nghiệm phát triển của các tổ chức quốc tế. Chính phủ mong muốn, khuyến khích và tạo mọi điều kiện theo quy định của pháp luật để các tổ chức trong và ngoài nước tiếp cận, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể nâng cao năng lực và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sáu là, nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh HTX Việt Nam các cấp trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ cho các HTX. Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong việc thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển KTTT, HTX. Liên minh HTX Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương cần thúc đẩy các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX phát huy hơn nữa, thay vì tìm kiếm các kênh huy động vốn khác, vì đây là kênh mà các HTX tiếp cận nguồn vốn vay dễ hơn.

Cuối cùng, các tổ chức KTTT, HTX cần nghiên cứu đầy đủ các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023 để chấp hành đúng và tận dụng cơ hội, tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước; chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển; tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch, chủ động, thích ứng với bối cảnh, xu hướng phát triển mới; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý HTX phải được đào tạo bài bản, có kiến thức về kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng cơ bản khác để có thể điều hành được hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX.

KẾT LUẬN

Từ thực trạng phát triển của khu vực KTTT, HTX những năm vừa qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT, HTX đã và ngày càng được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Đặc biệt, Luật Hợp tác xã năm 2023 được thông qua với nhiều điểm mới, làm rõ hơn bản chất, vai trò của HTX trong hỗ trợ và phát triển thành viên, mở rộng phạm vi điều chỉnh THT với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết, hợp tác giữa thành viên trong HTX, giữa HTX-HTX, giữa HTX và doanh nghiệp. Từ nền tảng pháp lý của Luật Hợp tác xã năm 2023, với sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng HTX, khu vực KTTT mà nòng cốt là các HTX được kỳ vọng sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương (2022), Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, Hà Nội.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, Hà Nội.

3. Cục Kinh tế hợp tác (2023), Tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển KTTT, HTX năm 2023, Hà Nội.

4. Quốc hội (2023), Luật số 17/2023/QH15, ngày 20/6/2023.

5. Tổng cục Thống kê (2023), Sách trắng Hợp tác xã năm 2023, Nxb Thống kê, Hà Nội.