Năm 2022 đánh dấu nhiều mốc quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phùng Quốc Chí (ngồi giữa) chủ trì Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác cho biết, năm 2022 là năm đánh dấu nhiều mốc quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, đặc biết là sự ra đời của Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã thể hiện tư duy đổi mới toàn diện trong chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Vinh, có nhiều sự kiện được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm tham dự chỉ đạo, như: Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ-TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ; Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã hàng năm được Thủ tướng chủ trì và đánh giá cao cơ quan tham mưu thực hiện… và nhiều đoàn công tác của Chủ tịch nước về phát triển kinh tế tập thể đã diễn ra trong năm 2022. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã có sự phục hồi, cũng như phát triển các thành phần kinh tế.

Năm 2022 đánh dấu nhiều mốc quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Theo bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, năm 2022 là năm đánh dấu nhiều mốc quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

“Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt và nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tại Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) đều khẳng định trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều thành phần kinh tế và hình thức sở hữu, trong đó kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển. Cùng với đó, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, kinh tế tập thể tiếp tục được khẳng định là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và là khu vực kinh tế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”, bà Vinh nói.

Báo cáo tại Hội nghị, bà Phạm Thị Thuý Hồng, Trưởng phòng chuyên trách Văn phòng Đổi mới Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho biết, năm 2022, cả nước có 29.378 hợp tác xã, tăng hơn 2.000 hợp tác xã, tương ứng tăng 7% so với năm 2021. Số lượng liên hiệp hợp tác xã là 125, tăng 18 liên hiệp hợp tác xã, tương ứng tăng khoảng 17% so với năm 2021. Tổng số thành viên hợp tác xã là 5.935 nghìn thành viên, tăng 234 nghìn thành viên, tương đương khoảng 4% so với năm 2021. Số hợp tác xã thành viên của Liên hiệp hợp tác xã là 851 hợp tác xã, tăng 183 hợp tác xã, tương đương khoảng 27% và tổng số thành viên tổ hợp tác là 1.044 nghìn thành viên, giảm hơn 53 nghìn thành viên so với năm 2021...

Năm 2022 đánh dấu nhiều mốc quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Theo bà Phạm Thị Thuý Hồng, Trưởng phòng chuyên trách Văn phòng Đổi mới Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, năm 2022, cả nước có 29.378 hợp tác xã, tăng hơn 2.000 hợp tác xã so với năm 2021

Doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt 3.592 triệu đồng/hợp tác xã/năm, tăng 935 triệu đồng (khoảng 35%) so với năm 2021. Lãi bình quân của một hợp tác xã năm 2022 là 366 triệu đồng, tăng 152 triệu đồng, tương đương khoảng 71% so với năm 2021. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 56 triệu đồng/người, tăng khoảng 4 triệu đồng, tương đương khoảng 8% so với năm 2021.

Cùng theo bà Hồng, năm 2022, dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát, nhiều cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, các lĩnh vực sản xuất đã mở ra cơ hội cho phát triển nền kinh tế nói chung, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nói riêng. Đáng chú ý là việc Ban Chỉ đạo đã tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW mở ra động lực mới thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tiếp tục được duy trì, bình quân trên 200 hợp tác xã được thành lập mới hàng tháng. Các tổ chức kinh tế hợp tác mới thu hút nhiều thành viên trẻ, hoạt động năng động và đa dạng trong các lĩnh vực, ngành nghề…

Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, như: Nguồn vốn, tài sản của các hợp tác xã còn hạn chế; hoạt động chuyển đổi số còn chậm; số lượng thành viên tham gia có xu hướng giảm; chưa chủ động truy suất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thiếu, gây khó khăn trong triển khai nhiệm vụ ở các cấp. Nhân sự của Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc chuyên trách còn rất hạn chế, chủ yếu đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Chính vì vậy, chưa thường xuyên, liên tục để kịp thời tham mưu các chủ trương, chính sách có tính đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã…

Năm 2022 đánh dấu nhiều mốc quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác Phùng Quốc Chí, năm 2023, cần kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, hợp tác xã, cũng như nhân sự bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác cho biết, 2022 là năm ghi nhận nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đặc biệt là được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Mặc dù vậy, để tạo động lực và nâng cao hiệu quả hoạt động cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, năm 2023, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ hoàn thiện các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng, như: Chương trình hành động của Chính phủ; Chương trình, kế hoạch thực hiện ở các bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy đã được phân công trong nghị quyết và đôn đốc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, xuyên suốt trong toàn hệ thống chính trị.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, khảo sát trong và ngoài nước để hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua. Xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo tiến độ kế hoạch đề ra trong năm 2023. Kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, hợp tác xã, cũng như nhân sự bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp để thống nhất, đồng bộ xuyên suốt, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW./.