Bộ KH&ĐT đề nghị nêu rõ các vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến giải ngân đầu tư công chậm
Tại văn bản này, Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đánh giá cụ thể việc hoàn thành hay không hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 đã được giao, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, những diễn biến mới phát sinh trong tháng 12 và đề xuất, kiến nghị giải pháp cần triển khai trong thời gian tới.
Hiện, nhiều địa phương đang đề nghị được kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công, hoặc kiến nghị cắt giảm vốn ODA |
Đặc biệt, trong các nội dung cần nhấn mạnh, Bộ KH&ĐT lưu ý báo cáo về tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2021. Trong đó, nêu rõ các vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến giải ngân chậm của từng dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Bộ cũng đề nghị các đơn vị báo cáo phải đề xuất các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm phấn đấu tỷ lệ giải ngân cao nhất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Thời hạn gửi báo cáo chậm nhất trong ngày 20/12/2021 để Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2021.
Khoản 1, Điều 48 Nghị định 40/2020/NĐ-CPnêu rõ, Thủ tướng quyết định đối với vốn ngân sách Trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm, nhưng không quá ngày 31/12 năm sau trong các trường hợp: Dự án quan trọng quốc gia; Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; Dự án được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch nhưng không được bố trí vốn kế hoạch năm sau. Nghị định cũng cho phép đối với dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách nhà nước, dự phòng ngân sách nhà nước hằng năm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép giải ngân vào năm sau Dự án bị ảnh hưởng tiến độ do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép; dự án cơ quan đại diện và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài cũng là những dự án được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm. Bên cạnh đó, quy định này cũng được áp dụng trong trường hợp bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ có duy nhất 1 dự án trong năm kế hoạch hoặc không thể thực hiện điều chỉnh kế hoạch. |
Theo Bộ KH&ĐT, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 11/2021 đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân 11 tháng thấp so với cùng kỳ 2020 và chưa đạt yêu cầu đề ra. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đến 30/11/2021 ước đạt 294.589,31 tỷ đồng, bằng 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 71,22%).
Đặc biệt, rất nhiều địa phương đề nghị được kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công, hoặc kiến nghị cắt giảm vốn ODA. Về vấn đề này, tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2021 tại các địa phương do Tổ công tác số 6 (theo Quyết định số 1962/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) kiểm tra, đôn đốc, ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT, theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định hướng dẫn thì giải ngân chỉ trong một năm, việc kéo dài vốn chỉ xem xét với từng dự án và chỉ trong trường hợp bất khả kháng. Thời gian qua, Chính phủ đã báo cáo UBTVQH về việc kéo dài giải ngân vốn kế hoạch năm 2021, nhưng UBTVQH không đồng ý, yêu cầu thực hiện đúng quy định. Hay kiến nghị cắt giảm vốn ODA, Chính phủ đã báo cáo nhưng UBTVQH không thông qua, yêu cầu các địa phương tập trung triển khai tốt.
Vì thế, việc kéo dài vốn kế hoạch năm 2021 sang năm 2022 hay trả lại vốn ODA năm 2021 để bố trí lại sau như kiến nghị của các địa phương là rất khó. Theo quy định, hết niên độ kế hoạch năm 2021 mà không giải ngân hết thì sẽ bị thu hồi và trừ luôn ở kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, không được bố trí lại.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chỉ rõ rằng, việc dự án không giải ngân hết dẫn đến bị thu hồi vốn là rất đáng tiếc và gây nhiều hệ lụy mà địa phương phải giải quyết. Trong trường hợp bị thu hồi vốn về, để dự án không bị dở dang, địa phương sẽ phải dùng dự toán năm 2022 của dự án khác để bố trí hoặc phải cắt giảm dự án khởi công mới khác. Địa phương phải rất lưu ý để tập trung, quyết liệt giải ngân trong thời gian còn lại của năm.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong điều hành giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, phải rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt, tập trung đẩy nhanh giải ngân ngay từ đầu năm. Các địa phương cần xác định giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất to lớn, không chỉ với mỗi công trình, dự án, mà còn đóng góp lớn hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi kinh tế của địa phương và cả nước./.
Bình luận