Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mới đây đã ký Quyết định 259/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không (giai đoạn 1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT là Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành Báo cáo dự án sân bay Sa Pa
Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa. Nguồn: Báo Lào Cai.

Theo Quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các ủy viên gồm: Lãnh đạo các Bộ: Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Ngoại giao.

Ngoài ra, ủy viên Hội đồng còn có lãnh đạo: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.

Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng được thực hiện tương ứng theo quy định tại các Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Vào tháng 10/2021, Thủ tướng đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 6.948 tỷ đồng.

Theo quyết định, địa điểm xây dựng sân bay Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất của sân bay 371 ha, trong đó giai đoạn 1 là 295,2 ha, giai đoạn 2 là 75,8 ha.

Trong giai đoạn 1 (thực hiện từ năm 2021), sân bay Sa Pa được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và là sân bay quân sự cấp II, công suất 1,5 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2 (hoàn thiện, thực hiện sau năm 2028) sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để sân bay đạt công suất 3 triệu khách/năm.

Dự kiến thời gian thực hiện dự án sân bay Sa Pa 50 năm, gồm thời gian xây dựng 4 năm, thời gian khai thác và thu hồi vốn 46 năm.

Dự án chia thành hai thành phần, trong đó dự án giải phóng mặt bằng thực hiện theo hình thức đầu tư công; dự án xây dựng sân bay thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Sơ bộ tổng mức đầu tư 6.948 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.183 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 2.765 tỷ đồng. Tổng vốn nhà nước hơn 2.730 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng; nhà đầu tư huy động 4.218 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1, nhà đầu tư huy động 2.990 tỷ đồng, Nhà nước tham gia hơn 1.193 tỷ đồng, gồm 600 tỷ đồng ngân sách trung ương và hơn 593 tỷ đồng ngân sách địa phương. Giai đoạn 2 nhà đầu tư huy động 1.228 tỷ đồng, vốn nhà nước hơn 1.537 tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Sa Pa; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Theo quy hoạch được phê duyệt mới nhất, công suất Cảng hàng không Sa Pa được nâng lên dự kiến 3 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không Sa Pa có chức năng là cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Cấp sân bay là 4C (theo mã tiêụ chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp П.

Theo đó, đường băng của sân Sa Pa dài 2.400m rộng 45m, lề mỗi bên rộng 7,5m và dải hãm phanh hai đầu kích thước 100m x 60m. Đồng thời dự trữ đất phía nam của đường băng để có thể kéo dài đường băng lên 3.050m giai đoạn sau năm 2030.

Sân bay Sa Pa có khả năng khai thác các loại máy bay như Aibus A320, A321 và tương đương trở xuống với 9 vị trí đỗ máy bay thay vì 5 vị trí như quy hoạch năm 2016. Có dự trữ đất phía nam để có thể mở rộng sân đỗ giai đoạn sau năm 2030.

Sân bay Sa Pa có nhà ga hành khách 2 cao trình, đáp ứng công suất khai thác đến 3 triệu hành khách/nãm. Có dự trữ đất phía nam của nhà ga để có thê xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách giai đoạn sau năm 2030.

Về kết nối giao thông, quy hoạch có đường trục nối từ đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vào Cảng hàng không Sa Pa rộng 6 làn xe. Quy hoạch sân đỗ ôtô đồng bộ cùng nhà ga hành khách, diện tích sân đỗ khoảng 12.000m2. Có dự trữ khoảng 13.000m2 ở phía bắc và phía nam sân đỗ để phát triển mở rộng giai đoạn sau năm 2030./.