Ngày 13/06/2016, Quốc hội khóa XIV đã bắt đầu tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tập trung trả lời chất vấn 3 nhóm chủ đề: 1- Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; 2- Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; 3- Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Tôn Ngọc Hạnh, tỉnh Bình Phước nhận định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp. Cử tri Bình Phước và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh rất phấn khởi với chủ trương của Chính phủ khi triển khai gói tín dụng ưu đãi 100 nghìn tỷ dành cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng trên thực tế việc triển khai gói tín dụng này gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp để các doanh nghiệp hợp tác xã nông nghiệp có thể sớm tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, Bộ trưởng sẽ tham mưu chính sách cụ thể gì để xóa bỏ cơ chế xin, cho hiện nay trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Chính phủ, các thành viên Chính đang phủ tập trung triển khai định hướng của Trung ương, của Quốc hội về việc chuyển dịch nông nghiệp mạnh hơn, nhanh hơn sang hướng nông nghiệp hàng hóa tập trung, với mục tiêu nòng cốt là đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai một gói kích thích cho sản xuất nông nghiệp trị giá 100.000 tỷ đồng để khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã, bà con nông dân tập trung đổi mới, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để chúng ta có những dạng hàng hóa tập trung hơn, phù hợp với thị trường hơn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngay sau khi có chủ trương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành các bộ tiêu chí đánh giá nhóm sản xuất hàng hóa với đối tượng là các doanh nghiệp, các hợp tác xã và các nhóm hộ nông dân. Bên cạnh đó, đã chỉ đạo 8 ngân hàng thương mại với số vốn đăng ký là 120.000 tỷ đưa vào chương trình này. Theo đó, từng đối tượng, từng quy mô, từng vùng sẽ được hưởng lãi suất của ngân hàng với mức chênh so với lãi suất thương mại bình thường trong doanh nghiệp là 0,5- 1,5%. Đến nay, đã giải ngân được hơn 30.000 tỷ đồng cho các dự án, các doanh nghiệp, các khu vực sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Về cơ chế xin cho, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là bất kỳ khu vực nào có điều kiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở tiêu chí đã đưa ra thuộc các phân khúc, các quy mô cấp huyện, cấp tỉnh, vùng trọng điểm đều được áp dụng, chứ không phải xin cho. Còn trong quá trình thực hiện, nếu cần phải xúc tiến đầu tư, giới thiệu thông tin, cần cơ chế phối hợp thì các bộ sẽ sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ.

Bày tỏ quan tâm về tình trạng chất lượng vật tư nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, tỉnh Quảng Bình nêu rõ, chất lượng vật tư nông nghiệp là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, sau vụ 11 đơn vị được Cục trồng trọt chỉ định chứng nhận chất lượng phân bón đã cấp khống, cấp tràn lan giấy chứng nhận chất lượng phân bón, lại đến vụ cấp khống 800 giấy lưu hành thủy sản tại Trung tâm kiểm định trực thuộc Tổng cục Thủy sản. Đây là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chứng tỏ hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng thanh tra, kiểm tra của Bộ còn bị hạn chế, bị buông lỏng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong việc lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo Kết luận thanh tra số 235, Thanh tra Bộ Nông nghiệp đã phát hiện ra 11 trung tâm của Cục trồng trọt vi phạm quy định về thử nghiệm và chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón. Vậy Bộ trưởng đã kỷ luật đối với những cán bộ, công chức này như thế nào và kỷ luật đó có tương xứng với 12 hành vi sai phạm hay không?

Bên cạnh đó, theo đại biểu, vấn đề cốt lõi để chống nạn phân bón giả là phải chuẩn hóa một số loại phân bón cơ bản, phải loại bỏ rất nhiều loại phân bón, không thể để một lúc tồn tại đến 7.000 loại phân bón trên thị trường. Hiện nay việc quản lý phân bón thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vậy khi nào Bộ trưởng sẽ làm được việc này?

Trả lời chất vấn các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tại kỳ trước các đại biểu Quốc hội có nêu ra một vấn đề là việc quản lý phân bón đang bị trùng lắp, giữa 2 bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và hiện nay phân định rõ nhiệm vụ này cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, Bộ Công thương không quản lý nữa.

Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Công thương hoàn thiện nghị định mới về quy định chức năng, nhiệm vụ của 2 bộ và chuyển toàn bộ chức năng này sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chính thức quản lý, hoàn thiện theo đúng một cơ quan. Trong quá trình làm thủ tục, Bộ đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho làm 2 văn bản pháp luật:

Một là, một nghị định mới về quản lý phân bón thay cho Nghị định 202. Trước đây, nghị định 202 này là văn bản pháp lý cao nhất để quản lý phân bón và chia cho 2 bộ. 2 Bộ đã cơ bản hoàn thiện xong Nghị định và sẽ trình trong quý này để Chính phủ thông qua, từ đó để tập trung quản lý.

Hai là, trước tình hình phân bón phức tạp như hiện nay, tình trạng sản xuất giả, lưu hành giả ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xin chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng cho xây dựng một nghị định xử phạt ở lĩnh vực sai phạm về phân bón thành 1 văn bản pháp luật cao nhất trong quản lý ở khu vực này hiện nay. Vấn đề này cũng sẽ được trình trong Quý III.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng, tỉnh Hoà Bình cho rằng, kết quả xây dựng nông thôn mới hiện nay chưa nâng cao được chất lượng cuộc sống của người nông dân một cách thực sự bền vững. Đời sống, thu nhập của người nông dân ở những xã đạt nông thôn mới chưa thực sự được cải thiện nhiều. Một trong những lý do là vấn đề sản xuất nông sản chưa được chú trọng vào chất lượng và thị trường tiệu thụ. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, Bộ trưởng có giải pháp như thế nào để việc sản xuất và tiêu thụ nông sản của người nông dân thực sự gắn liền với phát triển và xây dựng nông thôn mới?

Đại biểu Bùi Thu Hằng (tỉnh Hòa Bình) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thị Hằng, về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng một trong những nội dung cốt lõi đó là đổi mới công tác quản lý sản xuất. Nhìn chung, công tác này hiện nay chưa đạt như mong muốn, đặc biệt phải tổ chức lại sản xuất của nông dân dưới dạng hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ, sản xuất theo chuỗi. Trong giai đoạn năm 2016- 2020, các nơi như Hải Hậu, Thái Bình, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương... đang làm tốt công tác này thì cần phải tập trung tổ chức sản xuất. Đây là một trong những mục tiêu cốt lõi, cùng với đó là mục tiêu về môi trường an sinh. Đây là 3 mục tiêu chúng ta tập trung trong giai đoạn tới.

Quan tâm đến vấn đề dư thừa lợn trong thời gian vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch dự báo phát triển sản phẩm ngành chăn nuôi theo quy hoạch tại Quyết định số 124 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng đàn lợn đến năm 2015 là 32.200.000 con và đến năm 2020 là 34.400.000 con. Nhưng theo số liệu thống kê hàng năm, tức là 01/10 thì năm 2015 tổng đàn lợn mới đạt được 27.750.000 con, tháng 10/2016 tổng đàn lợn mới đạt 29.075.000 con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch mà thị trường đã dư thừa đến hàng chục triệu con lợn và giá thì giảm sút thảm hại, người chăn nuôi thua lỗ nặng, lúng túng trong giải pháp giải cứu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của Bộ về vấn đề này.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Lan, tỉnh Bắc Ninh nhận định, tình hình ngành chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi đặc biệt khó khăn do cung vượt cầu, lượng thịt dư thừa quá lớn dẫn đến giá thịt lợn lao dốc không phanh, đến thời điểm này ngành chăn nuôi đã lỗ đến 50% giá thành, gây thiệt hại quá lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Bộ đã có những giải pháp khá tích cực như tuyên truyền, huy động các lực lượng xã hội tham gia giải cứu lượng lợn dư thừa, đề nghị các địa phương dừng cấp mới các dự án chăn nuôi lợn tránh phá vỡ quy hoạch. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết hiệu quả vấn đề này như thế nào?

Chia sẻ về tình hình nuôi lợn vừa qua, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tình trạng thừa thịt lợn như hiện nay là do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là về sức sản xuất. Sức sản xuất tại nước ta trong những năm vừa qua tăng trưởng quá nhanh, trong hơn 10 năm qua, riêng thịt lợn nói chung đã tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn. Lợn nái từ hơn 2 triệu con bây giờ lên 4,2 triệu con. Lợn sữa tăng 15 lần, từ 511.000 tấn lên 800.000 tấn. Cá nuôi, không kể cá khai thác tăng từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn, cùng với đó là 10 tỷ quả trứng. Cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật, 3 năm gần đây không có dịch bệnh, làm cho sức tăng trưởng của thực phẩm Việt Nam tăng quá nhu cầu trong tại một thời điểm.

Bên cạnh đó, do tổ chức ngành hàng chưa tốt, thể hiện ở 3 điểm: Một là, cho đến nay nước ta vẫn còn tới 3 triệu hộ chăn nuôi và 446 trang trại. Nhưng chúng ta vẫn phải duy trì vì nông dân không biết làm gì ngoài chăn nuôi. Câu hỏi đặt ra là làm sao trong thời gian tới cần phải co lại loại hình này vì chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ như thế thì giá thành sẽ cao và khó kiểm soát. Hai là, chế biến cách xa với sản xuất. Hiện nay chỉ có rất ít doanh nghiệp chế biến từ giống đến chăn nuôi, giết mổ, phân phối, làm cho khâu tiêu thụ hiện nay vẫn trên 90% theo kiểu truyền thống. Vẫn là thịt lợn tươi bán ở phản thịt không phù hợp với những chuyển đổi cơ cấu nhu cầu, cơ cấu tiêu dùng của xã hội. Ba là, về tổ chức thị trường, thực phẩm Việt Nam nói chung, đặc biệt thịt lợn là một trong những ngành hàng yếu nhất, mới xuất khẩu được ở 3 nước, xuất khẩu lợn sữa 1 năm 20.000 tấn, còn lại chủ yếu là ngoại thương tiểu ngạch qua Trung Quốc, còn các thị trường khác vẫn chưa khai thác được. Tóm lại là trong 3 khâu: sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường, tổ chức thị trường, chúng ta mới làm được 1 khâu đầu còn 2 khâu sau rất yếu. Từ tình hình đó dẫn đến hệ lụy như tháng 4 vừa qua, chúng ta đã đạt tới giới hạn cuối cùng của khủng hoảng thừa khi không bán được hàng tại biên giới nữa, lại vào mùa nóng, sức tiêu thụ của thịt lợn giảm đi, nhu cầu thực phẩm khác thay thế dẫn đến tình trạng dư thừa.

Liên quan đến chiến lược phát triển ngành thủy sản đại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nêu rõ, tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam ngày 6/2/2017 Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm và đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD phấn đấu đóng góp khoảng 10% GDP cho cả nước. Vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có giải pháp gì để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những thuận lợi và khó khăn để đạt mục tiêu nêu trên.

Trả lời chất vấn các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đối với chương trình phát triển tôm Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu trước tình hình biến động của khí hậu và trước hội nhập sâu rộng hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là đầu tiên muốn phát triển ngành hàng gì phải xác định có lợi thế về thị trường. Riêng về thị trường tôm hiện nay có lợi thế là trên thế giới có khoảng trên 7 tỷ người thì không có quốc gia nào không ăn tôm, đây là một lợi thế. Với một tiềm năng hiện nay tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn trong khi nhu cầu mỗi năm tăng khoảng 10 cho đến 15% do đó về dư địa phát triển là có.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt được việc này thì vấn đề khó nhất hiện nay là chúng ta phải huy động làm sao lực lượng doanh nghiệp, lực lượng nông dân nuôi trồng liên kết thật chặt chẽ theo vùng quản trị từ khâu giống, thức ăn, chế biến, xuất khẩu. Nếu phân khúc tách rời, lẻ tẻ, ô nhiễm môi trường thì rất khó, chúng tôi cho rằng đây là khâu khó nhất. Vừa qua triển khai tinh thần này của Chính phủ thì Bộ đã xây dựng xong đề án cụ thể cho chương trình phát triển 2 giai đoạn và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ đó, Bộ đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để chính thức giao nhiệm vụ cho các viện nghiên cứu thủy sản giải quyết cho được con tôm giống trong một quá trình. Cụ thể, từ nay đến năm 2020- 2022 cố gắng tập trung vào 2 con tôm sú và tôm thẻ để giải quyết được câu chuyện con giống, chúng ta phải hoàn toàn chủ động để đảm bảo phục vụ cho nhu cầu phát triển chăn nuôi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức phê duyệt một khu phát triển công nghệ cao về con tôm cho tỉnh Bạc Liêu (400ha) trên tinh thần xã hội hóa là chính, các doanh nghiệp tập trung vào khu này để giải quyết tốt câu chuyện con giống, các chế phẩm, các quy trình và trung tâm đào tạo để phục vụ trong chuỗi trong phát triển con tôm của chúng ta.

Đại biểu Quốc hội Đặng Hoài Tân, tỉnh Bình Định cho rằng, để góp phần hiện đại tàu cá, nâng cao hiệu quả sản xuất của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 7. Tuy nhiên, nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và một số tỉnh khác mới xuất xưởng chưa đầy 1 năm, ra khơi mới 1 - 2 chuyến biển mà tàu đã hư hỏng nghiêm trọng. Tình trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của ngư dân và tiến độ trả nợ ngân hàng. Vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ có giải pháp gì chấm dứt tình trạng trên và tạo điều kiện cho các chủ tàu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá trong thời gian tới.

Đại biểu Đặng Hoài Tân (tỉnh Bình Định) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, theo Nghị định 67 về đóng tàu là một chủ trương của Chính phủ để tăng cường nguồn lực đội tàu hiện đại, góp phần vừa tăng sản lượng khai thác, vừa tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền của chúng ta.

Đánh giá chung tình hình thực hiện đến ngày 31/5/2017 với 666 tàu, trong đó đặc biệt có 297 tàu sắt, nhìn chung các chuyến ra khơi của các tỉnh báo cáo về là đều phát huy tác dụng, kể cả về mặt hiệu quả, kể cả về mặt an toàn. Tuy nhiên, hiện nay qua phát hiện thì tình hình xuất hiện một số tàu bị hư hỏng. Cụ thể ở đây có 2 tỉnh: một là tỉnh Bình Định, hai là tỉnh Phú Yên. Tại Phú Yên 2 chiếc hỏng nhẹ, đã khắc phục trong thời gian ngắn thì đi vào hoạt động tiếp tục. Tại tỉnh Bình Định 19 chiếc hỏng, sau khi phát hiện như vậy thì bộ đã tập trung ra 2 văn bản yêu cầu toàn bộ 27 tỉnh, thành rà soát lại toàn bộ. bộ cử ngay Tổng cục Thủy sản vào làm việc cùng với tỉnh. au đó bộ đã thống nhất với tỉnh các biện pháp. 19 tàu này hỏng thuộc 2 công ty. Một là Công ty Đại Nguyên Dương 4 chiếc và Công ty Nam Triệu 15 chiếc, thuộc 2 nhóm: Một là hỏng về máy. Hai là hỏng phần sắt ở boong, các bộ phận trên tàu.

Sau khi có tình hình cụ thể đó, Bộ đã cùng với tỉnh thống nhất quy định bằng các biện pháp. Trước hết là đình chỉ việc chấp nhận hợp đồng đóng mới của 2 công ty để xảy ra tình trạng này, yêu cầu không được đóng mới để tập trung khắc phục ngay hậu quả. Hỏng về máy thì bộ yêu cầu thay máy mới, không sửa chữa gì. Một phương tiện đi biển như thế thì không thể nào sửa chữa được mà phải thay mới. Các tàu hỏng về sắt, thay sắt đúng chủng loại để kịp thời phục vụ cho ngư dân đi biển. Bình Định còn một tàu bị quấn chân vịt. Với tàu còn nằm ở bờ, khi chưa sửa chữa được thì công ty phải có trách nhiệm với người dân khi người dân không có thu nhập những ngày đó.

Phát biểu kết luận Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, nông nghiệp và phát triển nông thôn là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Lĩnh vực này đã được Quốc hội quan tâm giám sát, chất vấn và ban hành nhiều Nghị quyết nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả với mong muốn tiếp tục có những giải pháp đột phá, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong thời gian tới. Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để khắc phục, tập trung vào một số vấn đề như:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ về lĩnh vực lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Triển khai tốt việc rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, khắc phục cơ bản những khó khăn của ngành; gắn với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Thứ hai, trong năm 2017, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch và có lộ trình cụ thể để cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017- 2020, tập trung các giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Hoàn thành việc hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Quyết định số 678/QĐ-TTg, ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí theo dõi đánh giá thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020.

Thứ ba, có giải pháp để tạo sự chuyển biến rõ rệt về tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế để hỗ trợ liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, Phát triển mạnh khâu chế biến, nhất là chế biến sâu. Làm tốt công tác nghiên cứu bảo tồn, nghiên cứu phát triển giống bản địa; tăng cường bảo vệ, bảo đảm môi trường đất, môi trường nước cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đáp ứng yêu cầu trong nước và nước ngoài. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để mở rộng thị trường ngoài nước, củng cố, giữ vững thị trường trong nước.

Thứ tư, trong năm 2017, hoàn thành chuyển giao chức năng quản lý phân bón từ Bộ Công thương sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; làm tốt công tác quản lý, tổ chức sản xuất vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc ban hành nghị định về quản lý phân bón, quy định về thuốc bảo vệ thực vật.

Thứ năm, phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định và có các biện pháp xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý vật tư nông nghiệp.

Thứ sáu, tăng cường công tác điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản; rà soát các quy định, chế tài xử lý vi phạm đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm, kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản vi phạm pháp luật; tăng cường phối hợp giữa Bộ và các địa phương trong quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản. Tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP và có giải pháp khắc phục kịp thời những mặt còn hạn chế trong thời gian vừa qua./.