BOT: Phải công khai minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư
BOT là cần thiết và kịp thời
Trình bày báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc thực hiện các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian qua đã khiến diện mạo về hệ thống giao thông, đặc biệt là hệ thống đường, cầu có sự chuyển biến rõ rệt, phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực hiện các dự án BOT giao thông là một hướng đi đúng đắn song còn nhiều bất cập |
Giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động trên 171.000 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là hơn 154.000 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2%. Đến nay, 55 dự án BOT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác với tổng mức đầu tư gần 138.000 tỷ đồng.
Báo cáo của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cho thấy, các địa phương đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng cho các dự án BOT. Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối cao giữa các vùng miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...).
“Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế và nguồn ODA thu hẹp dần, việc huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, phát triển kinh tế nói chung, đồng thời giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nền kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế, tồn tại từ việc ban hành chính sách đến thực tế triển khai. Theo đó, việc triển khai các chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng chưa có nguyên tắc và thứ tự ưu tiên. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn bất cập. Việc xác định phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý... Đặc biệt, công tác thu phí sử dụng dịch vụ còn nhiều bất cập: Vị trí đặt trạm thu phí và khoảng cách giữa các trạm chưa hợp lý. Khung giá dịch vụ quy định rất rộng, dễ dẫn đến tiêu cực.
“Khoảng cách đặt trạm thu phí và mức thu phí là khởi nguồn dẫn tới mọi phản ứng của người dân. Dẫn chứng về vụ việc người dân dùng tiền lẻ trả phí gây ách tắc giao thông tại Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) những ngày gần đây, đề nghị cần làm rõ thêm vấn đề này, nêu rõ nguyên nhân và cách khắc phục để tránh tái diễn.”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chỉ rõ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quá trình tham vấn về vị trí trạm thu phí chưa lấy ý kiến người dân gần trạm, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đối tượng thường xuyên sử dụng đường... khiến người dân bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua. Đặc biệt, nhiều trường hợp phí tăng nhưng chất lượng công trình xuống cấp nghiêm trọng, khiến người dân phải trả chi phí cho chất lượng dịch vụ không tương xứng.
Để hình thức đầu tư BOT phát huy hiệu quả
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xin tiếp thu những ý kiến, kiến nghị đã nêu trong Báo cáo giám sát của Thường vụ Quốc hội, ý kiến các đại biểu phát biểu tại cuộc họp. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đồng thời phát huy hiệu quả của hình thức hợp đồng BOT trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Cụ thể là:
Một là, tập trung rà soát lại chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của từng lĩnh vực (đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, hàng không…) của quốc gia, khu vực, thậm chí của các địa phương. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như phù hợp với nguồn lực của nền kinh tế trong từng giai đoạn.
“Việc kế hoạch hóa đầu tư đang là khâu yếu nhất hiện nay, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đầu tư phong trào, tràn lan, dàn trải, gây lãng phí nguồn lực”, Phó Thủ tướng nói.
Hai là, hoàn thiện thể chế về đầu tư xây dựng (trong đó có nhiều luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây Dựng, Luật Giao thông Vận tải, Luật Bảo vệ môi trường…). Đặc biệt là, cần nhanh chóng xây dựng, ban hành Luật Đối tác Công - Tư để tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Ba là, lựa chọn các dự án ưu tiên về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và chuẩn bị cho giai đoạn 2020-2030.
“Từ nay đến năm 2020, phải cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc quan trọng từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Giai đoạn 2020-2025 có thể làm một số đoạn ưu tiên của đường sắt tốc độ cao; sân bay quốc tế Long Thành. Cần phải xác định rõ thứ tự ưu tiên” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bốn là, tăng cường kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải từ khâu lập, thẩm định, quyết định đầu tư đến thực hiện đầu tư, khai thác… Yêu cầu đặt ra là phải tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư của từng dự án để làm cơ sở đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, cơ sở để tính giá phí, bố trí trạm thu phí, thời gian thu phí… Nếu tính đúng, tính đủ thì sẽ có mức giá hợp lý, từ đó đảm bảo được quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân.
Năm là, công khai minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Chính phủ yêu cầu cầu phải đầu thầu công khai lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu triển khai thực hiện dự án.
Sáu là, xây dựng cơ chế để huy động các nguồn vốn đầu tư. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài tiêu chí chính sách, môi trường đầu tư phải minh bạch, rõ ràng. Thông thường họ sẽ yêu cầu Chính phủ phải bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh vay vốn… Đây đều là các yêu cầu “quá sức” bởi quy định pháp luật hiện nay chưa cho phép, do đó chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp thực sự mong muốn đầu tư dù nhìn thấy cơ hội. Để tháo điểm nghẽn này, kiến nghị Quốc hội cho thí điểm các chính sách để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn của nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách huy động vốn của các tổ chức tín dụng cho phát triển hạ tầng giao thông; các chính sách đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước để hỗ trợ cho việc giảm thời gian thu phí của các dự án.
Bảy là, tăng cường việc kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện đầu tư; các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; quy hoạch các mỏ vật liệu xây dựng cho các dự án; có giải pháp hiệu quả để kiểm soát chất lượng công trình.
Tám là, quản lý tốt công tác khai thác, sử dụng các công trình giao thông bằng hình thức BOT; quản lý việc thu phí, kiểm soát giá phí phù hợp; xử lý kịp thời tranh chấp giữa người dân và nhà đầu tư.
Chín là, tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng bằng hình thức BOT, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân liên quan./.
Bình luận