Bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2016 – triển vọng năm 2017
Những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong năm 2016
Trong cả năm 2016, thiên tai xảy ra liên tục với mức độ khốc liệt. Đợt rét đậm, rét hại xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây ra thiệt hại lớn cho sản xuất. Tiếp theo đó là hạn hán khốc liệt tại các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục trong vòng 100 năm qua ở Đồng bằng sông Cửu Long – Vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tăng trưởng âm của toàn ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm.
Những tháng cuối năm, 8 tỉnh Nam Trung bộ hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử với lượng mưa lên đến 2.300mm - 2.700mm. Theo nhận định của các chuyên gia, chưa bao giờ khu vực Nam Trung bộ xảy ra tình trạng mưa dồn dập, lượng mưa rất lớn và diễn ra trên diện rộng như vậy.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, trong năm 2016 thiên tai đã gây ra thiệt hại rất lớn (kể cả người và tài sản). Chỉ riêng đợt hạn, mặn trong những tháng đầu năm 2016 đã khiến 1 triệu người thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, 300.000 ha lúa giảm năng suất từ 30%-80%, nhiều diện tích phải bỏ không hoặc có gieo trồng, nhưng năng suất giảm nhiều. Toàn vụ Đông xuân cả nước đã gieo trồng được 3,08 triệu ha, giảm 30 nghìn ha (-1%); Năng suất đạt 63 tạ/ha, giảm 3,5 tạ/ha (-5,3%), sản lượng chỉ đạt 19,40 triệu tấn, giảm 1,29 triệu tấn (- 6,2%). Trong đó riêng vùng ĐBSCL sản lượng đạt 10 triệu tấn, giảm 1,14 triệu tấn (-10,2%). Tính chung diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 7,79 triệu ha, giảm 40 nghìn ha (-0,5%); năng suất ước đạt 56 tạ/ha, giảm 1,6 tạ/ha (-2,8%), là mức giảm năng suất khá sâu so với mức biến động hàng năm, dẫn đến sản lượng lúa cả năm ước đạt 43,6 triệu tấn, giảm 1,5 triệu tấn (-3,3%), trong đó sản lượng lúa tại khu vực ĐBSCL đạt 24,2 triệu tấn, giảm 1,37 triệu tấn (-5,4%).
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng số người chết trong năm 2016 do thiên tai là 253 người, tổng số tiền bị thiệt hại là 39.000 tỷ đồng, 700.000 ha lúa và hoa màu, 400.000 ha cây ăn quả, 1.410 tàu thuyền bị chìm và phá hủy.
Sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung gây tác động lớn, lâu dài đến sinh kế của các hộ dân làm nghề đánh bắt hải sản, dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt hải sản, kinh doanh dịch vụ du lịch… tại các tỉnh bị ảnh hưởng; gây tâm lý lo ngại và ảnh hưởng đến tiêu thụ hải sản trong nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh có môi trường biển bị ảnh hưởng.
Thị trường xuất khẩu nông sản trong năm 2016 cũng có nhiều khó khăn do phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe; cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản. Về giá cả, ngoài giá gạo, hạt điều tăng nhẹ (gạo tăng khoảng 5,5% so với năm 2015; hạt điều tăng 12,3%), hầu hết các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu khác của Việt Nam đều giảm: hồ tiêu giảm 16%, sắn và sản phẩm sắn giảm 15,1%; cà phê giảm 6%, chè các loại giảm 2,6%, giá cao su nhiều năm đã ở mức thấp nhưng vẫn tiếp tục giảm khoảng 1,5%...
Năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân
Một số kết quả đạt được của nông nghiệp Việt
Phục hồi tăng trưởng sau 2 quý đầu tăng trưởng âm, cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,18%. Tuy nhiên, với những nỗ lực của Chính phủ và toàn ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp đã từng bước phục hồi, quý sau tăng cao hơn quý trước. Tốc độ tăng GDP toàn ngành cả năm đạt khoảng 1,36%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) tăng 1,44%, trong đó: Trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thuỷ sản tăng 2,91%. Đây là kết quả quan trọng, khẳng định sự chỉ đạo, điều hành kế hoạch là đúng hướng, kịp thời.
Số hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhanh. Tính chung cả giai đoạn 2006-2016 số hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 10,9% tương đương 1,14 triệu hộ, trong đó riêng 5 năm gần đây số hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,05 triệu hộ. Từ năm 2011 đến năm 2016, bình quân mỗi năm giảm hơn 200 nghìn hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Về cơ cấu kinh tế nội ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản trong toàn ngành tăng từ 22,64% năm 2015 lên 22,94% năm 2016; Lâm nghiệp tăng từ 3,09% lên 3,24%; Nông nghiệp giảm từ 74,26% xuống 73,29%. Riêng trong nội ngành nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi tăng từ mạnh từ 25,7% năm 2015 lên 26,8% trong năm 2016.
An toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm và có chuyển biến tích cực
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 13/CT-TTg, ngày 09/05/2016 về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Qua đó, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã từng bước được nâng lên.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả giám sát an toàn thực phẩm trong năm cho thấy, năm 2016 đã hoàn thành: tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm chất cấm Salbutamol chỉ là 6/1.345 mẫu (chiếm 0,44%), đặc biệt trong 06 tháng cuối năm (từ tháng 7-12) không phát hiện Salbutamol trong các mẫu thịt kiểm nghiệm; tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vượt mức giới hạn cho phép là 12/293 mẫu (chiếm 4,1%), giảm so với năm 2015 (7,76%). Kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại cho thấy tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đã tăng lên 91,68%, tăng 12,4% so với năm 2015 (81,6%), vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2016 là tăng 10% so với 2015.
Hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp đã có bước chuyển biến mạnh, bước đầu hình thành xu thế đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, số lượng hợp tác xã (HTX) tiếp tục tăng, trung bình tăng 321 HTX/năm. Đã xuất hiện ngày càng nhiều HTX hoạt động theo luật, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Đến nay, cả nước có 18 liên hiệp HTX nông nghiệp và 10.854 HTX nông nghiệp với hơn 5,2 triệu thành viên HTX nông nghiệp; bình quân có 483 thành viên/ HTX; trên 100.000 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; có 29.853 trang trại với giá trị nông sản hàng hóa bình quân một trang trại đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Về thu hút đầu tư tư nhân, phát triển doanh nghiệp: Nghị định 210/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 về chính sách thu hút tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được thực hiện. Đến nay, đã có rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước đã quan tâm tham gia vào tái cơ cấu nông nghiệp trực tiếp đầu tư vào các chuỗi nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ và trở thành những đầu tầu về sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao ở nhiều địa phương (Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao đã ra đời với hơn 200 thành viên là các công ty, tập đoàn lớn trong nước).
Nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia (Cargill Inc., Cisco Vietnam, DuPont Vietnam, METRO Cash & Carry Vietnam, Nestlé, PepsiCo Vietnam, Monsanto Vietnam, Syngenta Asia Pacific, Unilever Vietnam, Yara International...) cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các mô hình đối tác công - tư từ sản xuất đến tiêu thụ đối với rau, hoa quả; cà phê, chè, thuỷ sản và nhiều nhóm hàng hoá nông sản khác.
Xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng cao
Trong bối cảnh có nhiều bất lợi cho sản xuất, tình hình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục đúng hướng, một số mặt hàng chủ lực có lợi thế được quan tâm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tiếp tục tăng mạnh, ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD (bao gồm cả gỗ và sản phẩm gỗ), tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Có 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên (thủy sản, cao su, cà phê, tiêu, sắn và sản phẩm sắn, rau quả, gạo, chè các loại, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ).
Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao, như: cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,9%... đặc biệt là mặt hàng rau quả lần đầu tiên đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD vượt qua mặt hàng gạo, tăng 31,2% so với năm 2015.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản năm 2016 đạt khoảng 32,1 tỷ USD (bao gồm cả gỗ và sản phẩm gỗ)
Còn nhiều tồn tại, hạn chế
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đã được nhận định trong thời gian dài, nhưng chậm được khắc phục. Đó là tình trạng lưu thông, sử dụng các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, tuy đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn những vụ việc gây bức xúc trong xã hội. Riêng tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép năm 2016 là tăng so với năm trước (chiếm 3,68% tăng 2,24% so với năm 2015).
Công tác cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện còn chậm; quá trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong xem xét giải quyết các vấn đề của nhà đầu tư còn chậm, hiệu quả chưa cao. Một số tiêu cực trong quản lý nhà nước về quản lý chất lượng làm ảnh hưởng đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn chưa chặt chẽ, thiếu chế tài hiệu lực và hiệu quả.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp còn chậm, chưa thực sự rõ nét, chưa thực sự gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất tạo mô hình sản xuất hàng hóa tập trung chưa đủ mạnh và rõ nét. Mặc dù sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đem lại hiệu quả sản xuất cao, tuy nhiên hiện nay quy mô sản xuất của cánh đồng lớn so với tổng diện tích gieo trồng của cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,9%. Tốc độ nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn còn chậm, số hộ tham gia phong trào vẫn còn thấp. Năm 2016 cả nước có khoảng 619 nghìn hộ tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Bình quân số hộ tham gia một cánh đồng lớn là 274 hộ/cánh đồng, trong đó cao nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (375 hộ/cánh đồng); thấp nhất ở khu vực Đông Nam bộ (50 hộ/cánh đồng).
Ngoài ra, mối liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Hiện nay, tỷ lệ diện tích gieo trồng theo mô hình cánh đồng lớn được ký hợp đồng bao tiêu trước khi sản xuất của cả nước trung bình đạt 29,2%, trong đó có đến 12/48 tỉnh có tỷ lệ này đạt 100%, 9/48 tỉnh đạt dưới 10%. Chưa tạo được những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc gia, giá trị gia tăng cao.
Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của ngành (lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp rất ít, chiếm khoảng 1% cả nước). Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bị cắt giảm gây khó khăn trong thực hiện các mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất của ngành.
Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2017
Tại Nghị quyết số 23/2016/QH14, ngày 07/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, định hướng phát triển ngành nông nghiệp là “Tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, sử dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm”. Để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện quyết liệt, có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, thực hiện tốt các quy định về bảo đảm chất lượng nông sản; bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh. Rà soát và thực hiện tốt các quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh.
Hai là, đầu tư nâng cao năng lực hệ thống khảo, kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra; Quyết liệt trong việc ngăn chặn chất cấm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong nông sản.
Ba là, cải cách thủ tục hành chính: Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến phí, lệ phí, chế độ kế toán và tăng mức độ tin cậy (đơn giản hoá) các báo cáo tài chính.
Bốn là, khuyến khích và thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất nhằm tạo quy mô sản xuất lớn trong nông nghiệp thông qua việc dồn điền đổi thửa và xóa bỏ hạn điền đối với các loại đất nông nghiệp, phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp. Rà soát các quy hoạch sản xuất, quy hoạch hạ tầng phục vụ sản xuất để thích ứng lâu dài với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ sẽ diễn ra với tần suất cao và mức độ thường xuyên hơn.
Năm là, Nhà nước cần có những chính sách thu hút phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, rủi ro trong sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, cụ thể cần tập trung hoàn thiện các giải pháp xử lý tranh chấp để thực hiện hợp đồng kinh tế, giúp doanh nghiệp có thể yên tâm hơn đầu tư vào nông nghiệp vốn rất rủi ro.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm bố trí vốn ngân sách địa phương (2-5%) để thực hiện theo quy định của Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn để tăng cường khả năng cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng, đặc biệt các nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Cùng với việc sửa đổi Nghị định 210, để hỗ trợ làn sóng khởi nghiệp trong nông nghiệp, Ngành phải tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh bảo đảm thực hiện nhất quán nguyên tắc hiến định và luật định là ”người dân và doanh nghiệp được quyền tự do đầu tư kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm”. Đối với các điều kiện kinh doanh phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư và chỉ quy định các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi liên quan đến các lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng./.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2016). Nghị quyết số 23/2016/QH14, ngày 07/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016). Báo cáo Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tháng 10/2016
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016). Báo cáo Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2016, tháng 12/2016
3. Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai (2016). Báo cáo tổng hợp tình hình thiệt hại năm 2016, tháng 12/2016
4. Tổng cục Thống kê (2016). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016
Bình luận