Các nhân tố tác động đến ý định sử dụng dịch vụ viễn thông 5G của người dân ở Việt Nam
Từ khóa: dịch vụ viễn thông 5G, thế hệ truyền thông thứ năm, công nghiệp viễn thông, công nghệ 5G
Summary
This study aims to examine the factors affecting the intention to use 5G telecommunications services of people in Vietnam. Research results show that there are 5 factors that positively affect the intention to use 5G services in descending order, including: Social influence; Personal innovativeness; Service costs; Perceived Compatibility and Perceived Usefulness. The research results contributes to evaluating and measuring the feasibility, proposing solutions and recommendations to develop and increase the acceptance of 5G services in the future in Vietnam.
Keywords: 5G telecommunications services, fifth generation communication, telecommunications industry, 5G technology
GIỚI THIỆU
Sự ra đời của thế hệ truyền thông thứ năm (5G), được xem như là một cuộc cách mạng to lớn trong ngành công nghiệp viễn thông hiện đại của thế giới. Ngoài những dịch vụ truyền thống, mạng 5G còn có thể được ứng dụng trong các công nghệ hiện đại, như: trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, nhà thông minh, thành phố thông minh... Ở Việt Nam, mạng di động 5G được Tập đoàn Viettel chính thức thử nghiệm tại Hà Nội vào tháng 11/2020. Ngày 31/8/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông mặt đất 5G”. Điều đó cho thấy, sự quan tâm và sẵn sàng của Việt Nam trong việc triển khai 5G. Hiện nay, chuyển đổi số đang là một xu thế tất yếu không chỉ ở nước ta, mà trên toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, để có thể đạt được những mục tiêu đề ra và vượt qua những thách thức. Bởi vậy, việc hoàn thiện và triển khai công nghệ 5G ở Việt Nam một lần nữa được khẳng định tầm quan trọng và tính cấp thiết.
Trong khi các nghiên cứu về công nghệ 5G thu hút được khá nhiều các bài nghiên cứu nước ngoài, thì các nghiên cứu trong nước về ý định sử dụng công nghệ 5G còn khá ít, hầu hết là nghiên cứu trong doanh nghiệp và áp dụng công nghệ cao. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ viễn thông 5G của người dân tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao ý định và sự chấp nhận sử dụng công nghệ 5G của người dân, để nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Theo Ajzen (1991), ý định sử dụng được định nghĩa là mức độ khả năng mà một người nào đó sẽ sử dụng các hàng hóa, dịch vụ trong tương lai. Ý định sử dụng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi, nó thúc đẩy cá nhân sẵn sàng thực hiện hành vi và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thái độ, chuẩn mực chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi. Ý định tham gia vào một hành vi càng mạnh, thì khả năng thực hiện hành vi đó càng cao. Theo nghiên cứu của Venkatesh và cộng sự (2003), ý định sử dụng được cho là nhận thức về khả năng thực hiện một hành động cụ thể và là chỉ dẫn tốt cho hành vi trong thực tế.
Trong tất cả các lý thuyết, mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) được coi là lý thuyết có ảnh hưởng nhất và thường được sử dụng để mô tả sự chấp nhận hệ thống thông tin của một cá nhân (Lee, Y., Kozar, K. và Larsen, K., 2003). TAM cơ bản giải thích và dự đoán ý định sử dụng bởi chỉ hai nhân tố chính, gồm: Tính hữu ích cảm nhận và Tính dễ sử dụng cảm nhận.
Tính hữu ích cảm nhận đề cập đến mức độ mà một cá nhân tin rằng, việc sử dụng một công nghệ cụ thể sẽ đem lại lợi ích cho họ, như: nâng cao hiệu suất công việc của họ, tiết kiệm thời gian (Davis, 1989; Venkatesh và cộng sự, 2003). Một số nghiên cứu trước đây cho rằng, Tính hữu ích cảm nhận là một nhân tố quan trọng đối với ý định sử dụng công nghệ.
Tính dễ sử dụng cảm nhận là sự nhận thức của một cá nhân trong việc tin rằng, sử dụng dịch vụ công nghệ một cách thoải mái và không cần nhiều nỗ lực (Davis, 1989).
Tính đổi mới cá nhân phản ánh mức độ sẵn sàng thử nghiệm, tiên phong sử dụng ý tưởng, sản phẩm mới sớm hơn tương đối của cá nhân so với những người xung quanh (Rogers, 1995).
Khả năng tương thích cảm nhận được định nghĩa là mức độ mà một sự đổi mới được coi là phù hợp với các giá trị, nhu cầu hiện có và kinh nghiệm trong quá khứ của những người chấp nhận tiềm năng (Moore và Benbasat, 1991). Chan và Lee (2021) trong nghiên cứu về sự chấp nhận phương tiện tự hành kết nối 5G, đã kiểm định sự tác động của khả năng tương thích cảm nhận tới ý định sử dụng của người dân. Khả năng tương thích cảm nhận đã được chứng minh có tác động dương và tương đối lớn tới ý định hành vi. Cùng với đó, kết quả được các nghiên cứu trước đây chỉ ra đều thể hiện rằng, nhân tố này có tác động tích cực đến ý định sử dụng công nghệ.
Ảnh hưởng xã hội được định nghĩa là mức độ mà một cá nhân nhận thấy rằng, những người mà quan trọng đối với họ tin rằng, họ nên sử dụng hệ thống mới (Venkatesh và cộng sự, 2003). Theo Lopez-Nicolas và cộng sự (2008), người tiêu dùng trẻ thường dễ bị tác động bởi môi trường, quyết định của họ về việc áp dụng một số công nghệ nhất định có thể bị ảnh hưởng bởi vai vế và ý kiến của các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên và bạn học của họ.
Chi phí dịch vụ là số lượng tiền phải trả cho một hàng hóa, một dịch vụ hay một tài sản nào đó. Người dùng sẽ sẵn sàng chi trả một mức giá phù hợp với những gì họ nhận được từ sự thỏa mãn dịch vụ (Polatoglu và Ekin, 2001).
Mô hình nghiên cứu đề xuất
Khảo lược các nghiên cứu có liên quan, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.
Hình: Mô hình các nhân tố tác động đến ý định sử dụng dịch vụ viễn thông 5G của người dân Việt Nam
Nguồn: Đề xuất của tác giả |
Các giả thuyết nghiên cứu được trình bày như sau:
H1: Tính hữu ích cảm nhận (HI) có tác động tích cực đến Ý định sử dụng dịch vụ 5G.
H2: Tính dễ sử dụng cảm nhận (SD) tác động tích cực đến Ý định sử dụng dịch vụ 5G.
H3: Tính đổi mới cá nhân (DM) có tác động tích cực đến Ý định sử dụng dịch 5G.
H4: Khả năng tương thích cảm nhận (TT) có tác động tích cực đến Ý định sử dụng dịch vụ 5G.
H5: Ảnh hưởng xã hội (XH) có tác động tích cực đến Ý định sử dụng dịch vụ 5G.
H6: Chi phí dịch vụ (CP) có tác động tích cực đến Ý định sử dụng dịch vụ 5G.
Phương pháp nghiên cứu
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập bằng cách gửi phiếu khảo sát qua Google doc tới 657 người trong độ tuổi từ 18 đến 59 đang sử dụng dịch vụ viễn thông tại các tỉnh và thành phố trên cả nước trong tháng 4/2022. Ngoài ra, dữ liệu nghiên cứu còn được thu thập thông qua phỏng vấn sâu 3 người dùng, để có cái nhìn đầy đủ hơn trong việc phát hiện, lý giải và làm sáng tỏ các kết quả nghiên cứu. Từ 624 phiếu thu về hợp lệ, dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS. Các biến quan sát trong mô hình nghiên cứu được đo lường bằng thang đo Likert 5 mức độ với: 1 - Hoàn toàn không đồng ý, đến 5 - Rất đồng ý.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha
Kết quả kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha cho thấy, các biến quan sát có sự tương quan tốt với tổng thể thang đo. Hệ số Cronbach’s Alpha của các thang đo đều có giá trị > 0,8 cho thấy, các thang đo của mô hình đảm bảo độ tin cậy tốt. Không có biến quan sát nào bị loại và thang đo phù hợp sử dụng cho phân tích nhân tố khám phá (EFA).
Phân tích EFA
Kết quả phân tích EFA có hệ số KMO = 0,891; Sig. = 0,00 cho thấy, các biến độc lập, phụ thuộc đều có tính hội tụ, biểu diễn tốt các biến quan sát trong thang đo, các biến quan sát không có tương quan với nhau trong tổng thể và dữ liệu dùng để phân tích EFA là hoàn toàn phù hợp. Tất cả 27 biến quan sát đã trích ra được 6 nhân tố với giá trị Eigenvalue > 1, tổng phương sai trích là 85,857%.
Phân tích hồi quy
Kết quả phân tích hồi quy ở Bảng cho thấy, giá trị Sig. của các nhân tố (trừ nhân tố Tính dễ sử dụng cảm nhận) đều < 0,05. Vậy nên, có thể khẳng định, các nhân tố, gồm: Tính đổi mới cá nhân; Tính hữu ích cảm nhận; Khả năng tương thích cảm nhận; Ảnh hưởng xã hội và Chi phí dịch vụ đều tác động thuận chiều đến Ý định sử dụng và chấp nhận các giả thuyết H1, H3, H4, H5, H6 và bác bỏ giả thuyết H2. Hệ số beta của tất cả các nhân tố đều dương, có nghĩa là các nhân tố có tác động tích cực đến Ý định sử dụng dịch vụ viễn thông 5G, trong đó, nhân tố tác động mạnh nhất là Ảnh hưởng xã hội (β = 0,374), tiếp theo lần lượt là các nhân tố: Tính đổi mới cá nhân (β = 0,265); Chi phí dịch vụ (β = 0,264); Khả năng tương thích cảm nhận (β = 0,170), và thấp nhất là Tính hữu ích cảm nhận (β = 0,057).
Bảng: Kết quả phân tích hồi quy | ||||||
Mô hình | Hệ số chuẩn hóa | t | Sig. | Thống kê cộng tuyến | ||
Beta | Độ chấp nhận | VIF | ||||
1 | (Hằng số) |
| -0,676 | 0,499 |
|
|
HI | 0,057 | 2,115 | 0,035 | 0,896 | 1,116 | |
SD | 0,047 | 1,404 | 0,161 | 0,588 | 1,701 | |
DM | 0,265 | 8,131 | 0,000 | 0,619 | 1,616 | |
TT | 0,170 | 4,795 | 0,000 | 0,524 | 1,910 | |
XH | 0,374 | 11,837 | 0,000 | 0,661 | 1,512 | |
CP | 0,264 | 7,778 | 0,000 | 0,572 | 1,748 | |
Biến phụ thuộc: YD |
Nguồn: Kết quả phân tích số liệu khảo sát
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố tác động tích cực đến Ý định sử dụng dịch vụ 5G theo thứ tự giảm dần, gồm: (i) Ảnh hưởng xã hội; (ii) Tính đổi mới cá nhân; (iii) Chi phí dịch vụ; (iv) Khả năng tương thích cảm nhận; (v) Tính hữu ích cảm nhận.
Khuyến nghị giải pháp
Từ kết quả nghiên cứu, để phát triển dịch vụ 5G nói riêng, cũng như tăng sự chấp nhận dịch vụ công nghệ viễn thông nói chung tại Việt Nam với một lượng lớn khách hàng tiềm năng, cần chú ý và tập trung phát triển các yếu tố sau: Ảnh hưởng xã hội; Tính hữu ích cảm nhận; Tính đổi mới cá nhân; Chi phí chuyển đổi; Khả năng tương thích cảm nhận.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông
Một là, gia tăng sự ảnh hưởng của xã hội tới ý định sử dụng dịch vụ viễn thông 5G của mỗi người dân trên cơ sở thúc đẩy truyền thông về dịch vụ thông qua nhiều phương tiện khác nhau, như: truyền hình, báo và tạp chí, đặc biệt là mạng xã hội. Phát động những buổi workshop, họp báo, để cùng trao đổi và giải đáp trực tiếp các thắc mắc của người dân. Khởi động các chương trình chạy thử, dùng thử, như: vui chơi có thưởng, khảo sát có quà, hoặc giới thiệu bạn bè, người dân cùng tham gia sẽ được cộng điểm, chia sẻ bài viết trên facebook sẽ được nhận quà từ các nhà mạng... Các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị điện thoại di động, để tìm ra giải pháp đồng bộ hóa thiết bị 5G cho toàn dân, phối hợp đưa ra những chương trình ưu đãi mua trả góp, tích điểm để khuyến khích và kích cầu người sử dụng.
Hai là, nâng cao tư duy đổi mới và chấp nhận công nghệ mới của người dân Việt Nam. Phối hợp với các đơn vị liên quan để có thể phát động phong trào và tổ chức các cuộc thi mang chủ đề chuyển đổi số, công nghệ dịch vụ viễn thông. Từ đó, gia tăng năng lực đổi mới của những người tham gia. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cũng nên kết hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp để có thể triển khai dịch vụ viễn thông 5G trong phạm vi doanh nghiệp, tăng cường trải nghiệm cho người dân, thúc đẩy họ trong việc tìm tòi và áp dụng công nghệ mới trong công việc.
Ba là, đảm bảo chi phí dành cho dịch vụ phù hợp với thu nhập của người dân kết hợp với các chương trình khuyến mãi. Các nhà cung cấp dịch vụ 5G cần giảm tối đa chi phí lắp đặt hạ tầng vận hành, để có thể giảm giá thành và khuyến khích người dùng sử dụng. Các tổ chức này cũng cần kết hợp với các nhà cung cấp điện thoại di động, để đưa ra những chương trình khuyến mãi lớn, trả góp, tích điểm hàng tháng; gói cước gia đình, sinh viên... để thu hút người dùng sử dụng. Bên cạnh đó phải đảm bảo uy tín, chất lượng dịch vụ đúng như người sử dụng kỳ vọng, cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng để người dùng nhận được sự chăm sóc, tư vấn xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra.
Bốn là, nâng cao tính tương thích của dịch vụ viễn thông 5G với lối sống của người dân. Mở ra các gói cước ưu đãi lớn kết hợp với nhiều dịch vụ, như: truyền hình tivi, thanh toán trực tuyến, mua sắm online…, để hỗ trợ người dùng trong đời sống sinh hoạt và công việc. Tiếp tục tăng cường các dịch vụ chia sẻ dữ liệu với hội, nhóm khi đăng ký chung.
Năm là, đảm bảo chất lượng của dịch vụ viễn thông 5G. Bảo đảm tính ưu việt vượt trội của 5G, đây là lựa chọn tối ưu của dịch vụ internet không dây, dễ dàng sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Để cải thiện tốc độ truy cập, cần không ngừng mở rộng băng thông; xây dựng các cột, trạm phát sóng rộng khắp cả nước, để sóng 5G có thể len lỏi tới từng ngóc ngách, từng khu vực. Cũng cần cải thiện chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc trực tiếp, tư vấn nhanh chóng các gói dịch vụ đi kèm với dịch vụ 5G, như: dịch vụ truyền hình, thương mại điện tử, giao dịch thanh toán điện tử...
Đối với Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cấp có liên quan
Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý về quy chuẩn quốc gia của mạng viễn thông 5G và các quy định trong việc khai thác mạng viễn thông này của các tập đoàn đang cung cấp dịch vụ viễn thông di động. Việc này giúp cho các tập đoàn có định hướng triển khai một cách rõ ràng hơn, đảm bảo được chất lượng đối với dịch vụ viễn thông 5G, từ đó người dân có thể tiếp cận được dịch vụ tốt nhất.
Thứ hai, tăng cường truyền thông tới người dân về địch vụ viễn thông 5G. Do những ảnh hưởng to lớn đến từ xã hội mà Chính phủ có thể đẩy mạnh các công tác truyền thông về công nghệ 5G thông qua nhiều kênh khác nhau, như: truyền hình, đài phát thanh, báo và các ấn phẩm tạp chí, đặc biệt là mạng xã hội.
Thứ ba, nâng cao năng lực đổi mới, áp dụng công nghệ mới của người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông cần kết hợp với các đơn vị có liên quan phát động và tổ chức các cuộc thi dành cho doanh nghiệp, người dân tìm hiểu và nâng cao năng lực sử dụng công nghệ trong thời đại mới.
Thứ tư, Chính phủ cần ban hành những chính sách hỗ trợ các tập đoàn cung cấp dịch vụ viễn thông 5G, để có giá cả dịch vụ tốt hơn đối với người dân./.
Tài liệu tham khảo
1. Ajzen, I. (1991), The theory of planned behavior, Organizational behavior and human decision processes, 50(2), 179-211.
2. Chan, and Lee (2021), 5G Connected Autonomous Vehicle Acceptance: The Mediating Effect of Trust in the Technology Acceptance Model, Asian Journal of Business Research, 11(1), 6-17.
3. Davis, Bagozzi, and Warshaw (1989), User Acceptance of Computer Technology: A Comparison of Two Theoretical Models, Management Science, 35(8), 982-1003.
4. Davis, F. (1989), Perceived Usefulness, Perceived Ease of Use, and User Acceptance of Information Technology, MIS Quarterly, 13, 319-340.
5. Lee, Y., Kozar, K., and Larsen, K. (2003), The Technology Acceptance Model: Past, Present, and Future, Communications of the Association for Information Systems, 12, 752-780.
6. Lopez-Nicolas, c., and Jose Molina-Castillo, F. (2008), Customer knowledge management and e-commerce: The role of customer perceived risk, International Information Management, 28(2), 102-113.
7. Moore, G.C., and Benbasat, I. (1991), Development of an Instrument to Measure the Perceptions of Adopting an Information Technology Innovation, Information Systems Research, 2(3), 192-222.
8. Polatoglu, V., and Ekin, S. (2001), An Empirical Investigation of the Turkish Consumers’ Acceptance of Internet Banking Services, International Journal of Bank Marketing, 19, 156-165.
9. Rogers, E.M. (1995), Diffusion of Innovations, the Free Press, New York, USA.
10. Venkatesh, V., Morris, M. G., Davis, G. B., and Davis, F. D. (2003), User acceptance of information technology: Toward a unified view, MIS quarterly, 27(3), 425-478.
TS. Trần Thị Hồng Việt
Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)
Bình luận