Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2021 và các năm tiếp theo.

Toàn cảnh Hội thảo

Nỗ lực cải cách và những quả ngọt

Từ năm 2014, hàng năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (những năm đầu là Nghị quyết 19/CP và từ năm 2019 là Nghị quyết 02/CP) với các mục tiêu, giải pháp rất cụ thể, bám sát vào các bộ chỉ số của các tổ chức quốc tế có uy tín.

Phó Viện trưởng CIEM, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, các Nghị quyết 19 và 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Chính phủ liên tục ban hành từ năm 2014 tới nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, các Nghị quyết 19 và 02 được xây dựng với cách tiếp cận cải cách dựa trên chuẩn mực quốc tế, dựa vào đánh giá quốc tế để tạo động lực cải cách trong nước; mục tiêu và vấn đề trọng tâm được điều chỉnh, bổ sung hàng năm.

Nghị quyết 02/CP năm 2020 được xây dựng dựa trên 7 bộ chỉ số với trên 200 tiêu chí đo lường chi tiết liên quan tới hầu hết các lĩnh vực, các ngành, các cấp và có phân công cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm cho từng nhóm tiêu chí; thậm chí từng tiêu chí.

Phần lớn các chỉ số được đánh giá định kỳ 1 năm hoặc 2 năm của các tổ chức quốc tế đều ghi nhận sự tiến bộ rõ về điểm số tuyệt đối và cải thiện thứ hạng của Việt Nam.

Trực tiếp nhất là thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 20 bậc, từ thứ 90 năm 2015 lên thứ 70 năm 2019. Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 1 bậc từ thứ 56 năm 2015 lên thứ 55 năm 2017. Năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc, từ thứ 75 năm 2015 lên thứ 63 năm 2019. Xếp hạng Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, từ thứ 64 năm 2016 lên thứ 39. Xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc từ thứ 59 năm 2016 lên thứ 42 năm 2020.

Trong các bộ chỉ số, các bảng xếp hạng quốc tế đó, có không ít chỉ số, tiêu chí cụ thể của nước ta ghi nhận những tiến bộ vượt bậc như: Tiếp cận điện năng tăng 81 bậc, từ thứ 108 (năm 2015) lên thứ 27 (năm 2019). Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 59 bậc, từ thứ 168 (năm 2015) lên thứ 109 (năm 2019). Ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc, từ thứ 95 (năm 2015) lên thứ 41 (năm 2019)…

Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc từ thứ 88 năm 2016 lên thứ 49 năm 2020. Đây là bộ chỉ số được Liên hợp quốc xây dựng, đánh giá dựa trên các tiêu chí bám sát 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững (với 169 mục tiêu cụ thể). Các mục tiêu này rất phù hợp với các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Việc Việt Nam được xếp hạng 49 trong khi thu nhập bình quân đầu người còn ở hạng ngoài 100 là minh chứng cụ thể cho tính ưu việt của chế độ ta.

Cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng ghi nhận rất tích cực những kết quả, tiến bộ trong thực hiện các Nghị quyết này. Theo kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy: 81,3% doanh nghiệp cho biết “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” (tỷ lệ này năm 2016 là 67,4%). 73,6% doanh nghiệp nhận thấy “cán bộ nhà nước thân thiện” trong quá trình giải quyết thủ tục (năm 2016 chỉ là 59%). 57,5% doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh thuận lợi (năm 2017 là 51,7%). 53,6% doanh nghiệp cho biết mức chi trả không chính thức giảm rõ rệt (năm 2016 là 59,3%).

Đáng chú ý, các nỗ lực cải cách về điều kiện kinh doanh được ghi nhận. Trong giai đoạn 2017-2019, có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung này, với yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh.

“Khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như về điều kiện kinh doanh, với sự tham gia của nhiều bên trong theo dõi, đánh giá”, bà Thảo nhận định.

Kết quả, đến hết năm 2019, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 50% trong tổng số khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh được thống kê trước đó.

Vẫn còn nhiều “đá hộc” trong môi trường kinh doanh

ên cạnh những kết quả quan trọng, đáng khích lệ đó, vẫn còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà điểm tuyệt đối và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp và hầu như không được cải thiện về thứ bậc.

Điển hình là chỉ tiêu Giải quyết phá sản doanh nghiệp đứng thứ 122. Rào cản phi thuế quan đứng thứ 121. Bảo vệ hệ sinh thái bền vững đứng thứ 110. Đăng ký tài sản thứ 106. Bảo vệ sở hữu trí tuệ thứ 105. Kết nối hạ tầng đường bộ thứ 104. Ngay nộp thuế và bảo hiểm dù đã tăng tới 59 bậc, nhưng vẫn đứng thứ 109.

Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng khẳng định, trong thời gian gần đây, cụ thể là 5 năm gần đây, chúng ta đã thực hiện một chương trình cải cách mạnh mẽ, thành công.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thẳng thắn rằng: “Chúng ra đã dọn được rất nhiều đá sỏi, tuy nhiên vẫn còn đá hộc”.

Đồng tình với nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, ông Phan Đức Hiếu cũng thừa nhận: “Chúng ta đang thiếu nhiều thứ, nhưng lại thừa rất nhiều lực cản”!

Về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, vẫn còn điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, thiếu rõ ràng, có thể dẫn tới sự tùy ý của cơ quan quản lý nhà nước.

Điều kiện kinh doanh chứa đựng điều kiện kinh doanh vẫn tồn tại. Nhiều điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức quy định về chứng chỉ do cơ quan quản lý nhà nước đào tạo và cấp khá phổ biến trong tất cả các lĩnh vực. Việc quy định về chứng chỉ đôi khi mang tính hình thức hơn là năng lực thực chất.

Điều đáng lưu ý là, thực tiễn thực thi và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh còn hạn chế.

Những thay đổi tích cực trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp.

Sau gần 2 năm, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất – nhập khẩu tăng hơn 120 văn bản.

“Số lượng văn bản quá nhiều, gây khó khăn, lúng túng cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng”, bà Thảo chỉ rõ.

Ngoài ra, chất lượng văn bản chưa cao, thường xuyên thay đổi, điều chỉnh cũng dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp để cập nhật và chuẩn bị đáp ứng yêu cầu.

“Một số quy định đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhưng có văn bản gây trở ngại hơn. Thậm chí, có quy định ở văn bản mới ra còn mâu thuẫn và trái với các với quy định của pháp luật hiện hành”, bà Thảo thẳng thắn.

Lấy ví dụ Thông tư số 22/2018/TT-BLĐTBXH (thay thế Danh mục tại Thông tư số 03/2010/TT-BLĐTBXH) yêu cầu kiểm tra an toàn lao động trước thông quan đối với những nhóm sản phẩm, hàng hóa chỉ có thể kiểm tra khi đã lắp đặt, đưa vào vận hành (như thang cuốn, thang máy…), bà Thảo đánh giá, đây là quy định phi lý, được phản ánh nhiều lần, song chưa có động thái sửa đổi nào từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Bà Thảo cũng chỉ rõ, hành lang pháp lý cho thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt chậm được ban hành. Vì thế, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp trong thương mại điện tử.

Nghị quyết 02 năm 2021: Dù vẻn vẹn 3 trang giấy, song nhiệm vụ rất nặng nề

Bà Thảo cũng cho biết, năm 2020 này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, việc đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế có những thay đổi đáng kể và nhiều bảng xếp hạng không được công bố. Trong nước, thực hiện “mục tiêu kép”, các nỗ lực thực hiện Nghị quyết 02/CP không hề giảm. Thậm chí nhiều nhiệm vụ đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn (như dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…).

Xác định năm 2021 sẽ là năm bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nên Nghị quyết 02/CP năm 2020 cũng đã đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu cụ thể cho năm 2020 và định hướng cho năm 2021.

Nghị quyết 02/2021 được xây dựng ngắn gọn hơn rất nhiều so với các Nghị quyết trước đây, khẳng định tiếp tục thực hiện đồng bộ tất cả các mục tiêu giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02/CP năm 2019 và 2020; đồng thời đặt trọng tâm vào một số nhóm chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể cần tập trung cao độ để chỉ đạo thực hiện nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh tới các tiêu chí khác.

Đó là 7 nhóm chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, bao gồm: Cấp phép xây dựng (A3), Đăng ký tài sản (A7), Giải quyết tranh chấp hợp đồng (A9), Giải quyết phá sản doanh nghiệp (A10), Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3), Ứng dụng công nghệ thông tin (B5), Chất lượng đào tạo nghề (B6) và 10 tiêu chí cụ thể. Cùng với đó là 10 chỉ tiêu cụ thể về năng lực cạnh tranh 4.0 và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Chất lượng hành chính đất đai, Chất lượng đào tạo nghề, Kỹ năng của sinh viên, Rào cản phi thuế quan, Đăng ký phát minh sáng chế, Kiểm soát tham nhũng, Mức độ tiếp cận công nghệ thông tin, Mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, Cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, Môi trường trong bền vững sinh thái.

Giải thích thêm về một số ý kiến thắc mắc tại sao Nghị quyết 02 năm 2021 được Chính phủ ban hành chỉ dài có 3 trang, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, các nỗ lực cải cách không hề chùng xuống, mà ngược lại, rất nặng nề.

Giải thích rõ hơn, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, Nghị quyết số 02 năm 2019 đã được xây dựng cho lộ trình hằng năm và đến năm 2021. Do vậy, Nghị quyết số 02 năm 2021 nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 02 năm 2019.

“Nghị quyết 02 năm 2021 dù chỉ ngắn 3 trang thôi, nhưng vẫn kế thừa các nghị quyết trước, theo công thức ngắn gọn, gợi mở đổi mới cho nhiệm kỳ mới, nhấn mạnh những chỉ số có nhiều dư địa để cải cách. Phù hợp với bối cảnh mới”, bà Thảo cho hay.

Theo bà Thảo, nhằm nâng cao hiệu quả trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tuy ngắn gọn, Nghị quyết 02 năm 2021 cũng bổ sung thêm 4 nội dung trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, gồm:

(1) Tập trung khắc phục những yếu kém, hạn chế trong việc kết nối, phối hợp giữa các cơ quan; làm rõ hơn vai trò cơ quan đầu mối cho từng nhóm chỉ tiêu, từng chỉ tiêu; phân định và quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho từng cơ quan.

(2) Tập trung chỉ đạo chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; đảm bảo thiết thực, hiệu quả gắn với các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

(3) Có chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, bước đi cụ thể, kiên trì để tạo chuyển biến vững chắc đối với các tiêu chí có tính chất nền tảng, nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển vùng núi, vùng sâu, vùng xa…; phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững đồng thời phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.

(4) Tiếp tục chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19./.