Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng

Bức tranh kinh tế quý II: Không ít hứng khởi và kỳ vọng

Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động" được tổ chức ngày 20/7, ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban Ban chính sách Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – CIEM) cho biết, kinh tế Việt Nam bước vào quý II với không ít hứng khởi và kỳ vọng.

Những chuyển biến về cải thiện môi trường kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế song song với ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong những quý trước ít nhiều đã củng cố niềm tin của thị trường.

Điều đáng lưu ý, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không dựa vào mở rộng tiền tệ. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Tăng trưởng kinh tế chưa kéo theo áp lực lạm phát theo chu kỳ, do ít có tác động của mở rộng tiền tệ và tài khóa.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm đạt 7,08% trong 6 tháng đầu năm, mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2011. Kết quả này giúp giảm áp lực điều hành trong 6 tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. GDP thực tế vẫn cao hơn so với xu thế. Tăng trưởng GDP cũng chưa có dấu hiệu “quá nóng”.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi rõ rệt, tăng 3,99% trong quý II/2018 và 3,93% trong 6 tháng đầu năm 2018; tuy còn thách thức liên quan đến EU vẫn giữ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam và Trung Quốc có khả năng tăng yêu cầu chất lượng đối với hàng nông sản Việt Nam.

Tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 8,46%, với điểm sáng là tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm sự phụ thuộc vào khu vực khai khoáng.

Một dấu hiệu tích cực khác đó là lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp, trung bình tăng 1,35% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

“Diễn biến lạm phát trong 6 tháng đầu năm ít chịu áp lực từ các yếu tố tiền tệ hay tổng cầu, chủ yếu xuất phát từ các yếu tố “chi phí đẩy”, ông Nguyễn Ánh Dương nói.

Song, vẫn còn nhiều vấn đề trong điều hành chính sách trong 6 tháng đầu năm

Song, theo ông Nguyễn Anh Dương, thực tiễn cải cách và điều hành chính sách trong 6 tháng đầu năm vẫn bộc lộ một số hạn chế.

Thứ nhất, động lực thực thi vẫn là một vấn đề cần cải thiện. Năng suất và chất lượng lao động được đề cập nhiều, song tính mới và cụ thể trong các chính sách và cơ chế thực thi còn hạn chế.

Quyết tâm cải cách môi trường kinh doanh còn chậm truyền tải đến các cấp thừa hành. Trong khi đồng thuận về việc cắt giảm các rào cản và điều kiện kinh doanh không cần thiết, ranh giới giữa “cần thiết” và “không cần thiết” lại không được xác định rõ.

Thứ hai, không ít đề xuất, chính sách ảnh hưởng đến mặt bằng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, có phần thiếu nhất quán với ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Lộ trình xem xét tăng lương tối thiểu dường như vẫn hơi cứng nhắc, chưa góp phần làm giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ ba, công tác truyền thông trong một số trường hợp (như diễn biến tỷ giá, thị trường chứng khoán...) còn chậm và/hoặc chưa đều. Cách thức đưa tin đôi lúc còn thiếu trung tính, tập trung nhiều vào một chiều (ví dụ như hạn chế trong thu hút FDI...).

Tăng trưởng năm 2018 dự báo đạt 6,71%

Thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2018 (cập nhật) có thể đạt mức 6,71%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 12,11%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 1,2 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,93%.

Kết quả cập nhật dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2018

Đơn vị: %

Tăng trưởng GDP

6,71

Lạm phát bình quân

3,93

Tăng trưởng xuất khẩu

12,11

Cán cân thương mại (tỷ USD)

1,2

Nguồn: Dự báo cập nhật từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô sử dụng số liệu năm.

Tuy nhiên, không ít băn khoăn vẫn hiện hữu. Một là, mức độ chuyển biến về chất lượng tăng trưởng còn chưa thực sự rõ nét. Hy vọng gia tăng khai khoáng để thúc đẩy tăng trưởng ít nhiều được nhen nhóm, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thế giới được dự báo sẽ tăng.

Hai là, áp lực lạm phát còn hiện hữu, do kỳ vọng về tác động của những yếu tố như tăng phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, khả năng tăng lương tối thiểu vùng 2019, và khả năng tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (nếu lạm phát đến cuối năm còn cách biệt so với mục tiêu đề ra).

Ứng phó với tác động của rủi ro suy giảm kinh tế do tác động từ bên ngoài, do đó, cũng vướng phải áp lực lạm phát trong nước – tương tự như giai đoạn 2008-2009 dù ở mức độ và phạm vi nhỏ hơn nhiều.

Ba là, khả năng duy trì đà cải cách kinh tế vi mô nói chung và cải cách môi trường kinh doanh nói riêng là một dấu hỏi lớn. Truyền tải quyết tâm cải cách từ lãnh đạo không ít bộ, ngành đến đội ngũ cán bộ thừa hành còn khá chậm. Một số bộ, ngành dường như muốn tập trung vào các kịch bản điều hành tăng trưởng ngành ở tầm vĩ mô, song bỏ quên/không nhận thức được rằng cắt giảm các điều kiện kinh doanh cũng là một bộ phận trong các kịch bản ấy.

Quan trọng là phải giữ được đà tăng trưởng

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ là một thử thách lớn đối với năng lực điều hành và cải cách kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đánh giá, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trước mắt tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam là chưa nhiều.

Cụ thể, về những lo ngại tình trạng hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam, ông Cung cho rằng, những mặt hàng Mỹ áp thuế nhập khẩu cao với Trung Quốc phần lớn là các mặt hàng công nghệ cao, mà ở Việt Nam chưa có nhu cầu.

Ông Cung cũng cho rằng, mặc dù tác động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể khiến các công ty Hoa Kỳ bố trí lại cơ cấu sản xuất, chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc trên quy mô lớn, song cơ hội cho Việt Nam ở lĩnh vực này là không nhiều. Bởi, các công ty Mỹ rời ra khỏi Trung Quốc và phần lớn các nhà sản xuất lại đang dần chuyển về Mỹ, rất ít công ty chọn Việt Nam làm điểm đến vì phần lớn những ngành nghề rút ra khỏi Trung Quốc đều là những ngành nghề đòi hỏi có lực lượng lao động tiên tiến.

“Nếu vào Việt Nam thì Việt Nam cũng không đủ hấp thụ được bởi chúng ta đang thiếu nguồn lao động nhân công chất lượng cao”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Trong bối cảnh đó, Viện trưởng CIEM nhắc đi nhắc lại yêu cầu, Chính phủ cần cố gắng không mất đà tăng trưởng.

Đề xuất phương án phát triển trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, việc cân nhắc các lựa chọn và kịch bản chính sách là cần thiết, song công tác điều hành hiện cần tránh vội vã để hạn chế tác động bất lợi đối với tâm lý nhà đầu tư.

Điều hành linh hoạt hướng tới ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết, nhưng phải dựa trên kết hợp nhiều công cụ chính sách, thay vì điều chỉnh mạnh một công cụ nhất định. Chính ở đây, tư duy “trọng thương” có thể không phù hợp trong ngắn hạn.

Đồng thời, Việt Nam vẫn cần duy trì ủng hộ đối với các cơ chế hợp tác thương mại đa phương hoặc nhiều bên, bởi ngả về thương mại song phương với riêng một đối tác lớn cụ thể nào đó khó có thể có lợi cho bất kỳ nền kinh tế nhỏ nào, kể cả trong ngắn hạn.

Việt Nam đang đẩy nhanh tiếp cận CMCN 4.0. Tranh luận về cơ hội và lợi thế của Việt Nam gia tăng, song chưa khỏa lấp hoàn toàn những lo ngại về khả năng thất bại của nền kinh tế - đặc biệt là từ kinh nghiệm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian trước đây.

“Tình thế ấy càng buộc Việt Nam phải có tiếp cận nhanh, chủ động, thậm chí phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chấp nhận nhiều thất bại chỉ để có một cơ hội vượt lên”, ông Dương nhấn mạnh./.