Với hỗ trợ từ Chính phủ Đức thông qua Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”, diễn ra sáng nay (ngày 10/7).

CIEM công bố 3 kịch bản tăng trưởng năm 2023, dự báo GDP cao nhất tăng 6,46%, thấp nhất: 5,34%
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu
Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 có khá nhiều gam màu khác nhau

"Có thể nói diễn biến kinh tế thế giới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 có khá nhiều gam màu khác nhau", TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhận định. Có những khó khăn đã được dự báo từ trước, như: xung đột Nga-Ucraina kéo dài, xu hướng thắt chặt tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn, biến đổi khí hậu phức tạp hơn… Chúng ta cũng đã thấy một số chuyển biến, như: Liên minh châu Âu đã bước đầu bảo đảm được an ninh năng lượng; giá dầu mỏ và khí tự nhiên giảm đáng kể; tình trạng chuỗi cung ứng đã cải thiện nhanh chóng, chỉ số căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) đã giảm xuống mức kỷ lục, thậm chí thấp hơn mức trước đại dịch.

Kinh tế thế giới bước vào năm 2023 với khá nhiều bất định. Các nhân tố gây ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế thế giới bao gồm: hệ lụy của dịch Covid-19, xung đột Nga – Ucraina kéo dài, cạnh tranh địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn, áp lực lạm phát và ưu tiên thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát cao ở nhiều quốc gia, cùng với tác động nghiêm trọng và khó lường của biến đổi khí hậu… Sự cố đối với một số định chế tài chính ở một số nền kinh tế (Mỹ, Thụy Sỹ…) cũng đặt ra các vấn đề về theo dõi, giám sát đối với hệ thống tài chính quốc tế và ở các nước. Trong bi cảnh ấy, các tổ chức quốc tế đã liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2023.

Càng trong bối cảnh khó khăn, các nước càng nhìn nhận yêu cầu phải tăng cường thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Liên quan đến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), vào tháng 5/2023, các quốc gia tham gia thảo luận đã đạt được Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chủ động và tích cực tiến hành đàm phán, hoàn tất đàm phán với các đối tác nhằm nâng cấp một số FTA với Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và Niu Di-lân.

Dù sẽ còn nhiều cân nhắc, thảo luận và kể cả nỗ lực chuẩn bị, các sáng kiến đều có điểm chung là có sự tham gia rất tích cực của các nước thành viên ASEAN, hướng tới vị thế trung tâm trong các sáng kiến hợp tác ở khu vực.

"Đó sẽ là cơ hội cho các nền kinh tế có quy mô tầm trung, trong đó có Việt Nam, tham gia hiệu quả vào xây dựng luật chơi “hiện đại” cho hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế", bà Minh chỉ rõ.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn còn có một khoảng cách so với mục tiêu đề ra

Việt Nam vẫn nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Với cách tiếp cận đó, một yêu cầu quan trọng là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bối cảnh thời gian qua đòi hỏi chúng ta phải liên tục theo dõi, đánh giá, dự báo các diễn biến kinh tế thế giới, và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam. Có thể thấy, Chính phủ đã đánh giá sát sao, thận trọng đối với các xu hướng, vấn đề kinh tế quốc tế và trong nước.

CIEM công bố 3 kịch bản tăng trưởng năm 2023, dự báo GDP cao nhất tăng 6,46%, thấp nhất: 5,34%
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu

Nhờ đó, công tác điều hành của Chính phủ đã phát huy tác động tích cực hướng tới giảm thiểu các tác động bất lợi từ bên ngoài. Nổi bật nhất là việc chúng ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và bảo đảm an sinh xã hội. Không gian kinh tế cũng có điều kiện mở rộng, với việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ cũng đã và đang cân nhắc tích cực hơn cơ chế thử nghiệm cho một số ngành, lĩnh vực; cơ chế đặc thù cho một số vùng, địa phương (như trường hợp của TP. Hồ Chí Minh).

"Quan trọng hơn, kinh tế Việt Nam bước đầu đã có những nỗ lực “chuyển đổi kép”, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng", bà Minh nói.

Sau kết quả tăng trưởng khá cao của năm 2022, Việt Nam bước vào năm 2023 với kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam cũng đã rất thận trọng trong dự báo, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và các diễn biến lớn, bất thường có ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức rất lớn từ bối cảnh kinh tế thế giới đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Những khó khăn, thách thức ấy đã ít nhiều làm bộc lộ rõ nét hơn những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, củng cố an sinh xã hội.

Dù vậy, kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn còn có một khoảng cách so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023. Tuy vậy, giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 cũng đã giúp Việt Nam có những hình dung rõ nét hơn về bối cảnh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nửa cuối năm 2023, cũng như các năm tiếp theo. Thực tiễn các năm 2020-2022 đã cho thấy, không ít lần Việt Nam gặp phải suy giảm tăng trưởng trong 1-2 quý đầu năm, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm.

"Với tâm thế ấy, bối cảnh khó khăn trong các tháng đầu năm 2023 cũng chính là “sức ép tích cực” để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách trong thời gian tới", bà Minh nhấn mạnh.

3 kịch bản tăng trưởng năm 2023

Dựa trên các kịch bản khác nhau gắn với bối cảnh kinh tế thế giới, chính sách kinh tế trong nước, CIEM đưa ra 3 kịch bản chính.

Kịch bản 1 được xây dựng dựa trên giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Trong kịch bản này, Việt Nam có nỗ lực giải ngân đầu tư công, song chỉ đạt tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2017-2022. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng chỉ tăng ở mức tương đối khiêm tốn.
Kịch bản này đưa ra, tăng trưởng GDP dự báo chỉ đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64% so với năm 2022. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43% so với năm 2022. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong Kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công bằng với mức cao nhất từng đạt được trong giai đoạn 2017-2022 (82%). Đáng lưu ý, kịch bản này không có thay đổi đáng kể về cải thiện các quy định về môi trường kinh doanh, cải cách thể chế nhằm mở rộng không gian kinh tế và năng suất lao động.

Trong Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66% so với năm 2022. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87% so với năm 2022. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD. So với Kịch bản 1, thì Kịch bản 2 có kết quả tích cực hơn ở cả tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu và thặng dư thương mại. Tuy vậy, lạm phát (theo CPI bình quân) trong Kịch bản 2 cũng cao hơn một chút so với Kịch bản 1. Như vậy, chỉ tập trung vào nới lỏng tài khóa và tiền tệ mà không có các cải cách đủ kịp thời và căn bản đối với môi trường kinh doanh, thì hiệu quả đối với tăng trưởng kinh tế có phần hạn chế và sẽ đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn.

Kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2023

Đơn vị: %

Chỉ tiêu

Kịch bản 1

Kịch bản 2

Kịch bản 3

Tăng trưởng GDP

5,34

5,72

6,46

Lạm phát (CPI bình quân)

3,43

3,87

4,39

Tăng trưởng xuất khẩu

-5,64

-3,66

-2,17

Cán cân thương mại (tỷ USD)

9,1

10,3

6,8

Nguồn: Dự báo từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô sử dụng số liệu năm

Trong Kịch bản 3, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 chỉ giảm 2,17% so với năm 2022. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39% so với năm 2022. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Kịch bản 3 đòi hỏi một loạt các giả thiết, bao gồm cả việc bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn, các cơ quan Việt Nam quyết liệt nới lỏng tiền tệ và giải ngân đầu tư công, song hành với việc cải cách mạnh mẽ và hiệu quả về môi trường kinh doanh, các quy định và tăng năng suất lao động. Điểm quan trọng là sự cải thiện đáng kể đối với niềm tin của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ngay cả trong Kịch bản này, tốc độ tăng trưởng cao cũng đi kèm với mức lạm phát (theo CPI bình quân) cao hơn, thặng dư thương mại nhỏ hơn. Dù vậy, mức lạm phát 4,39% trong Kịch bản này cũng thấp hơn so với mục tiêu đề ra (4,5% cho năm 2023), dù cao hơn đáng kể so với kết quả lạm phát các năm trước.
Cần có động lực mới, nhanh và thực chất hơn nữa cho cải cách và điều hành kinh tế trong thời gian tới

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) đưa nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: (i) khả năng tiếp tục và mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt; (ii) các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh chiến lược (cả về địa chính trị, kinh tế, công nghệ), song xu hướng cân bằng hợp tác theo hướng tránh “chọn bên” sẽ phổ biến hơn ở các nền kinh tế có quy mô nhỏ và trung bình; (iii) dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục có sự chuyển dịch trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị thực thi Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu; (iv) tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; và (v) năng lực của Việt Nam trong việc thực hiện hài hòa, song hành cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Trong quá trình này, tăng cường đối thoại, tiếp nhận chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác sẽ có ý nghĩa quan trọng. Một số bài học được rút ra từ sự cố của các ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ. Thứ nhất, không tạo ra tâm lý tự tin thái quá của ngân hàng rằng họ “quá lớn để có thể sụp đổ”. Thứ hai, khi giám sát hoạt động của ngân hàng, thì không được đánh giá thấp rủi ro của mọi loại tài sản, kể cả những tài sản vốn thường được coi là an toàn như trái phiếu chính phủ. Thứ ba, cần đánh giá sớm và đúng mức tác động dây chuyền của sự cố ngân hàng. Thứ tư, cần bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Thứ năm, cần thận trọng khi cân nhắc các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Thứ sáu, công tác điều hành lãi suất để kiểm soát lạm phát cần phải tính toán thấu đáo đến các kênh truyền dẫn của chính sách tiền tệ, cũng như ảnh hưởng đối với hoạt động ổn định và an toàn của các ngân hàng.

Theo nhóm nghiên cứu CIEM, 6 tháng đầu năm 2023 đã giúp Việt Nam có những hình dung rõ nét hơn về bối cảnh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nửa cuối năm 2023, cũng như các năm tiếp theo.

Dù chưa đạt kỳ vọng, tăng trưởng kinh tế ít nhiều đã có sự phục hồi qua các quý. Thực tiễn các năm 2020-2022 đã cho thấy, không ít lần Việt Nam gặp phải suy giảm tăng trưởng trong 1-2 quý đầu năm, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm.

Các yếu tố gây khó khăn, bất định cho phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm còn khá nhiều. Tuy nhiên, những yếu tố này không mới, mà đã được nhìn nhận từ trước.

Việt Nam cũng đã vận dụng bài bản hơn “công thức” điều hành hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, gắn với cải cách nền tảng kinh tế vi mô (môi trường kinh doanh, cạnh tranh) trong nhiều năm qua.

"Chính ở đây, thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 càng đòi hỏi phải có động lực mới, nhanh và thực chất hơn nữa cho cải cách và điều hành kinh tế trong thời gian tới", đại diện nhóm nghiên cứu nêu rõ./.