"Quốc hội và Chính phủ cần luật hoá các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả; xem xét cơ chế cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất, tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang và giúp tăng nguồn cung nhà ở…", Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Phạm Như Ánh nêu đề xuất, tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức.

Cần luật hoá quy định về xử lý tài sản đảm bảo để hỗ trợ các ngân hàng thu hồi nợ hiệu quả
Tổng giám đốc MB Phạm Như Ánh đề xuất, cần phân nhóm bất động sản để có chính sách quản lý và phát triển phù hợp. Ưu tiên nhà ở thu nhập thấp, bất động sản khu công nghiệp. Bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng... mang tính chất đầu tư cần quy hoạch, quản lý riêng để phát triển ổn định và bền vững. Ảnh: MB

Cũng theo ông Ánh, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về pháp lý của dự án cho chủ đầu tư. Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc về pháp lý, thủ tục cho các dự án, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhiều dự án dang dở, ưu tiên các dự án có tỷ lệ hoàn thiện xây dựng cao, để hoàn thiện sản phẩm bàn giao nhà cho người dân.

NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng, thực hiện các biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Liên quan đến giải pháp gỡ "tắc" tín dụng cho doanh nghiệp, người dân để phát triển sản xuất kinh doanh, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, BIDV rà soát thủ tục cấp tín dụng, đơn giản hoá và áp dụng công nghệ vào quy trình cấp tín dụng, tích cực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật số hoá, đặc biệt là xây dựng cơ chế cấp tín dụng theo phương thức điện tử. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chương trình riêng cho từng đối tượng khách hàng, triển khai kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.

"Thu hút các nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh, tiếp tục tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay (cả cho vay mới và vay cũ). Trong 6 tháng đầu năm nay, BIDV đã đưa ra 25 gói tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 484 nghìn tỷ đồng, mức giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp từ 0,5 - 2%/năm…", ông Tú cho hay.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Các NHTM đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.

Cần luật hoá quy định về xử lý tài sản đảm bảo để hỗ trợ các ngân hàng thu hồi nợ hiệu quả
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các NHTM đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới (nguồn: sbv)

Trước đó, tại Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ...

Cũng theo lãnh đạo NHNN, đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát…/.