Điểm sáng nổi bật trong “bức tranh” xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Bên cạnh đó, “điểm sáng” nổi bật của mặt hàng nông, lâm, thủy sản thuộc về nông sản, đặc biệt là trái cây. So với mục tiêu xuất khẩu 2,2 tỷ USD từ đầu năm 2016, các sản phẩm rau quả của Việt Nam đã mang về 2,4 tỷ USD, vượt 200 triệu USD. Bên cạnh mức tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch, xuất khẩu rau quả cũng đã thâm nhập được tới 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2016 cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau quả được ghi nhận vượt qua kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gạo (tổng kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt 2,2 tỷ USD so với kế hoạch ban đầu là 2,9 tỷ USD).

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng khả quan và trở thành động lực quan trọng để thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp nói chung, trong đó là ngành hàng rau quả, đồng thời giúp nông dân tăng thêm thu nhập.

Hơn nữa, bên cạnh những thị trường truyền thống, ngành rau quả cũng đã tích cực phát triển mở rộng thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zeland...

Nhiều doanh nghiệp trong ngành rau quả khó tiếp cận vốn, nên hạn chế trong khâu chế biến, bảo quản sản phẩm,

dẫn đến giá trị hàng hóa không cao.

Những tín hiệu vui cho rau quả Việt Nam trong năm 2017 và những năm tới, là Australia đã hoàn thành báo cáo dự thảo đánh giá về quả thanh long tươi của Việt Nam đang có kế hoạch xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài ra, trái xoài tươi của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu vào Australia và bắt đầu từ ngày 19/09/2016, tấn xoài đầu tiên của Việt Nam chính thức có mặt tại thị trường Australia, mở ra nhiều cơ hội cho mặt hàng này.

Trong tháng 01/2017, xuất khẩu rau quả đạt 230 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016. Theo Bộ Công Thương, mặt hàng rau quả được nhận định còn nhiều tiềm năng phát triển, thậm chí có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu gấp 5-10 lần so với hiện tại. Theo đó, Bộ này kỳ vọng rau quả sẽ trở thành một trong các mũi nhọn chủ lực của xuất khẩu cả nước với dự kiến kim ngạch đạt 3 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2016.

Còn đó những “nút thắt”

Tuy đã có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng xét về độ rộng thị trường, điển hình như thị trường Mỹ, rau quả Việt Nam cũng chỉ mới được bán tại một số nơi, như: California, New York. Trong khi đó, trái cây Mỹ nhập về Việt Nam lại có mặt ở khắp các hệ thống phân phối, kể cả chợ truyền thống. Táo Gala Mỹ có thể xem là một điển hình thành công của xúc tiến thương mại khi thâm nhập Việt Nam.

Ngoài ra, không thể không nói tới việc, trái cây xuất khẩu của nước ta vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Gần đây nhất, năm 2016, Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu các loại rau và quả của Việt Nam, chiếm 70,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đứng sau Trung Quốc, các thị trường Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đang tiêu thụ khá nhiều rau quả Việt Nam, chiếm khoảng trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do, mặc dù biết xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu là mua - bán qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng đó được xem là hướng đi thích hợp, trong khi việc tiếp cận các thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… vẫn gặp nhiều khó khăn, do vận chuyển xa, bảo quản dài ngày cũng như yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm khá khắt khe.

Đặc biệt, khó khăn lớn nhất của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành rau quả là khó tiếp cận vốn, nên hạn chế trong khâu chế biến, bảo quản sản phẩm, dẫn đến giá trị hàng hóa không cao.

Trả lời trên Báo Kinh tế nông thôn, ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lớn nhất cả nước hiện nay cho biết: “Biết thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro nhưng muốn giảm vai trò của thị trường này rất khó, nhất là trong bối cảnh năng lực kinh doanh hiện tại của đa số doanh nghiệp thanh long nói riêng và xuất khẩu rau quả nói chung còn yếu”.

Bên cạnh đó, dù chưa vấp phải cảnh báo chính thức nào từ cơ quan chức năng của các thị trường nhập khẩu trong suốt 8 năm qua, nhưng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đã đến lúc cần chú trọng đến khâu vệ sinh an toàn thực phẩm khi hàng Việt xuất khẩu ngày càng nhiều, xác suất mắc lỗi kiểm dịch từ đó sẽ tăng lên.

Thực tế cho thấy, vào giai đoạn chính vụ, do giá quá rẻ, không ít nông dân đã cắt giảm quy trình tuân thủ về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Rủi ro ở chỗ khi có một lô hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, thì tỷ lệ hàng nhập khẩu bị cơ quan chức năng nước nhập khẩu kiểm tra sẽ tăng dần lên 50%, thậm chí 100%, thay vì mức kiểm tra 5% như bình thường.

Quá trình kiểm tra ngặt nghèo này sẽ khiến rau quả chậm đến tay người tiêu dùng hơn, chất lượng giảm đi, khả năng không bán được, thua lỗ và mất luôn thị trường là có thật.

Một lô hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, doanh nghiệp bị thiệt hại bằng lãi 15 lô hàng xuất đi thành công trước đó, chưa kể tiến độ xuất hàng sụt giảm. Khi lượng hàng xuất khẩu giảm sẽ khiến giá cả thị trường nội địa mất ổn định theo. Nông dân phải bán rẻ sản phẩm, bị doanh nghiệp nước ngoài khống chế, ép giá. Người thiệt hại sau cùng không chỉ là doanh nghiệp, mà là cả nông dân.

Kỳ vọng từ gói tín dụng 100.000 tỷ đồng nông nghiệp công nghệ cao

Mới đây, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán (02/02/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ấn nút khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam và đặt ra các bài toán về phát triển lĩnh vực quan trọng này.

Tại sự kiện này, Thủ tướng đã yêu cầu phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao, cụ thể là nâng hạn mức gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để làm vấn đề này.

Yêu cầu trên của Thủ tướng khiến những người quan tâm đến nông nghiệp tràn trề hy vọng về sự thay da đổi thịt của công nghệ chế biến rau quả Việt Nam – một trong những nút thắt lớn của ngành xuất khẩu rau quả.

Theo TS. Nguyễn Hữu Đạt (Hiệp hội Rau quả Việt Nam), cho doanh nghiệp vay ưu đãi để có thể mua hệ thống chế biến hiện đại đủ đáp ứng tiêu chuẩn trái cây xuất khẩu là cần thiết, nhưng phải có một hội đồng tư vấn để thống nhất đầu tư khâu nào chứ không thể đầu tư đại trà.

Ngoài ra, cũng nên dành phần cho vay ưu đãi cho hệ thống các trung tâm nghiên cứu, viện, trường để lo khâu cây giống, nghiên cứu sản xuất mẫu thuốc bảo vệ thực vật vi sinh hoặc nâng tầm công nghệ chế biến. Bên cạnh đó, những cơ sở nghiên cứu này cần có sự liên kết với doanh nghiệp, nhà sản xuất, dưới sự giám sát của các hiệp hội có liên quan để bảo đảm tính thực tiễn và hiệu quả.

Ngoài ra, một vấn đề khác là để giảm dần lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, theo TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thời gian tới, để câu chuyện “được mùa - mất giá” không lặp đi lặp lại, chúng ta phải tăng cường đầu tư nghiên cứu sâu về thị trường Trung Quốc nhằm nắm bắt sớm những động thái có thể xảy ra, như đưa ra các biện pháp kỹ thuật và thủ tục hành chính để gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hạn chế được những thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân.

Ngoài ra, Nhà nước có thể thành lập ban điều phối một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Cụ thể là: mời trực tiếp các doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến thương mại, chuyên gia của Trung Quốc sang giúp nông dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng hóa theo quy chuẩn chất lượng. Các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng các hình thức hoạt động kinh doanh như tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, lưu kho ngoại quan, tăng cường khả năng thâm nhập thị trường nông sản Trung Quốc.

Đồng thời, phối hợp cùng với việc mở rộng mặt hàng kinh doanh xuất nhập khẩu hiện có thế mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc để ký hợp đồng xuất nhập khẩu dài hạn, xây dựng kế hoạch xuất nhập khẩu ổn định. Và quan trọng nhất, doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta cần phải thay đổi sang phương thức chính ngạch bằng các hợp đồng thương mại, để xuất khẩu vào thị trường này mang tính ổn định và bền vững.

Trong khi đó, để thâm nhập sâu hơn vào những thị trường tiềm năng, nhưng cũng vô cùng khó tính, như: Mỹ, Úc, Newzeland, Nhật Bản..., theo TS. Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam trên Báo điện tử Chính phủ cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động liên kết với nhau, không chỉ để có chiến dịch quảng bá phù hợp mà là tập hợp đủ sức mạnh, từng bước tiến vào khâu phân phối tại chính thị trường nhập khẩu, bảo vệ và tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại đây.

Bên cạnh đó, để giải quyết rào cản về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, song song với kiểm soát chất lượng trồng trọt rau quả trong nước, các doanh nghiệp cần bám sát những quy định nhập khẩu của các thị trường./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baodientu.chinhphu.vn/Thi-truong/Xuat-khau-rau-qua-van-con-nut-that/299199.vgp

http://www.kinhtenongthon.com.vn/Xuat-khau-rau-qua-Khong-nen-bo-trung-vao-mot-gio-106-63520.html

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/thu-tuong-muon-co-goi-tin-dung-100-000-ty-dong-cho-nong-nghiep-cong-nghe-cao-3535416.html