Loạn “sao” khách sạn

Anh Hoàng Minh Quân, một khách du lịch nghỉ tại khách sạn Nhật Thành tiêu chuẩn 3 sao trên đường Phan Bội Châu, TP. Nha Trang, cho biết, “Tôi quả thật thất vọng với chất lượng của khách sạn Nhật Thành. Thang máy khách sạn quá nhỏ, 5 người đứng là phải chen chúc. Chán nhất là 1 trong 2 thang máy lại trục trặc, nhấn nút không nhạy, phải giữ phím một lúc thang máy mới đi theo ý muốn... Hình ảnh chụp bể bơi trên sân thượng chỉ mang tính "lừa tình" chứ thực tế chỉ để cho trẻ con nghịch nước. Tôi có cảm giác, bể bơi này chỉ dùng làm vật trang trí cho đủ với tiêu chuẩn 3 sao chứ chẳng có gì hơn…” (Trần Anh, 2016).

Còn tại Văn bản 424/TCDL- KS, ngày 11/05/2016, Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho hay, thời gian gần đây cơ quan này nhận được nhiều phản ánh của các công ty du lịch, khách du lịch về chất lượng của một số cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp “sao” nhưng vệ sinh không bảo đảm, nhân viên tiếp xúc với khách du lịch chưa lễ phép, thiếu tính chuyên nghiệp... không tương xứng với số “sao” đã được xếp hạng. Đáng buồn là hiện tượng này không chỏ ở một địa phương.

Nhiều khách sạch chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với số sao được cấp

Theo Tổng cục Du lịch, việc cấp sao cho khách sạn đang được áp dụng theo tiêu chuẩn TCVN 4391:2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, việc cấp sao sẽ được dựa trên 5 tiêu chí, như: vị trí kiến trúc; trang thiết bị tiện nghi, dịch vụ và chất lượng dịch vụ cung cấp (ăn nghỉ, hội nghị, hội họp, giải trí, spa…); người quản lý và hệ thống nhân viên (trong đó yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm); bảo vệ an ninh, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, Tổng cục Du lịch Việt Nam có trách nhiệm cấp hạng khách sạn 3 sao trở lên và hạng cao cấp đối với tất cả các sơ sở lưu trú. Phía các sở văn hoá thể thao và du lịch các địa phương sẽ xếp loại khách sạn hạng 1, 2 sao và hạng đạt tiêu chuẩn kinh doanh.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Báo Hải Quan gần đây đối với một số khách sạn đóng trên địa bàn TP. Hà Nội, nhiều khách sạn tự quảng cáo là 3 sao, song lại thiếu quá nhiều so với chuẩn chung. Đơn cử như tại Phố Cổ Hotel - Hàng Bè, mặc dù nhân viên lễ tân giới thiệu đây là khách sạn 3 sao, đã được cơ quan quản lý nhà nước công nhận từ nhiều năm, song số phòng khách sạn tại đây không đạt tiêu chuẩn (khách sạn chỉ có 30 phòng, trong khi đó theo quy định, muốn được công nhận là 3 sao, phải có quy mô 50 phòng)...

Bên cạnh đó, theo quy định, để được công nhận là khách sạn 3 sao, khách sạn phải có chỗ lưu giữ xe cho khách tại chỗ hoặc cách khu vực khách sạn tối đa 200m, song theo lời nhân viên lễ tân tại đây, khách sạn không có chỗ để xe ô tô cho khách mà chỉ có thể giải quyết được nhu cầu gửi xe máy cho khách, muốn gửi ô tô, khách phải mang xe tới địa điểm khác nhờ trông với giá lên tới 200.000/xe/đêm. Điều đáng nói là khách sạn này không nằm trong danh sách các cơ sở được công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao của Thành phố.

Cần “siết” lại hoạt động cấp sao

Thừa nhận hiện có tình trạng lộn xộn trong việc quảng cáo, tự phong sao khách sạn và một số khách sạn mặc dù đã được công nhận sao, song trong quá trình hoạt động lại chạy theo lợi nhuận, đánh mất thương hiệu bản thân, nhiều chuyên gia cho rằng, đã tới lúc phải chấn chỉnh tình trạng "loạn sao" khách sạn.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, cơ quan quản lý phải cần thực hiện nghiêm việc thẩm định để công nhận sao khách sạn, đồng thời tiến hành thống nhất tại các địa phương bởi đã là chuẩn 3 sao, thì phải chuẩn chung của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang chứ không phải vì Lạng Sơn, Hà Giang điều kiện kinh tế khó khăn nên có thể hạ chuẩn, tặc lưỡi thông qua dù còn thiếu nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nên thường xuyên kiểm tra giám sát, mạnh tay hạ sao nếu khách sạn không giữ được thương hiệu, và phạt thật nặng nếu doanh nghiệp vi phạm (D. Ngân, 2016).

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, trước khi đặt phòng, du khách nên tìm hiểu thông tin thật kỹ qua các trang thông tin của sở du lịch, sở văn hóa, thể thao và du lịch các địa phương. Mạng xã hội cũng là thông tin tham khảo hữu ích hoặc có thể nhờ những công ty du lịch chuyên nghiệp giới thiệu bởi hơn ai hết những doanh nghiệp lữ hành sẽ hiểu được địa bàn đó, khách sạn nào tốt, đạt chất lượng.

Trên một góc nhìn khác, PGS, TS. Võ Trí Hảo - Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú là điều nên làm, tuy nhiên việc quản lý sao cho khách sạn, bao gồm cấp sao và thu hồi quyết định cấp sao, không nên là việc của Nhà nước. Thay vào đó, việc này nên được trao cho một hiệp hội trong ngành, chẳng hạn như Hiệp hội Khách sạn hay Hiệp hội Du lịch…

“Ở đây có thể hiểu tương tự như việc công bố xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng thương mại không phải là việc làm của Ngân hàng Nhà nước, mà là một tổ chức tín dụng quốc tế có uy tín. Chẳng hạn như Stadard & Poor, nếu họ làm sai thì đã có Moody’s và nếu Moody’s làm sai sẽ có tổ chức thứ ba đứng ra thay thế. Cũng như việc song song với TOEFL có IELTS, chứ không phải là duy nhất. Lợi thế của hiệp hội là như vậy”, PGS-TS. Võ Trí Hảo phân tích (Nguyễn Tuân, 2016)./.

Tham khảo từ:

1. D. Ngân (2016). “Loạn” sao khách sạn, truy cập từ http://www.baohaiquan.vn/Pages/Loan-sao-khach-san.aspx

2. Nguyễn Tuân (2016). Các chuyên gia nói gì về vụ một loạt khách sạn bị rút hạng sao?, truy cập từ infonet.vn/cac-chuyen-gia-noi-gi-ve-vu-mot-loat-khach-san-bi-rut-hang-sao-post201848.info

3. Trần Anh (2016). Gắn sao cho khách sạn: Quá dễ dãi!, truy cập từ http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/gan-sao-cho-khach-san-qua-de-dai.html