Cần thận trọng khi giao dịch làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài
Doanh nghiệp Việt “nhẹ dạ” nên bị lừa
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc do doanh nghiệp Việt Nam vì nhẹ dạ, cả tin mà bị các doanh nghiệp nước ngoài lừa đảo.
Điển hình như vụ việc lừa đảo, gian lận thương mại của các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây tại Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, thời gian gần đây, cơ quan này đã nhận được rất nhiều các khiếu nại và đề nghị hỗ trợ từ các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm trái cây của Việt Nam sang UAE đối với một số công ty nhập khẩu tại Dubai.
Cụ thể: các công ty này sẽ bắt đầu giao dịch với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và thuyết phục ký hợp đồng xuất khẩu trái cây, như: chanh, chuối... với phương thức thanh toán là 50% trả tiền sau khi nhận bản sao (scan) chứng từ gửi hàng và 50% thanh toán sau khi nhận được hàng đúng chất lượng (thậm chí là sau khi nhận hàng 15 ngày).
Sau khi nhận bản scan chứng từ, công ty UAE gửi chứng từ chuyển tiền cho doanh nghiệp Việt Nam để lấy chứng từ gốc, sau đó liên tục lấy lý do trục trặc ngân hàng để lấp liếm việc phát hành chứng từ chuyển tiền giả trì hoãn việc thanh toán (thậm chí là cả khoản 50% đầu tiên). Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị chậm trả lên đến 6 tháng - 1 năm, thậm chí sang tận nơi để đòi tiền, nhưng cũng không giải quyết được do doanh nghiệp UAE cố tình lẩn tránh hoặc dùng thủ đoạn câu giờ (hứa trả thành nhiều lần nhưng không trả hoặc lại phát hàng chứng từ chuyển tiền giả mạo).
Khi nhận hàng, công ty UAE cũng dùng thủ thuật tráo hàng chất lượng kém, khiếu nại doanh nghiệp Việt Nam mà không có bất cứ giấy tờ giám định chất lượng hàng.
Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã thông báo đến tất cả các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh mặt hàng trái cây xuất khẩu sang Dubai nội dung trên và đề nghị các doanh nghiệp không giao dịch với 2 công ty đều có chủ là người Pakistan. Thương vụ cũng đang thu thập các chứng cứ để trình báo công an cũng như đưa 2 công ty này ra tòa và thông báo cho Phòng Thương mại Dubai.
Trước đó, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Vecita), Bộ Công Thương cũng mới tiếp nhận thông tin về trường hợp doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo tài chính trong quá trình giao dịch với đối tác tại nước ngoài. Cụ thể, tháng 06/2016, một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng mua bán nguyên liệu hạt nhựa với đối tác tại Singapore. Hai bên là đối tác thường xuyên, đã nhiều lần thanh toán qua ngân hàng tại Singapore.
Trong tháng 6, doanh nghiệp Việt nhận được email từ đối tác Singapore thông báo lý do công ty đang bị kiểm toán nên yêu cầu đơn vị này thanh toán qua tài khoản ngân hàng tại Cộng hòa Séc (kèm theo là chứng từ ủy quyền). Tên tài khoản tại ngân hàng này cũng là tên doanh nghiệp đối tác. 2 ngày sau, doanh nghiệp Việt thực hiện chuyển tiền. Tuy nhiên một tuần sau, công ty liên lạc với đối tác tại Singapore thì họ cho biết không có yêu cầu như vậy và không có ngân hàng tại Cộng hòa Séc.
Vecita nhận định, các thông tin giao dịch của 2 bên qua thư điện tử đã bị đánh cắp. Ngay sau khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển khoản, đối tượng đánh cắp đã tới ngân hàng và rút phần lớn số tiền.
Cục cũng cho biết đã liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Séc để tư vấn cho doanh nghiệp, đồng thời đề nghị công ty này liên hệ với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công An để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, Vecita cho biết, đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam khác về bảo mật thông tin khi làm việc với đối tác nước ngoài. Trước đó, cơ quan quản lý từng thông tin về những vụ việc tương tự để cảnh báo doanh nghiệp.
Điển hình như vụ việc lừa đảo, gian lận thương mại của các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây tại Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)
Cần hết sức cẩn trọng!
Trước những tình trạng lừa đảo này, luật sư Châu Huy Quang, điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT cho biết, một nguyên nhân khiến doanh nghiệp dễ bị lừa đảo, đó là không chú trọng đầu tư chi phí pháp lý tư vấn, luật sư hỗ trợ cho các điều tra cẩn trọng về đối tác trước khi quyết định giao kết.
Chính vì vậy, vị luật sư này cho biết, các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc thuê một hàng luật sư chuyên nghiệp tư vấn khi xuất khẩu. Đặc biệt, khi có dấu hiệu “lừa” hay phá bỏ hợp đồng của đối tác, nên cân nhắc biện pháp pháp lý ngay, bao gồm: kiện, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, như: chặn L/C, bắt giữ tàu, niêm phong hàng, phong tỏa tài khoản, cấm xuất cảnh...”, ông Quang phân tích (N. Trần Tâm, 2016).
Cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài, trả lời phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VIETGO cho rằng, doanh nghiệp Việt khi hội nhập cần phải tự nâng cao hiểu biết về luật pháp quốc tế và thói quen giao dịch của bạn hàng. Bên cạnh đó, đặc biệt cẩn thận trong việc thanh toán. Cách tốt nhất là khi thảo hợp đồng, nên mở L/C tại ngân hàng. Cuối cùng là tìm đến các chuyên gia như những người làm xuất nhập khẩu lâu năm hoặc các công ty tư vấn để đảm bảo giảm thiểu tối đa những rủi ro trong giao dịch.
Đối với tình trạng gian lận, lừa đảo qua email, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp, đó là: khi giao dịch với đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam nên dùng email chính thức của công ty thay vì sử dụng các dịch vụ miễn phí từ gmail, yahoo… để tránh bị giả mạo hay gần giống email thật (thay đổi một vài chữ gần giống nhau). Nên chủ động yêu cầu đối tác sử dụng email chính thức trong trường hợp đối tác cung cấp email từ các dịch vụ miễn phí kể trên.
Trong giao dịch qua email, các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý địa chỉ người nhận, nhất là các thư gửi những thông tin quan trọng của giao dịch như bản sao bộ chứng từ giao hàng và tài khoản nhận tiền qua điện chuyển tiền. Bên cạnh liên lạc qua email, doanh nghiệp cũng cần có những liên hệ trực tiếp với đối tác thông qua các đường khác, như; điện thoại hay fax chính thức. Nhất là khi đối tác yêu cầu thanh toán vào tài khoản khác với tài khoản đã ghi trong hợp đồng ký kết. Doanh nghiệp nên liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam, như: Thương vụ tại nước sở tại nhằm xác minh độ tin cậy của đối tác, nhất là các doanh nghiệp không có tiếp xúc trực tiếp hoặc tìm kiếm được qua internet./.
Tham khảo từ:
N. Trần Tâm (2016). Bị lừa cả triệu đo vì email giả, truy cập từ http://thanhnien.vn/kinh-doanh/bi-lua-ca-trieu-do-vi-email-gia-725318.html
Phương Dung (2016). Buôn bán với nước ngoài doanh nghiệp Việt nhẹ dạ, bị lừa, truy cập từ http://dantri.com.vn/kinh-doanh/buon-ban-voi-nuoc-ngoai-doanh-nghiep-viet-nhe-da-bi-lua-20160720135450077.htm
LP (2016). Cảnh báo doanh nghiệp nhập khẩu trái câu UAE lừa đảo, gian lận thương mại, truy cập từ http://baodientuchinhphu.vn/Thi-truong/Canh-bao-doanh-nghiep-nhap-khau-trai-cay-UAE-lua-dao-gian-lan-thuong-mai/281975.vgp
Bình luận