Cần có những cơ chế định hướng đặc thù phù hợp để những doanh nghiệp nhà nước lớn có thể thực sự phát huy vai trò những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa đến các khu vực doanh nghiệp khác. Đây là đề xuất được nhấn mạnh tại cuộc họp về Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì chiều 10/3 vừa qua.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn

Thí điểm lựa chọn 7 doanh nghiệp nhà nước lớn

Đề án lựa chọn 4 lĩnh vực trong số các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế làm nền tảng để đề xuất một số tập đoàn, Tổng Công ty cụ thể, từ đó xây dựng một số chính sách đặc thù nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của các con chim đầu đàn này.

Các tiêu chí xác định ngành, lĩnh vực để lựa chọn nghiên cứu thí điểm bao gồm có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp, có tính chất mở đường dẫn dắt, hướng tới làm chủ công nghệ số và cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước được chọn nghiên cứu thí điểm cần đáp ứng được các tiêu chí cụ thể như chiếm thị phần từ 30% trở lên, đảm bảo các quy định về cạnh tranh; có tiềm lực về tài chính với tổng tài sản trên 20 nghìn tỷ đồng và ROE > 6%; Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc có cổ phần chi phối; có quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD.

Trên cơ sở các tiêu chí này, đề án đề xuất lựa chọn 7 doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn tham gia nghiên cứu thí điểm. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (gồm: công nghiệp điện tử viễn thông và công nghiệp quốc phòng), đề án lựa chọn Viettel và VNPT hoặc MobiFone do có tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, Đã đầu tư công nghệ tiên tiến và có hệ thống quản trị hiện đại;

Đáng chú ý, Viettel là đơn vị hàng đầu có thế mạnh về R&D, chế tạo, sản xuất, chuyển giao công nghệ, xuất nhập khẩu các sản phẩm trang thiết bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng và dân sự.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Đề án lựa chọn EVN và PVN (phối hợp với SCIC) để thực hiện các dự án mới, hướng tới phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng thế mạnh của nhau. Trong đó, bản thân các các doanh nghiệp được chọn này cũng đều có thế mạnh riêng như EVN có thế mạnh trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo; PVN có nguồn LNG và hệ thống cơ sở dữ liệu biển; SCIC có năng lực về tài chính.

Trong lĩnh vực cảng biển và logistics, Đề án lựa chọn Tổng Công ty Tân Cảng (thuộc Bộ Quốc phòng) thực hiện việc quản lý, khai thác các cảng biển, cảng cạn; depot với các cảng lớn (Cảng Cát Lái, cụm cảng Cái Mép, cảng quốc tế Cam Ranh...) nhằm đẩy mạnh việc kết nối các cụm cảng, hình thành chuỗi mạng lưới cung cấp dịch vụ cảng biển.

Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, đề án lựa chọn Vietcombank bởi đây là Doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp và rủi ro tốt; Hoạt động có hiệu quả, là doanh nghiệp thuộc nhóm VNR500, là Ngân hàng Việt Nam duy nhất có mặt trong TOP 30 Ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đề xuất cơ chế chính sách phù hợp và đặc thù với từng lĩnh vực

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được lựa chọn có thể phát triển mạnh vươn lên phát huy vai trò dẫn dắt lan tỏa đúng như mục tiêu yêu cầu đặt ra của đề án ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, nguyên tắc xây dựng cơ chế, chính sách chung cần đảm bảo đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác; tuy nhiên cũng không làm mép mó các quan hệ thị trường, công khai minh bạch.

Theo đó Nhà nước quản lý theo mục tiêu giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp; chỉ thực hiện vai trò quản lý, giám sát, đánh giá định kỳ, Đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể.

Đáng chú ý, để tăng tính linh hoạt tự chủ cho doanh nghiệp, đề án sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cho phép doanh nghiệp tự quyết định, đổi mới công tác quản lý cán bộ theo hướng có thể tuyển dụng hoặc thuê cán bộ chất lượng cao, xem xét cả các CEO nước ngoài; thực hiện cử thành viên HĐTV độc lập.

Trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sand box). Đầu tư hình thành một số DNNN hoặc tham gia phát triển các doanh nghiệp có công nghệ mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới.

Trong trường hợp thực hiện cổ phần hóa DNNN, nghiên cứu cơ chế, chính sách cho phép một số tập đoàn, tổng công ty được giữ lại tiền thu được từ CPH, thoái vốn để tái đầu tư các dự án quan trọng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đề xuất cơ chế, chính sách đối với một số DNNN lựa chọn phù hợp với từng lĩnh vực như nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển dịch vụ số đối với lĩnh vực công nghệ cao, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thanh toán không tiền mặt, thương mại điện tử...; phát triển hạ tầng công nghệ số phục vụ việc hình thành hệ sinh thái số…

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, nghiên cứu các xu thế phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (như năng lượng hóa học hydrogen, LNG); tiếp tục công tác đầu tư phát triển lưới truyền tải điện, đảm bảo các nguồn điện được xây dựng đồng bộ với lưới điện truyền tải…

Đối với lĩnh vực cảng biển và logistics, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ việc kết nối các cụm cảng nhằm tạo thành chuỗi mạng lưới cung cấp dịch vụ cảng biển; Ưu tiên tập trung nguồn lực của doanh nghiệp thực hiện ngay các Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, logistics…

Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, đề án đề xuất đẩy mạnh việc nghiên cứu hoạt động ngân hàng đầu tư (investment banking), hình thành quỹ đầu tư trong đó có đầu tư mạo hiểm.

Phải tạo điều kiện để doanh nghiệp lớn phát huy vai trò dẫn dắt

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trao đổi ý kiến về nội dung đề án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt chú trọng vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp nhà nước lớn. “Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là đúng đắn để DNNN tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, còn lại để cho doanh nghiệp tư nhân làm. Đại hội XIII cũng đặt mục tiêu rất rõ tới các mốc năm 2025, 2030 và 2045, phải xây dựng được một nền kinh tế có tính tự chủ cao hơn, sức chống chịu tốt hơn. Muốn vậy, phải phát triển, làm chủ được công nghệ”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Dẫn các số liệu rà soát, Bộ trưởng cho biết tuy chỉ chiếm khoảng 0,07% trong tổng số doanh nghiệp hiện có trên cả nước, song các doanh nghiệp nhà nước có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế khi đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới đóng góp về lao động, việc làm và vai trò điều tiết, ổn định thị trường khi có bất ổn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh.

Do đó, phát triển doanh nghiệp nhà nước là quan điểm lớn đã được khẳng định trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, là yêu cầu, đòi hỏi lớn, bức thiết của đất nước trong giai đoạn tới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Đề án này.

Nhắc tới các yếu tố như cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch bệnh COVID-19, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, các FTA mà Việt Nam đã tham gia, Bộ trưởng khẳng định đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên các doanh nghiệp trên thế giới.

Nhấn mạnh các vấn đề cụ thể mà Đề án cần tập trung làm rõ và tiếp thu bổ sung, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các ý kiến tham gia góp ý đề án cần thảo luận để làm rõ liệu các doanh nghiệp được đề xuất lựa chọn đã phù hợp hay chưa, các doanh nghiệp hiện đang vướng mắc ở chỗ nào, cần tháo gỡ ra sao… Bộ trưởng cũng thắng thắn đặt vấn đề trong bối cảnh có rất nhiều cơ hội, nên chăng phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm để tận dụng được cơ hội chứ không “bó tay bó chân” doanh nghiệp, tuy nhiên, việc trao quyền chủ động cho doanh nghiệp cần phải đi kèm việc giám sát hiệu quả.

Bộ trưởng cũng đề cập nhiều vấn đề liên quan tới DNNN cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu như có nên phân công một cơ quan riêng để thực hiện quản lý nhà nước về DNNN? Thoái vốn Nhà nước đến đâu, thoái tiếp thế nào, có nên tiếp tục phát triển các tập đoàn mới thuộc khu vực kinh tế nhà nước….?

Gợi mở nên hay không cần xem xét bổ sung thêm các doanh nghiệp và lĩnh vực lựa chọn khác bên cạnh các doanh nghiệp đã đề xuất, Bộ trưởng cho rằng cũng cần cân nhắc có nên phát triển một doanh nghiệp lớn về đường sắt để làm chủ công nghệ, hay có cần xem xét bổ sung lĩnh vực hàng không hoặc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) vào Đề án. “Kể cả một số doanh nghiệp, lĩnh vực có thể chưa tốt nhưng cần thì vẫn có thể đưa vào Đề án để phát triển mạnh lên, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước, chứ không chỉ lựa chọn những doanh nghiệp, lĩnh vực đang làm ăn tốt. Cần tranh thủ cơ hội để giúp doanh nghiệp trỗi dậy, đất nước bứt phá”, Bộ trưởng lưu ý./.