Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ dưới góc nhìn của cơ quan đăng ký kinh doanh
THỰC TIỄN CẮT GIẢM CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THỜI GIAN QUA VÀ MỤC TIÊU GIAI ĐOẠN 2020-2025
Giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP
Đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh, việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh đã được thực hiện mạnh mẽ từ năm 2010 (từ khi ban hành Nghị định số 43/2010/NĐ-CP, ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp) và đã đạt được những mục tiêu đề ra, như: hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình gia nhập và hoạt động trên thị trường; Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã đánh dấu một bước tiến lớn về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đưa thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trở thành mô hình liên thông điện tử đầu tiên được thiết lập trong khối cơ quan quản lý nhà nước ở nước ta. Trên cơ sở đó, công tác đăng ký kinh doanh đã được tin học hóa, hiện đại hóa, giúp giảm thời gian, chi phí gia nhập thị trường, góp phần minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh.
Giai đoạn từ sau khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP đến nay
Với mục tiêu tiếp tục cải cách thủ tục gia nhập thị trường để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP, ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Nghị định ra đời nhằm thực hiện liên thông điện tử, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong thành lập doanh nghiệp. Nghị định đã tích hợp 4 quy trình, gồm: đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào 1 quy trình. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chỉ phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, kê khai 1 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 1 cơ quan và nhận 1 kết quả duy nhất. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau, thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai ở nhiều nơi như trước đây. Toàn bộ quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua mạng điện tử.
|
Tiếp theo đó, trên tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách, Chính phủ đã xây dựng Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Việc ban hành Nghị định nhằm tạo cơ sở cụ thể hóa những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP cắt giảm một số thủ tục hành chính và yêu cầu điều kiện đã tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp trước đó, như:
Một là, bãi bỏ thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp. Thủ tục báo cáo này không còn cần thiết do không rõ mục tiêu quản lý nhà nước. Trên thực tế, các công ty sẽ công bố công khai các thông tin này ngay cả khi luật không yêu cầu. Ngoài ra, thông tin này không có ý nghĩa về quản lý nhà nước, bởi vì đây là các thông tin về nội bộ doanh nghiệp. Việc bãi bỏ thủ tục này sẽ cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Hai là, bãi bỏ thông báo sử dụng, thay đổi, huỷ mẫu con dấu. Bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu và thay đổi phương thức quản lý dấu, trao quyền cho doanh nghiệp sẽ có nhiều tác động tích cực; ngoài việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; còn góp phần giảm thiểu tranh chấp nội bộ của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay nhiều tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp kéo dài và nhiều trường hợp không thể giải quyết dứt điểm do con dấu bị chiếm giữ bởi một bên, khiến doanh nghiệp không thể làm dấu mới, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính điều này không chỉ ảnh hưởng đến các bên tranh chấp, mà còn gây ảnh hưởng đến ngừng trệ hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, việc “lạm dụng” dấu trong nhiều trường hợp làm cho giao dịch kém tính khả thi, do các bên bỏ qua việc nghiên cứu, tìm hiểu năng lực đối tác khi ký hợp đồng, mà chỉ dựa vào việc đóng dấu; lợi dụng dấu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối tác. Việc cải cách triệt để về dấu, trao toàn quyền cho doanh nghiệp quyết định về dấu sẽ giúp giảm thiểu các hậu quả phát sinh từ cách thức quản lý dấu hiện nay.
Ba là, bãi bỏ thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ. Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ với Cơ quan đăng ký kinh doanh và công ty có quyền bán cổ phần sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà không nhận được ý kiến phản đối của Cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, Luật không quy định về điều kiện, lý do từ chối việc chào bán cổ phần riêng lẻ nên các cơ quan đăng ký kinh doanh thường không phản hồi đối với trường hợp này. Hiện tại, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định này.
Bốn là, bỏ yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy để đối chiếu. Việc bãi bỏ yêu cầu này sẽ khuyến khích hình thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng được sử dụng nhiều hơn, do thủ tục linh hoạt, nhanh chóng, đáp ứng tình hình thực tiễn của doanh nghiệp cao hơn.
Năm là, bỏ yêu cầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh không được tạm ngừng kinh doanh quá 2 năm liên tiếp: việc này sẽ đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và tạo điều kiện tăng tỷ lệ các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Bên cạnh đó, Điều 205 Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng đã cho phép chuyển đổi trực tiếp doanh nghiệp tư nhân thành các loại hình doanh nghiệp khác (công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh). Trên cơ sở đó, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp đã bổ sung quy định về thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần, mà không qua các bước trung gian, qua đó, tạo thuận lợi cho việc cơ cấu, tổ chức lại hoạt động của doanh nghiệp, giảm bớt các thủ tục, chi phí trung gian không cần thiết trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đã bỏ yêu cầu nộp các giấy tờ, như: Bản sao Điều lệ, Danh sách thành viên/cổ đông đối với trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi doanh nghiệp đã đăng ký; Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh văn phòng đại diện khi đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có) đối với trường hợp đăng ký Giải thể doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng, việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định trên không chỉ giúp doanh nghiệp giảm bớt được thành phần hồ sơ phải kê khai, chuẩn bị, tiết kiệm được chi phí nhờ tận dụng tối đa các thông tin sẵn có trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống thông tin đã kết nối, mà còn giúp cho cơ quan quản lý nhà nước giảm thời gian xử lý hồ sơ.
Đồng thời, việc tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử, như: bỏ yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy để đối chiếu; thực hiện cung cấp hầu hết dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin chính thống, có giá trị pháp lý về doanh nghiệp, tăng khả năng giám sát của cộng đồng đối hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác “hậu kiểm”, minh bạch hóa môi trường kinh doanh.
Nhờ những cải cách đáng kể về thủ tục hành chính nêu trên, nhìn tổng thể, trong giai đoạn 2010-2020, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng từ 83,7 nghìn doanh nghiệp lên đến 134,9 nghìn doanh nghiệp (tăng 61,2%). Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có 128,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 62,7% so với giai đoạn 2011-2015. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong giai đoạn 2017–2020 liên tục gia tăng với tốc độ tăng trung bình là 7,4%.
Mục tiêu cải cách các quy định về hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025
Trên cơ sở kế thừa những thành quả đã đạt được, với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP với mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/05/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA QUY ĐỊNH, ĐIỀU KIỆN KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP TRONG THỜI GIAN TỚI
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, mở rộng việc kết nối, liên thông dữ liệu với các cơ quan có liên quan, nhằm cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Để đạt được liên thông trong chính phủ điện tử hiệu quả, nhất thiết cần phải giải quyết các bài toán liên thông giữa các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương để việc tin học hóa các quy trình hành chính được đảm bảo thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh để tiếp tục đơn giản hóa, cải thiện thủ tục hành chính đối với đối tượng này. Hộ kinh doanh là một chủ thể có số lượng lớn và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong hoạch định chính sách. Trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh chưa có sự phối hợp liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế cấp huyện. Điều đó dẫn đến việc các cơ quan nhà nước không nắm bắt được thông tin kịp thời, dẫn tới vi phạm pháp luật hoặc không thực hiện đúng các nghĩa vụ của các đối tượng này; đồng thời, gây khó khăn trong việc tổng hợp thông tin, phân tích, đánh giá, để từ đó, xây dựng chính sách, quy định hỗ trợ hộ kinh doanh trong quá trình gia nhập thị trường và hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, nâng cấp Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo hướng thân thiện hơn với người dùng, áp dụng các hình thức đăng ký và cung cấp dịch vụ thông qua các nền tảng công nghệ, đảm bảo việc thực hiện các thủ tục trực tuyến được thông suốt với hiệu quả cao nhất.
Thứ tư, nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp lý để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó, cắt giảm thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nghĩa vụ kê khai thông tin cho doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp, số 59/2020/QH14, ngày 17/6/2020
2. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12/5/2020 ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025
3. Chính phủ (2015). Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, ngày 14/9/2015 về đăng ký doanh nghiệp
4. Chính phủ (2018). Nghị định số 108/2018/NĐ-CP, ngày 23/8/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp
5. Chính phủ (2020). Nghị định số 122/2020NĐ-CP, ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp
6. Chính phủ (2021). Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp
7. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Công văn báo cáo về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa theo yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP
Nguyễn Thanh Hòa
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 32 năm 2021)
Bình luận