ẢNH HƯỞNG CỦA EVFTA ĐẾN XK NÔNG SẢN VIỆT NAM

Thuận lợi

Ngành nông nghiệp Việt Nam được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA. Hiệp định được ký kết trong giai đoạn nông nghiệp nước ta đang cấp bách cần đa dạng hóa thị trường XK các mặt hàng nông sản. Trong một vài năm gần đây, do đầu ra quá phụ thuộc vào một vài thị trường quen thuộc, các mặt hàng nông sản của Việt Nam phải liên tục kêu gọi “giải cứu” khi doanh nhân nước ngoài ngừng thu mua. EVFTA đã mở ra cơ hội lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường và thâm nhập vào một thị trường đầy tiềm năng với hơn nửa tỷ dân có sức mua lớn.

Xuất khẩu nông sản hậu EVFTA: Thực tiễn và giải pháp
Ngành nông nghiệp Việt Nam được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA. Ảnh: Internet.

Các mặt hàng nông sản chủ chốt của Việt Nam vào EU là thủy sản, gạo, các sản phẩm trồng trọt, rau quả đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đối với mặt hàng thủy sản, khoảng một nửa số dòng thuế tương đương với 840 dòng thuế, trong đó phần lớn ở mức từ 6% đến 22% sẽ về mức 0%. Một nửa số dòng thuế còn lại hiện đang ở mức từ 5% đến 26% sẽ về 0% sau khoảng thời gian 3 đến 7 năm. Mặt hàng gạo vốn không phải là mặt hàng chủ chốt xuất sang EU, nhưng có kim ngạch XK tăng đều trong những năm gần đây. Sau 3-7 năm, thuế suất mặt hàng này cũng sẽ về 0%. Hầu hết các sản phẩm trồng trọt, rau quả đều được hưởng ưu đãi thuế khi nhập vào EU. Cụ thể, 520 trong số 556 dòng thuế về 0%. Hạt điều, cà phê, hạt tiêu đều về 0% ngay sau khi thực thi Hiệp định.

Không chỉ giảm thuế đối với các mặt hàng cụ thể, EU còn có cơ chế bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, như: vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn, chè Tân Cương, nho Ninh Thuận, xoài Hòa Lộc, quýt Bắc Cạn, gạo Hải Hậu… Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để nông sản Việt khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới.

Khó khăn

Khó khăn đầu tiên đối với XK nông sản Việt Nam gắn với điều kiện tự nhiên của nước ta. Vào mùa mưa, bão và lũ quét thường xuyên xảy ra ở các tỉnh miền Trung. Lũ lụt và nước biển dâng khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp không còn khả năng canh tác. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp âm thầm xảy ra. Một phần diện tích đất trồng trọt ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn mặt nước biển có thể bị nhiễm mặn khiến hệ số sử dụng đất giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần 1 năm (Hà Anh, 2019).

Ngoài ra, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức còn phổ biến tại Việt Nam. So với các nước trong khu vực, khối lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trên 1ha cây trồng mỗi năm ở Việt Nam gấp từ hai đến mười lần, gây thoái hóa, bạc màu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng đất nông nghiệp. Mặt khác, các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng dẫn đến tình trạng dư thừa hóa chất trong các mặt hàng nông sản. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến hàng nông sản của Việt Nam bị trả lại do không đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp, kể cả ở quy mô vừa và lớn trong lĩnh vực XK nông sản vẫn chưa có chiến lược phát triển thỏa đáng, chưa chú ý đến phát triển thương hiệu. Một số doanh nghiệp nhỏ đã có ý thức phát triển giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này lại thường không đủ tiềm lực đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cũng như trang bị các thiết bị chế biến và đóng gói hiện đại. Nông sản sau khi thu hoạch vẫn chủ yếu XK dưới dạng thô có giá trị gia tăng thấp. Hệ số đổi mới thiết bị của nông nghiệp Việt Nam chỉ ở mức 7% năm. Sản lượng nông sản sử dụng cho chế biến XK mới dừng ở mức 10%-20%. Bên cạnh đó, hơn 90% trình độ công nghệ chế biến nhiều mặt hàng nông sản hiện ở mức độ trung bình và lạc hậu [5].

Cơ hội

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2020, kim ngạch XK sang thị trường EU của Việt Nam đạt 43,7 tỷ USD và nhập khẩu từ EU là 18,5 tỷ USD. Việc ký kết EVFTA mở ra cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam được tiến sâu vào các nước trong EU bao gồm những thị trường có tầng lớp trung lưu đông đảo và nhu cầu tiêu dùng cao. Trong những năm gần đây, hàng nông sản Việt Nam vào thị trường EU gia tăng do Việt Nam được hưởng mức thuế quan ưu đãi từ Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), là cơ chế ưu đãi thuế áp dụng để hỗ trợ các nước đang và kém phát triển XK hàng hóa sang EU. Phía EU có quyền đơn phương rà soát định kỳ việc Việt Nam hoặc hàng hóa của Việt Nam có được tiếp tục hưởng ưu đãi hay không. Do vậy, cơ chế này không mang tính ổn định. Trong khi đó, EVFTA là một cơ chế ưu đãi thuế quan ổn định và lâu dài cho cả 2 bên. Hiệp định có mức độ tự do hóa thuế quan mạnh mẽ với gần 100% mặt hàng được xóa bỏ thuế nhập khẩu trong vòng 7 năm.

EVFTA là một bước tiến cho Việt Nam trong quá trình tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất và phấn đấu tối đa hóa giá trị gia tăng nhận được. Đồng thời, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận, tiến hành trao đổi mua bán với những thị trường khác có thỏa thuận thương mại tự do với EU, có thêm một nguồn nhập khẩu với giá cả hợp lý và chất lượng tốt hơn.

EVFTA cũng mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội tự hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản trong quá trình nỗ lực phấn đấu để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn mà thị trường này đòi hỏi. Các rào cản kỹ thuật trong thương mại và các biện pháp kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPSS)... đã có những tác động nhất định tới ý thức của người sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian vừa qua. Điều này đòi hỏi người sản xuất phải nâng cao công nghệ kỹ thuật trong quá trình sản xuất, bảo đảm các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm thực hiện các cam kết. EVFTA cũng tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp nước ta được nhập khẩu các loại máy móc, trang thiết bị hoặc nguyên phụ liệu, các giải pháp công nghệ đồng bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp với mức giá hợp lý.

Việc EVFTA được ký kết đã tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động trao đổi thương mại để hàng hóa Việt Nam XK sang châu Âu, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn mà thị trường này đòi hỏi. Những cam kết trong các lĩnh vực, như: phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBTs), các biện pháp kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS)... đã có những tác động nhất định tới hoạt động XK của Việt Nam trong thời gian vừa qua, được cho là sẽ có những tác động tích cực hơn, đem lại những lợi ích đáng kể cho XK của Việt Nam trong thời gian tới.

Thách thức

Đầu tiên, theo các cam kết kèm theo của EVFTA, thì yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ của EU cũng rất chặt chẽ, phải đáp ứng được yêu cầu về giới hạn tỷ lệ % tối đa được phép của nguyên liệu nhập khẩu. Các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng XK hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN. Thêm vào đó, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển nên phần lớn nguồn nguyên, phụ liệu để sản xuất hàng XK đều phải nhập khẩu. Từ những yêu cầu chặt chẽ về quy tắc xuất xứ như trên trong khi hơn 70% nguồn nguyên liệu Việt Nam phải nhập khẩu thì việc tìm ra giải pháp cho vấn đề đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan theo Hiệp định EVFTA chính là một thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp.

Thêm vào đó là các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của EU rất khắt khe và không dễ để đáp ứng. Tại Việt Nam, phương thức nuôi trồng và thực tiễn sản xuất vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa phù hợp để đáp ứng được các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn, tuân thủ các quy trình theo chuẩn quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động sản xuất hoặc phương pháp sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến..., dẫn tới chi phí tuân thủ bị gia tăng, tạo ra một áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp XK nông sản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thông tin kịp thời, từ đó, thời gian các doanh nghiệp có được để đáp ứng các yêu cầu về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đã bị giảm đáng kể, dẫn đến tăng chi phí hoặc có thể hạn chế khả năng XK.

Mặt khác, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt còn khá thờ ơ với vấn đề sở hữu trí tuệ, thì đây lại là yêu cầu đặt lên hàng đầu từ phía EU. Một số điều khoản đòi hỏi về bảo hộ sở hữu trí tuệ của EU còn cao hơn đòi hỏi về quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức Thương mại thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện tượng xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra thường xuyên là do các doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu của mình. Doanh nghiệp nông sản Việt Nam chỉ chú trọng tới số lượng XK, chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu. 90% nông sản của Việt Nam chỉ được XK dưới dạng thô, dù xuất đi sản lượng lớn, chất lượng cao nhưng lợi ích kinh tế mang lại thấp. Ngoài ra, chi phí bảo hộ tốn kém cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến quyết định đăng ký bảo hộ của doanh nghiệp. Vì vậy, việc quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu đã và đang là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay đối với các mặt hàng nông sản của nước ta.

Một thách thức nữa đặt ra là hiện nay nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đang bị sử dụng trái phép. Ví dụ như, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc tràn lan trên thị trường, thậm chí Malaysia và Thái Lan cũng sản xuất nước mắm Phú Quốc. Một lý do cho thực trạng này là việc quản lý còn nhiều bất cập. Thiếu chế tài xử lý việc sử dụng trái phép thương hiệu khiến người tham gia sản xuất không mặn mà bảo hộ, làm mất giá trị sản phẩm. Đây là một trong những vấn đề mà Chính phủ và các bộ, ngành cần đặc biệt quan tâm.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Đầu tiên, Việt Nam cần phát huy những điểm mạnh vốn có. Với khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi để xây dựng một hệ thống sản xuất nông sản đa dạng và phong phú. Đặc biệt, có nhiều loại đặc sản vùng miền khác nhau tạo nên một thị trường nông sản phong phú và đa dạng. Cao su, hồ tiêu, gạo, chôm chôm, nhãn, vải… đều là những mặt hàng được thị trường EU ưa chuộng. Địa thế đường bờ biển kéo dài thuận lợi cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Thủy hải sản của Việt Nam đã và đang khẳng định được vị trí của mình tại thị trường các quốc gia EU. Thêm vào đó, chúng ta có nguồn lao động dồi dào, mật độ dân số trẻ cao. Xuất phát là một quốc gia nông nghiệp với 70% lao động ở nông thôn. Đây chính là những ưu điểm hết sức quan trọng trong sản xuất và chế biến nông sản XK. Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản của chúng ta, như: cà phê, hồ tiêu, cá biển, trái cây nhiệt đới đã vào được thị trường EU thành công và trở thành mũi nhọn giúp củng cố vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường; Từ đó, lan tỏa ảnh hưởng, thúc đẩy việc XK các mặt hàng khác. Bên cạnh những điểm mạnh này, chúng ta cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tận dụng những cơ hội mà EVFTA mang lại, cụ thể như sau:

Về phía Nhà nước

Thứ nhất, có các chính sách để thúc đẩy áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến hàng nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp còn thấp, tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi đó ở Braxin là 1,8%, Trung Quốc là 0,5%. Nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, sử dụng nhiều công nghệ lạc hậu, năng suất chất lượng thấp. Trong khi đó, EU là thị trường khó tính với những yêu cầu hết sức chặt chẽ về chất lượng. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách ưu tiên để phát triển công nghệ kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.

Thứ hai, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vốn và công nghệ để phát triển sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả có thể tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, như: cho vay nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp kinh doanh XK hàng hóa nông sản…

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đào tạo nhằm thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp của nông dân, như: kỹ thuật sản xuất nông sản sạch, an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và đổi mới công nghệ.

Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nhanh chóng xây dựng và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa nhằm nâng cao uy tín trên thị trường và phòng tránh bị mất thương hiệu vào tay các doanh nghiệp nước ngoài như một số vụ việc đã xảy ra vài năm gần đây. Riêng với nông sản, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý nắm vai trò hết sức quan trọng. Đây là tiền đề giúp cho các sản phẩm của chúng ta khẳng định được thương hiệu của mình, có chỗ đứng vững vàng tại thị trường trong nước và thế giới.

Thứ năm, phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ nguyên vật liệu của các mặt hàng nông sản Việt Nam. Việc quy hoạch các cụm sản xuất công nghiệp phụ trợ, sản xuất, chế biến nông nghiệp tập trung, giảm tình trạng rải rác, manh mún và tự phát cũng là một chiến lược cần thiết.

Đẩy mạnh công tác thông tin như dự báo thị trường, thống kê, điều tiết sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ nông dân nhằm ứng phó kịp thời với những biến động bất lợi của kinh tế và thị trường thế giới. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu về thị trường tiếp cận, nhận định được những tiềm năng, cũng như đánh giá được sức cạnh tranh của từng loại nông sản để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiến vào thị trường EU.

Cuối cùng, cần xây dựng hệ thống quy định và chế tài chặt chẽ về vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề hàng đầu được các nước châu Âu quan tâm. Do đó, Nhà nước cần tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường và có chế tài nghiêm khắc đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Về phía doanh nghiệp

Một là, các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất chế biến nông sản XK cần nâng cao chất lượng hàng nông sản phù hợp với các cảm kết của Việt Nam trong EVFTA và các thị trường đối tác quan trọng. Đặc biệt, hiện nay, thị trường hàng hóa nông sản hữu cơ thế giới đang phát triển nhanh, nhu cầu đối với mặt hàng hữu cơ tăng cao. Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu trong tương lai giúp đưa người nông dân tới gần hơn với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp phát triển, là tiền đề để doanh nghiệp XK nông sản tiến xa hơn, thâm nhập sâu vào thị trường EU. Song song với đó, doanh nghiệp và hộ gia đình cần chú trọng ứng dụng công nghệ, như: việc truy xuất nguồn gốc nông sản điện tử, giúp mở rộng thị trường XK.

Hai là, tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Để tham gia vào việc xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần lựa chọn mặt hàng có thể mạnh để quảng bá tại các hội chợ hàng nông nghiệp trong nước và nước ngoài, đưa thông tin về nông sản tới các các thị trường mục tiêu.

Ba là, có chiến lược để thâm nhập sâu và rộng hơn vào thị trường XK. Doanh nghiệp có thể áp dụng mở rộng thị trường theo chiều sâu, như: đẩy mạnh lượng tiêu thụ và kim ngạch XK đối với các đối tác truyền thống của mình. Tại thị trường đã có sẵn đối tác, doanh nghiệp gia tăng số lượng khách hàng bằng việc nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng nông sản, có các chính sách đãi ngộ... thể hiện ưu thế của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Với mở rộng thị trường theo chiều rộng, doanh nghiệp cần có các hoạt động nghiên cứu. dự báo nắm bắt được đặc điểm, thị hiếu của từng thị trường để chào bán các sản phẩm nông nghiệp phù hợp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương (2021). Tình hình xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chính sang các nước thành viên EVFTA

2. Trung tâm WTO (2019). Tóm lược Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu

3. Bộ Công thương (2020). Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2020, Nxb Công Thương

4. Hà Anh (2019). Biến đổi khí hậu và 5 nguy cơ đối với nông nghiệp Việt Nam, truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/bien-doi-khi-hau-va-5-nguy-co-doi-voi-nong-nghiep-viet-nam-314416.html

5. Tiến Anh (2020). Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển công nghiệp chế biến nông sản, truy cập từ https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-ve-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-nong-san-450115/

TS. Trương Thu Hà

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 32 năm 2021)