Chế biến gỗ và lâm sản phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các đại biểu là lãnh đạo các bộ,ngành, UBND các tỉnh, thành phố có ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển; một số đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị xã hội; các hiệp hội và cộng đồng 400 doanh nghiệp đại diện cho 4.500 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trị Hội nghị
Năm 2018, xuất khẩu đạt 9 tỷ USD
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2010-2017 và đạt 8,032 tỷ USD vào năm 2017, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020. Năm 2018, toàn ngành hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu lâm nghiệp đạt 9 tỷ USD, tạo tiền đề để đạt 15 tỷ USD vào năm 2025, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh việc đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của cả nước, ngành chế biến lâm sản với khoảng 4.500 doanh nghiệp (khu vực tư nhân chiếm 95%) đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến và cho hàng triệu lao động trồng ở khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững. Chế biến lâm sản đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội và là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất siêu đạt 73%, nằm trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam.
“Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch XK đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, đứng thứ 2 Châu Á và thứ 5 trên Thế giới ” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngành chế biến gỗ và lâm sản phải gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào ngành chế biến gỗ, ưu tiên các doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, máy móc thiết bị, công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trình Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị
“Phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu theo hướng đầu tư chiều sâu, chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ rừng tự nhiên sang rừng trồng, phát triển nguyên liệu trong nước, bảo đảm được nhu cầu nguyên liệu có chất lượng cao cho sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu trong nước, không khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu và các sản phẩm sơ chế”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản
Ghi nhận vai trò của ngành chế biến gỗ và lâm sản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, tinh thần lao động hăng say của đội ngũ công nhân và người lao động để đạt được những kết quả tích cực như ngày hôm nay.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhìn nhận những vấn đề khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đang gặp phải. Đó là: Nguồn nguyên liệu phát triển chưa bền vững, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu có chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Sự hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến với người trồng rừng còn yếu.
“Đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu phù trợ mới bước đầu phát triển nên còn nhiều hạn chế, chưa tạo dựng được thương hiệu cho các sản phẩm gỗ của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng, công nghệ trồng rừng, chế biến và quản trị doanh nghiệp còn hạn chế. Sản phẩm còn mang tính thủ công, năng suất thấp. Đặc biệt việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm còn yếu. Chưa có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
“Chúng ta còn nhiều trăn trở khi nhiều mặt hàng hoàn toàn có thể sản xuất được, bảo đảm chất lượng mà vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu để cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước”, Thủ tướng bày tỏ.
Nhấn mạnh bất cập về thực thi pháp luật về lâm sản, Thủ tướng tái khẳng định chủ trương: Kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, không phá rừng làm cây công nghiệp.
Từ các kết quả ban đầu đạt được của ngành gỗ, Thủ tướng đưa ra quan điểm, mục tiêu phát triển thời gian tới là phát triển bền vững, hiệu quả, hiện đại, hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, khu vực. Sử dụng nguyên liệu hợp pháp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực tốt, phát triển hệ thống công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics tốt hơn nữa trong phát triển ngành gỗ.
“Ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu cho ngành chế biến gỗ và lâm sản. Cụ thể, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, năm 2019 đạt 10-11 tỷ USD, năm 2020 đạt 12-13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18-20 tỷ USD. Đây là con số cao hơn con số mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, mục tiêu này không phải là viển vông.
“Tôi đã nghe ý kiến của các doanh nhân, các hiệp hội, các địa phương, đều có nguyện vọng phát triển này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng gợi ý một số giải pháp. Đầu tiên, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp năm 2017, trong đó, có điểm mới quan trọng là coi ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.
“Các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa cho ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển”, Thủ tướng yêu cầu.
Đồng thời, khuyến khích đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ trong trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.
Nhấn mạnh việc đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm để tăng giá trị gia tăng, Thủ tướng chia sẻ câu thơ mà ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) vừa gửi cho Thủ tướng: “Làm nghề mộc phải có hồn thi sĩ, tìm ý thơ trên mặt gỗ vô tình”. “Gỗ thì vô tình nhưng nghệ nhân, thiết kế phải làm sản phẩm hấp dẫn hơn, thu hút hơn, từ đó giá trị gia tăng cao hơn”.
Đi liền đó là đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng, đến công nghệ chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng.
“Các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành chế biến gỗ và lâm sản, nhất là trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, cần làm tốt công tác phát triển thị trường trong và ngoài nước. Nghiên cứu sự phát triển của ngành bất động sản toàn cần và các hiệp định thương mại tự do… là cơ hội tốt để ngành gỗ Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới.
“Tập trung làm tốt tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp, thay đổi tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang rừng trồng. Kiên quyết không sử dụng gỗ bất hợp pháp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tôn trọng luật pháp quốc tế, sử dụng nguyên liệu hợp pháp, nghiên cứu thị trường quốc tế, phòng tránh tranh chấp có thể xảy ra.
“Có một vấn đề chúng ta rất quan tâm, là thương hiệu. Tất cả điều chúng ta muốn làm để đạt mục tiêu trên sẽ không có được nếu không có thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam”, Thủ tướng chia sẻ.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng cũng cho biết, sau hội nghị hôm nay, sẽ ban hành Chỉ thị để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phát triển nhanh, bền vững./.
Bình luận