Chỉ được trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an
Theo đó, cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, trước nhiều ý kiến của dư luận lo ngại về quy định tăng nhiều quyền hạn của cảnh sát giao thông, trong ngày 14/02/2016, trả lời báo giới, đại diện Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, Thông tư 01 không đi ngược lại với những văn bản luật pháp hiện hành, với những nội dung trong Luật Trưng mua, Trưng dụng Tài sản năm 2008 (về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục...) và Luật Công an Nhân dân năm 2014.
Lực lượng cảnh sát giao thông chỉ thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an. Những trường hợp cảnh sát giao thông được huy động, trưng dụng tài sản của người dân phải là trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.
Bộ Công an cũng đã có công văn gửi giám đốc công an các tỉnh, thành giải thích, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 01, đảm bảo không để xảy ra tiêu cực, gây bức xúc trong nhân dân, cũng như không để tình trạng cảnh sát giao thông lạm quyền.
Bên cạnh đó, Thông tư 01 cũng cho phép xử phạt không cần lập biên bản.
Tại khoản 3 Điều 15 của Thông tư nêu rõ “Đối với vi phạm thuộc trường hợp không phải lập biên bản vi phạm hành chính hoặc thuộc thẩm quyền của mình mà không cần điều tra xác minh thì có thể ra quyết định xử phạt tại chỗ hoặc ngay trong thời gian thực hiện ca tuần tra, kiểm soát. Đối với những trường hợp khác thì phải củng cố hồ sơ vi phạm chuyển đến cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt”./.
Bình luận