Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam: Xu hướng và thực tiễn
Phát triển bền vững - con đường tất yếu
Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Kinh tế thế giới đang phải đương đầu với ba cú sốc lớn làm thay đổi cơ bản về mặt cơ cấu, là: khủng hoảng tài chính ngân hàng, khủng hoảng lương thực và khủng hoảng về nguyên liệu, đặc biệt về năng lượng. Thế giới hiện tại có khoảng 1,4 tỷ người đang sống với 1,25 USD/ngày hoặc ít hơn; 1,5 tỷ người không có điện để dùng và gần 1 tỷ người đang bị đói mỗi ngày...
Cùng với tình trạng nghèo đói không được cải thiện và đang xấu đi là sự bất bình đẳng trong xã hội cũng ngày càng gia tăng. Tài nguyên, đặc biệt là nguồn năng lượng và nước đang ngày càng trở nên khan hiếm, môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng đang là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan như là hệ quả của biến đổi khí hậu đang hoành hành ngày càng nhiều và khốc liệt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Do vậy, phát triển bền vững là xu thế chung mà toàn nhân loại đang nỗ lực hướng tới. Đó là con đường duy nhất để đạt được sự thịnh vượng và cho phép tất cả nhân loại chia sẻ một cuộc sống đầy đủ trên hành tinh của chúng ta.
Ở Việt Nam, thời gian qua sự tăng trưởng kinh tế còn dựa chủ yếu vào khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc tiếp tục diễn ra, như: nạn tái nghèo đói; thiếu việc làm, nhất là đối với thanh niên; tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự gia tăng; tệ tham nhũng quan liêu tăng mạnh và tinh vi hơn. Môi trường tiếp tục bị xuống cấp trong khi các thảm họa do thiên tai và những diễn biến về thay đổi khí hậu toàn cầu đang tăng nhanh, gây nhiều thiệt hại về người và của và đang gây những áp lực cho phát triển bền vững đất nước. Rừng bị tàn phá, đa dạng sinh học suy giảm. Tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. An ninh năng lượng và nguy cơ thiếu hụt năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước đang hiện hữu.
Do vậy, phát triển bền vững là yêu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong sự phát triển của Việt Nam. Đó cũng là mục tiêu chiến lược quan trọng mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm thực hiện.
Trước yêu cầu cấp thiết đó, năm 2005, Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia đã được thành lập với chức năng tư vấn, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện định hướng chiến lược phát triển bền vững trong phạm vi cả nước và giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Hệ thống tổ chức thực hiện phát triển bền vững cũng được thành lập tại các bộ, ngành, địa phương. Đến năm 2012, Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia được đổi tên thành Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh do Phó Thủ tướng làm Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Chủ tịch thường trực và Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cùng với đó, với tư cách là cơ quan tham mưu, tổng hợp chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành và cùng với các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững. Đặc biệt, để cụ thể hóa định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tại Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12/04/2012. Chiến lược đã xác định các quan điểm, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển trong 10 năm tới, các nhóm giải pháp và các chỉ tiêu phát triển bền vững để giám sát, đánh giá quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Có thể thấy, trong quá trình thực hiện phát triển bền vững, các nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững đã từng bước được lồng ghép vào trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, cũng như của các bộ, ngành và địa phương. Trong đó, quan điểm phát triển bền vững đã được khẳng định tại các văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng, cũng như ở Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010. Quan điểm này cũng tiếp tục được khẳng định trong các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, đó là “phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược”.
Đánh giá một cách tổng thể, những thành tựu phát triển kinh tế thời gian qua đã tạo nguồn lực cho việc giải quyết thành công hàng loạt các vấn đề xã hội, như: xoá đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua đã bước đầu gắn kết với bảo vệ môi trường. Sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa 3 mặt: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường bước đầu được xác lập và khẳng định mạnh mẽ trong thực tế.
Tăng trưởng xanh - phương thức mới để phát triển bền vững
Ngay trong nửa sau của thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, hướng tiếp cận “tăng trưởng xanh” được thế giới nghiên cứu và phát triển. Tăng trưởng xanh/phát triển ít các-bon là mô hình phát triển mới được nhiều nước trên thế giới quan tâm, đặc biệt ở khu vực châu Á Thái Bình Dương - nơi đã thu được nhiều kết quả quan trọng, không những để giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống người dân.
Là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định phương thức tăng trưởng xanh là nỗ lực của Chính phủ trong quá trình thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế cùng chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đó cũng là cơ hội nâng cao đời sống cho người dân thông qua việc tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tiếp tục theo đuổi thành công mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Nhận thức được vai trò của việc xây dựng và thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, ngày 25/09/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh. Trong đó, xác định, tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới ở Việt Nam, phù hợp với quan điểm và định hướng phát triển của Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam và cụ thể hóa tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020: “Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Ðẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Việt Nam đã xác định tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tăng trưởng xanh là “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh Việt Nam trong phạm vi toàn quốc, theo đó đã triển khai thực hiện các hoạt động sau:
- Về thể chế và kiện toàn tổ chức: Ngày 20/03/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg về Kế hoạch Hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai thành lập Ban Điều phối liên ngành về Tăng trưởng xanh trực thuộc Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu do Phó Thủ tướng đứng đầu và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó ban thường trực; triển khai xây dựng hướng dẫn đầu tư tăng trưởng xanh để lồng ghép nội dung tăng trưởng xanh vào quy trình kế hoạch hóa phát triển kinh tế - xã hội.
- Về công tác xây dựng kế hoạch hành động: Các kế hoạch hành động trong lĩnh vực phụ trách của bộ, ngành và cấp địa phương về tăng trưởng xanh (như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường; trên 25 địa phương, như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bến Tre, TP. Đà Lạt, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận...) đã và đang được xây dựng. Ba bộ: Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, 2 tỉnh: Quảng Nam, Bắc Ninh đã phê duyệt HĐND về tăng trưởng xanh. Trong đó, bước đầu tập trung đánh giá hiện trạng, xác định những ngành chính, tiềm năng, những lựa chọn ưu tiên, đề xuất cơ chế huy động nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh với sự tham gia của khu vực tư nhân...
- Về các hoạt động thu hút nguồn lực cho tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ đánh giá việc cung cấp ODA cho 66 hành động của chiến lược tăng trưởng xanh. Từ đó, xác định nhu cầu về nguồn lực và những ưu tiên trong thời gian tới về việc sử dụng nguồn vốn ODA cho các hành động về tăng trưởng xanh. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương huy động nguồn lực của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế để thực hiện các hoạt động về tăng trưởng xanh, như: tăng cường năng lực; thực hiện thí điểm các hoạt động tại một số địa phương thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật (Ninh Thuận, Đà Lạt, Bắc Ninh, Bình Thuận...); triển khai dự án thành lập Quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh... Kết quả, vận động được 5 triệu EUR từ Chính phủ Vương quốc Bỉ; 2 triệu USD từ Chính phủ Hàn Quốc và 3,6 triệu USD là từ Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP)...
Ngoài ra, với tư cách là cơ quan đầu mối quốc gia (NDA) để tiếp cận Quỹ Khí hậu xanh và sự cần thiết nghiên cứu cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực phối hợp với các nhà tài trợ để đánh giá năng lực, xây dựng các điều kiện về thể chế, nhân lực và bộ máy để tăng cường sự sẵn sàng tiếp cận trực tiếp và gián tiếp với các nguồn lực quốc tế dành cho tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương chủ trì Diễn đàn năng lượng Xanh do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 19/04/2015
Những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Thứ nhất, cần hình thành các kế hoạch hành động, các dự án ưu tiên cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức hiện có, tăng cường năng lực dịch vụ tài chính, ngân hàng và thị trường tiền tệ để huy động các nguồn lực tài chính; vận động tài trợ.
Thứ ba, hoàn thiện và ban hành hướng dẫn đầu tư công xanh, phối hợp các tổ chức nước ngoài, các quốc gia trong khu vực để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm.
Thứ tư, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nguồn đầu tư nhà nước và ODA sẽ là chất xúc tác để thu hút, hình thành môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh (dưới hình thức chuyển đổi công nghệ/dự án thí điểm/nghiên cứu điển hình); Giới thiệu các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất điện.
Thứ năm, những hoạt động thuộc Kế hoạch Hành động về Tăng trưởng xanh cần được triển khai đồng bộ và phù hợp với các nội dung về: Nâng cao nhận thức; hoàn thiện thể chế; thay đổi cơ cấu kinh tế ngành, địa phương và doanh nghiệp và đổi mới công nghệ.
Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng; giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất, vận tải, thương mại; từng bước thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và giao thông, như: sử dụng nguồn năng lượng mới, sạch, tái tạo, ít phát thải khí nhà kính; giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững bằng cách chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng; tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp…/.
Bình luận