Ngày 16/09/2016, dự án Luật Quy hoạch đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông giải trình về nội dung dự án Luật Quy hoạch tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Từ “quy hoạch” thường xuyên bị lạm dụng

Trong tờ trình về dự án Luật Quy hoạch, Chính phủ nêu rõ, hiện nay, quy hoạch được lập quá nhiều, nhưng chất lượng quy hoạch thấp.

Tình trạng lập quy hoạch quá nhiều, nhưng không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, trong thời kỳ 2001-2010, số quy hoạch được lập là 3.114, thì đến thời kỳ 2011-2020, số lượng quy hoạch phải lập là 19.285 bản quy hoạch các loại (tăng gấp 6 lần).

Điều đáng nói là từ “quy hoạch” thường xuyên bị lạm dụng, nhiều ngành, lĩnh vực chỉ cần xây dựng các đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý và đưa ra những dự báo, định hướng, chính sách phát triển cũng được lập thành quy hoạch gây lãng phí nguồn lực.

Chính phủ chỉ đích danh những “quy hoạch” mạo danh đó là: Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo; Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng; Quy hoạch sản xuất rượu và làng nghề sản xuất rượu địa phương; quy hoạch sản xuất thuốc lá, mạng lưới buôn bán thuốc lá...

Đã vậy, nhiều quy hoạch vùng được lập, nhưng không rõ đối tượng quản lý, không quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện, nên không thể triển khai thực hiện được.

Đó là: Quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, Quy hoạch xây dựng vùng dọc tuyến đường, hay Quy hoạch tổng thể phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh-Mộc Bài.

Chính phủ cũng chỉ rõ, có những bản quy hoạch nội dung giống như một báo cáo nghiên cứu khoa học, thiếu thực tiễn và thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa thực sự phục vụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu phát triển nhiều khi xuất phát từ mong muốn chủ quan, không phù hợp với yêu cầu của thị trường và nguồn lực thực có, dẫn đến quy hoạch thường xuyên bị phá vỡ, phải điều chỉnh trong thời gian ngắn sau khi ban hành.

Dẫn chứng nhu cầu vốn đầu tư ưu tiên cho các dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giai đoạn 2011-2020 nằm trong các quy hoạch là 385-390 tỷ USD, trong khi thực tế khả năng huy động được chỉ đạt 210-215 tỷ USD (chiếm 50%), Chính phủ đã chỉ rõ: “Hầu hết các quy hoạch được lập không phù hợp với thực tiễn và không gắn với nguồn lực thực hiện; các dự án ưu tiên đầu tư trong quy hoạch quá lớn, không phù hợp với khả năng huy động, nên kết quả thực hiện quy hoạch rất hạn chế”.

Chính phủ cũng chỉ rõ sự thiếu gắn kết giữa các quy hoạch, đặc biệt là khi xử lý các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Đó là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội mang tính chính trị, chỉ chú trọng xác định những chỉ tiêu, định hướng phát triển, chưa chú trọng việc tổ chức không gian lãnh thổ. Còn quy hoạch ngành lại thiếu tính tổng thể, xem nhẹ việc gắn kết ngành và lãnh thổ. Quy hoạch xây dựng vùng chủ yếu thiên về tính kỹ thuật, thiếu cơ sở để xác định động lực cho sự phát triển. Quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện phân vùng chức năng sử dụng đất theo không gian mà mới chỉ chú ý đến việc phân bổ các chỉ tiêu loại đất, thiếu sự gắn kết với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng vùng.

“Chính vì vậy, trên cùng một mặt bằng lãnh thổ cả bốn quy hoạch này không liên kết, khớp nối với nhau”, tờ trình nêu rõ.

Hệ thống quy hoạch không thống nhất về đối tượng quy hoạch và không tương thích về thời kỳ, phạm vi, trình tự, phương pháp lập quy hoạch, gây khó khăn trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất có cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội có ở cấp vùng, cấp tỉnh, cấp huyện; quy hoạch xây dựng vùng có cấp vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, vùng huyện, liên huyện, vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh).

Đã vậy, nhiều quy hoạch có sự trùng lặp trên cùng một mặt bằng lãnh thổ (cùng một nội dung và cấp phê duyệt) dẫn đến khó khăn khi tổ chức triển khai thực hiện và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch.

Mặt khác, một số ngành, lĩnh vực bị chia cắt, phân khúc để lập quy hoạch, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo khi thực hiện.

Không thể không có Luật Quy hoạch

Lý giải lý do cần phải có Luật Quy hoạch, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, hiện nay, quy hoạch không phù hợp với các quy luật, nguyên lý kinh tế thị trường nên không phát huy được hiệu quả, ngược lại còn cản trở thu hút đầu tư và gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Dự thảo Luật Quy hoạch được đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn bạc ngày 16/09/2016 bao gồm 8 chương với 69 điều.

a) Chương I: Quy định chung, gồm 10 điều.

b) Chương II: Hệ thống quy hoạch, gồm 2 điều.

c) Chương III: Lập quy hoạch, gồm 12 điều.

d) Chương IV: Thẩm định và phê duyệt quy hoạch, gồm 8 điều.

đ) Chương V: Điều chỉnh quy hoạch, gồm 4 điều.

e) Chương VI: Quản lý thực hiện quy hoạch, gồm 26 điều.

g) Chương VII: Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, gồm 5 điều.

h) Chương VIII: Điều khoản thi hành, gồm 2 điều.

Nếu Luật được thông qua, thì kể từ ngày 01/01/2020, tất cả hoạt động quy hoạch sẽ phải thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch.

Điển hình là các quy hoạch sản phẩm. Trong thực tế, nhu cầu của nhiều sản phẩm do thị trường quyết định dựa trên quy luật cung-cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh (không thể dự báo chính xác biến động của thị trường trong nước và quốc tế), nhưng vẫn được các cấp, các ngành tổ chức lập quy hoạch.

Chính phủ cũng nêu rõ, đã có quy hoạch sản phẩm bị sử dụng là bằng chứng bất lợi cho Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá, gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Theo Chính phủ, việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách hiện nay để khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch nêu trên; đồng thời, Luật Quy hoạch hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển.

Luật Quy hoạch cũng sẽ là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Dự án Luật Quy hoạch đã có sự đồng thuận cao trong Chính phủ

Thay mặt Chính phủ giải trình về dự án Luật Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, dự án Luật Quy hoạch được nghiên cứu, chuẩn bị từ năm 2010 và đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Quy hoạch theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến tại 3 phiên họp Chính phủ, Thường trực Chính phủ cho ý kiến tại 3 cuộc họp Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 5213/VPCP-PL, ngày 26/06/2016 của Văn phòng Chính phủ.

Căn cứ các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và hoàn thiện dự án Luật Quy hoạch báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới.

Thứ trưởng cũng khẳng định, Chính phủ đã có sự đồng thuận rất cao về nội dung dự án Luật này.

Cụ thể, khoá trước, khi đưa ra Chính phủ thì có 24/26 thành viên đồng thuận. Còn nhiệm kỳ này, thì chỉ có một quan điểm không đồng thuận. Và, Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội dự án Luật này.

Giải trình về chủ trương loại bỏ các quy hoạch sản phẩm ngành – vấn đề vẫn còn ý kiến ở một số Bộ băn khoăn, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, Chính phủ cũng rất đồng thuận với chủ trương này.

Lấy điển hình là Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương, Thứ trưởng cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, anh lấy quy hoạch để cho người này quyền xuất khẩu mà người kia không được là không đúng, có chăng chỉ có điều kiện để được xuất khẩu chứ không phải đưa vào luật này.

“Thậm chí, còn quy hoạch cả cá tra, cá rô phi... như thế là sai lầm, vì chuyển sang nền kinh tế thị trường thì ở đó nguồn lực không chỉ của nhà nước mà còn nằm trong túi của xã hội, của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông phân tích và lưu ý sản phẩm phát triển đến đâu là do yêu cầu thị trường, cả trong nước và quốc tế.

“Chúng ta đặt ra quy hoạch mà không kiểm soát được ngoài thị trường thì chúng ta cũng không quản lý được cái gì cả. Đó còn là cái cớ để xin - cho, tạo rào cản rất nhiều. Do đó, nhiều ý kiến trong Chính phủ đồng thuận rất cao bỏ quy hoạch ngành sản phẩm” ,Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Như vậy, việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay trong Luật Quy hoạch sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời, việc thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, Luật Quy hoạch cùng với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, về “Quy hoạch ngành quốc gia”, đa số ý kiến đồng ý với chủ trương loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay với lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Bảo vệ quan điểm quy định theo hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành, Thứ trưởng Đông cho biết, từ trước đến nay từng bộ, ngành đều dựa trên luật chuyên ngành có quy định rất là chung là chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch về vấn đề này, vấn đề kia, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn do không làm tích hợp.

“Giờ phương pháp tích hợp là các bộ ngành khác nhau và tất cả đối tượng chịu ảnh hưởng đều phải tham gia vào quá trình quy hoạch vì nó tác động đến tất cả đối tượng, chứ không phải của một bộ ngành duy nhất" ông Đông nhấn mạnh và tin rằng phương pháp này sẽ khắc phục được xung đột lợi ích hiện hữu không chỉ giữa Nhà nước với xã hôi, Chính phủ với doanh nghiệp, người dân mà còn khắc phục xung đột giữa các bộ, ngành với nhau, giữa Trung ương và địa phương, giữa phát triển vùng và địa phương”.

Theo đó, quy trình là các bộ ngành bằng chuyên môn của mình đứng ra bảo vệ quy hoạch từng có trước đây nhưng chịu sự cọ xát, tranh luận với đối tượng, địa phương khác chịu ảnh hưởng.

Cho rằng quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương án tích hợp là vạch nối quan trọng còn thiếu giữa chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, khi triển khai sẽ lập hội đồng thẩm định (Bộ và cơ quan tư vấn độc lập) rà soát quy hoạch hiện hữu, từ đó giữ lại cái gì còn hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển, cái gì bất cập, chồng chéo thì bỏ.

“Chúng tôi xây dựng Luật này không phải để kéo việc về cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định.

Thống nhất sự cần thiết ban hành luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra nhiều yêu cầu để hoàn thiện, với những nội dung còn nhiều phương án, thì khi trình phải chốt một phương án.Tuy nhiên, trong nội dung dự án Luật còn nhiều phương án khác nhau và còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét dự án này ở phiên họp tháng 10./.