Chính phủ phải tìm nguồn vốn để canh tân ngành đường sắt
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội sau nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, ngày 30/05/2017.
Tăng tỷ trọng đầu tư cho đường sắt
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã rà soát, chỉnh sửa Điều 5 của Dự thảo Luật. Cụ thể, Khoản 1 quy định Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt; Khoản 2 và Khoản 5 quy định Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, kinh doanh đường sắt; phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng có kết nối với đường sắt quốc gia; Khoản 4 đã bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao để phát triển đường sắt hiện đại.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình), nội dung quy định tại khoản 1, điều 5 quy định tại luật sửa đổi lần này không rõ ràng, vì không biết được quy hoạch xây dựng là thế nào. Trong quy định của Luật Đường sắt 2005 và Nghị quyết số 13 đều yêu cầu đường sắt quốc gia phải phát triển hiện đại, nhưng ở khoản 1 Điều 5 Luật mới không thể hiện được yêu cầu này. Như vậy, vừa không có tính kế thừa của Luật Đường sắt 2005 vừa không thể hiện yêu cầu của Nghị quyết 13. Trong khi đây là một nội dung rất quan trọng, làm cơ sở pháp lý để giao thông đường sắt phát triển.
“Tôi xin đề nghị chỉnh sửa lại khoản 1 Điều 5 như sau: Ưu tiên nguồn lực cho bảo trì, nâng cấp một số tuyến đường thuộc hệ thống đường sắt quốc gia để nâng cao phát triển tàu, năng lực vận tải, đảm bảo an toàn trong giao thông vận tải đường sắt, phát triển đường sắt tại các đô thị lớn để giải quyết sự quá tải trong giao thông đô thị. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng giao thông đường sắt quốc gia, vận chuyển tốc độ cao phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội để kết nối các đô thị, trung tâm kinh tế của đất nước”, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đề nghị.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Chương – TP. Hồ Chí Minh đề nghị, Quốc hội, Chính phủ phải hạ quyết tâm chiến lược trong hôm nay để đặt nền móng cho vài thập kỷ nữa để có một hệ thống đường sắt và một ngành công nghiệp đường sắt hiện đại.
Đại biểu Nguyễn Văn Chương phát biểu tại Hội trường |
Từ quyết tâm chiến lược này, đại biểu đề nghị Chính phủ tìm nguồn vốn để canh tân ngành đường sắt. Vì theo đại biểu, xây dựng đường sắt hiện đại là đầu tư cho phát triển tiềm lực kinh tế và quốc phòng, đồng thời có tác dụng trực tiếp đến tăng cường sức mạnh quốc phòng để bảo vệ hòa bình cho đất nước, bảo vệ biển đảo.
Trong thời gian trước mắt, đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ: "Xin đừng quên ngành đường sắt như mấy chục năm qua ta đã quên ngành vận tải chiến lược này".
Đồng tình với đại biểu Chương, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Luật Đường sắt sau khi ban hành sẽ tạo động lực để phát triển ngành đường sắt một cách toàn diện. Do đó, cần có chính sách xã hội hóa mạnh mẽ, tạo cơ chế để Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị kinh doanh thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng, bảo trì, kết cấu hạ tầng đường sắt, đồng thời sớm có chính sách đầu tư, xây dựng cho vùng Tây Nguyên vì đây là địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn.
“Hiện nay kết cấu hạ tầng đường sắt chỉ do Nhà nước thực hiện, chưa có tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư cần có thời gian tương đối lâu dài. Trong thời gian đầu, nên tập trung ưu đãi, hỗ trợ đối với lĩnh vực kinh doanh, vận tải đường sắt là khả thi hơn. Đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số chính sách hỗ trợ để thu hút du khách sử dụng dịch vụ đường sắt đồng thời cần quy định cụ thể hơn chính sách phát triển đường sắt. Cần tập trung thu hút tham gia đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước để nâng cao chất lượng của ngành đường sắt”, đại biểu Tín phát biểu.
Giải quyết dứt điểm lối đi dân sinh
Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay, số lượng đường ngang lối đi dân sinh ngày càng tăng. Mặc dù, Chính phủ đã đề ra những chương trình, đề án nhưng rõ ràng không đủ nguồn lực để giải quyết việc này.
Trong dự thảo Luật này, Chính phủ cũng tiếp thu và cũng đã giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, cho các ngành, các cấp có liên quan giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế nếu không có quy định cụ thể trong luật một lộ trình và một nguồn lực thỏa đáng để giải quyết vấn đề này thì sẽ không giải quyết được việc đó.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), phải quy định cụ thể mang tính nguyên tắc việc xử lý giao cắt không phù hợp với quy định của luật này và có lộ trình thực hiện cụ thể.
“Nên quy định đến năm 2020 phải giải quyết dứt điểm lối đi dân sinh như thế mới đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng ngừa được tai nạn giao thông đường sắt”, đại biểu Thanh Hồng nói.
Thống nhất với ý kiến này, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, việc bổ sung vấn đề này vào hành vi bị cấm trong Luật này là rất cần thiết. Tuy nhiên, qua thực tiễn, đại biểu cho rằng, lối đi dân sinh này là một nhu cầu thực tế, đã là nhu cầu thì đương nhiên phải tồn tại, đã tồn tại rất lâu trong lịch sử bởi vì người ta phải có nhu cầu đó.
“Những quy định trong dự thảo này cần phải nghiên cứu thêm và phải giao trách nhiệm quản lý như thế nào ở các cấp chính quyền địa phương? Đồng thời, phải có nguồn lực và ưu tiên nguồn lực, có lộ trình từ khi chúng ta quy hoạch đến khi chúng ta triển khai thực hiện, rồi đến quản lý nhà nước về lối đi dân sinh này thì mới giải quyết được bài toán về tai nạn giao thông đường sắt tại các lối đi dân sinh trong thời gian vừa qua”, đại biểu Bình kiến nghị.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, vấn đề mở đường ngang dân sinh đang là trở ngại cho ngành đường sắt phát triển và các địa phương cũng không còn đủ nguồn lực để khắc phục. Vì vậy, trong chính sách phát triển đường sắt, nên đề cập hướng giải quyết để tạo thuận lợi cho ngành đường sắt khắc phục đi lên.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) lại cho rằng, giải thích từ ngữ về lối đi dân sinh trong Dự thảo Luật chưa phù hợp. Theo đó, Dự thảo Luật quy định lối đi dân sinh là đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt do tổ chức, cá nhân tự xây dựng và khai thác, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Thủy cho rằng, nếu dùng từ "lối đi dân sinh", thì trong bất kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng nào cần phải quan tâm đến nhu cầu đời sống của nhân dân, trong đó có lối đi dân sinh. Các lối đi dân sinh là yêu cầu bức thiết mà chủ đầu tư dự án và chính quyền địa phương phải quan tâm giải quyết cho nhân dân. Khi dùng từ lối đi dân sinh thì đồng nghĩa chúng ta hiểu, đó là phục vụ cho nhu cầu chung và đây chính là nhu cầu chính đáng của nhân dân.
“Để quy định luật chặt chẽ, dễ hiểu, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung, giải thích từ ngữ về lối đi dân sinh riêng; đề nghị sửa Khoản 23, Điều 3 về giải thích từ ngữ và thay cụm từ "lối đi dân sinh" thành "lối đi tự mở" thì phù hợp hơn”, đại biểu Thủy kiến nghị.
Bình luận