Chính thức thông qua Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Luật ra đời kỳ vọng sẽ góp thêm động lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ hội tốt để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo.
Luật ra đời sẽ góp thêm động lực thực hiện mục tiêu đến 2020 có 1 triệu doanh nghiệp |
Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng theo quan điểm hỗ trợ theo quy mô mà đối tượng áp dụng là doanh nghiệp siêu nhỏ - nhỏ - vừa.
Dự thảo Luật thiết kế theo hướng chỉ quy định nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp mà các luật khác đã quy định, để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Do vậy, nội dung của Luật mang tính khung chính sách và để triển khai thực hiện sẽ cần tiếp tục quy định cụ thể hoá trong văn bản hướng dẫn thi hành.
Các nội dung hỗ trợ và các chương trình mục tiêu được đưa ra trong Luật là những nội dung rất quan trọng, cần thiết, đáp ứng mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, gồm:
(i) Hỗ trợ chung đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng những hỗ trợ thiết yếu, như: tiếp cận vốn từ các ngân hàng, thuế, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý…
(ii) Hỗ trợ cho một số đối tượng trọng tâm có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 4 chương với 36 điều: Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7); Chương II. Nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (từ Điều 8 đến Điều 20); Chương III: trách nhiệm trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (từ Điều 21 đến Điều 32); Chương IV: Điều khoản thi hành (từ Điều 33 đến Điều 36).
Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được trình Quốc hội lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14, tháng 10/2016 để các đại biểu Quốc hội xem xét, có ý kiến. Đến ngày 23/05/2017, tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời các đại biểu quốc hội đã phát biểu ý kiến tiếp tục góp ý đối với dự thảo Luật; sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình một số vấn đề được nêu trong các ý kiến góp ý của các đại biểu quốc hội. Ngày 12/06/2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chính thức được Quốc hội thông qua, với tỷ lệ 410/442 phiếu tán thành. |
Bình luận