Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 2, theo Văn phòng Quốc hội, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Khi trình bày kết quả thẩm tra Tờ trình dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu. Tuy nhiên, những nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật chưa khắc phục một cách căn cơ những bất cập, hạn chế trong báo cáo tổng kết.

Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận thấy, còn một số hạn chế trong triển khai thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng nhằm biểu dương, tôn vinh các đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc về quản lý tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng cũng như quản lý nhà nước đối với việc tổ chức các giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân.

Góp ý cho dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát hiện, các đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xếp ngoài quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Đây là một trong những vướng mắc bộc lộ nhiều năm qua. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định điều chỉnh nội dung này, đồng thời làm rõ vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức phong trào thi đua, quyết định các vấn đề về khen thưởng…

Chủ tịch Quốc hội: Sửa Luật cần khắc phục tình trạng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu khắc phục bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng. Ảnh: Quốc hội

“Luật sửa đổi lần này cần khắc phục bệnh thành tích; bao quát, không để khoảng trống, đảm bảo sự bình đẳng trong các cơ quan, tổ chức chính trị; khắc phục tình trạng chồng chéo. Làm sao đó phải bao quát được giữa khu vực công, khu vực tư. Tuy nhiên, hiện nay chưa điều chỉnh được việc các tổ chức, các hiệp hội đặt ra các danh hiệu, khen thưởng, xảy ra tình trạng đóng tiền để mua danh hiệu...”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo ông Vương Đình Huệ, nhân cơ hội sửa đổi, bổ sung luật lần này để tạo ra bước chuyển biến căn bản trong công tác thi đua, khen thưởng. Từ đó đặt ra trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, của cơ quan thẩm tra thực hiện nghiêm trình tự xây dựng pháp luật...

“Cần áp dụng một cách nghiêm ngặt trình tự xây dựng pháp luật để tránh tình trạng Chính phủ đã giao cho Bộ, Bộ trưởng giao cho Thứ trưởng, Thứ trưởng giao cho vụ, vụ giao cho chuyên viên; rồi tình trạng thẩm tra hời hợt dẫn đến luật ban hành xong lại bắt đầu sửa...”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội: Sửa Luật cần khắc phục tình trạng
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo lại trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ hợp thứ hai diễn ra vào tháng 10 tới.../.