Chủ tịch Tùng Trí Việt: “Mơ ước thực thụ của tôi là trở thành Nhà giáo”
Chủ tịch Tập đoàn Trí Việt, ông Phạm Thanh Tùng |
Cái tên Phạm Thanh Tùng xuất hiện trên TTCK sau khi thương vụ đầu tiên được thực hiện thành công, đó là việc mua lại CTCP Chứng khoán Thái Bình Dương - doanh nghiệp thành lập từ năm 2006. Đến năm 2012, thương vụ thứ hai được hoàn tất với việc mua lại CTCP Thương mại Thúy Dương và phát triển thành CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC).
Năm 2005, ông Phạm Thanh Tùng nhận bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh tài chính tại Trường đại học Birmingham (Anh Quốc). Với suy nghĩ làm gì để có thể đóng góp được nhiều nhất cho xã hội, ông Tùng trăn trở giữa việc lựa chọn con đường trở thành một giảng viên đại học hay là một doanh nhân, đem tài năng và trí tuệ của mình đóng góp cho đời. Cuối cùng, thay vì trở lại Học viện Ngân hàng làm giảng viên, Ông quyết tâm lập nghiệp và chọn thị trường chứng khoán Việt Nam làm nơi thể hiện năng lực, hướng tới xây dựng một định chế tài chính lớn trên thị trường, để sau này Ông có thể tiếp tục sự nghiệp giáo dục thông qua việc mở các cơ sở đào tạo.
Cái tên Phạm Thanh Tùng xuất hiện trên TTCK sau khi thương vụ đầu tiên được thực hiện thành công, đó là việc mua lại CTCP Chứng khoán Thái Bình Dương - doanh nghiệp thành lập từ năm 2006. Đến năm 2012, thương vụ thứ hai được hoàn tất với việc mua lại CTCP Thương mại Thúy Dương và phát triển thành CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC).
Lúc khởi đầu, TVB có vốn điều lệ chỉ 28 tỷ đồng, còn TVC có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, sở hữu đa số thuộc về Phạm Thanh Tùng. 2 công ty được tổ chức theo mô hình mẹ - con, hợp sức phát triển các nghiệp vụ kết nối giữa hoạt động cốt lõi của ngành chứng khoán (dịch vụ giao dịch) với hoạt động của một ngân hàng đầu tư (thu xếp vốn). Theo thời gian, TVC-TVB dần dần lớn mạnh và trở thành các doanh nghiệp có vốn nghìn tỷ, với mức sinh lợi thuộc TOP dẫn đầu trong số các công ty cùng ngành tài chính - chứng khoán tại Việt Nam.
Cách đây 15 năm trước, khó ai có thể tin rằng, một nhà giáo trẻ, mới đi học ở nước ngoài về, rẽ ngang sang nghiệp doanh nhân lại có thể lập nên Tập đoàn có quy mô tài sản vài nghìn tỷ như hiện tại. Nhưng Chủ tịch Tùng Trí Việt đã làm được và làm rất hiệu quả với một tư duy rất rõ: “Muốn giàu chỉ có đầu tư”.
Với tố chất của nhà giáo, tôi cứ muốn Phạm Thanh Tùng chia sẻ thật nhiều câu chuyện kinh doanh cho giới trẻ - những người đang khát khao con đường lập nghiệp - để thắp lên niềm tin và nhân lên những thành công cho xã hội. Nhưng theo Ông, thị trường đang tốt và Ông muốn tập trung tích tụ tài chính cho Tập đoàn thêm một thời gian nữa. “Trong thâm tâm, tôi luôn ước ao được làm ngành đào tạo, vì đây là cái nghề có ích rất lớn cho đời, nhưng tôi sẽ làm từng bước một”, Chủ tịch Phạm Thanh Tùng chia sẻ.
Chủ tịch Tùng Trí Việt: “Mơ ước thực thụ của tôi là trở thành Nhà giáo” |
Chủ tịch Phạm Thanh Tùng chia sẻ: “TTCK Việt Nam đang có cơ hội tốt cho đầu tư, cho các hoạt động M&A và Trí Việt muốn phát triển Tập đoàn lên tầm cao mới, đủ sâu về tài chính, đủ bền về quan hệ”. Từ đó, sẽ mở rộng sang mảng kinh doanh có giá trị cho đời”.
Một trong những khát vọng mà ông Tùng cùng đội ngũ Ban lãnh đạo Trí Việt đang nuôi dưỡng là xây dựng nên hệ sinh thái đào tạo nhân sự quản lý tài sản, chứng khoán. Đây là vùng thị trường rộng lớn, chưa được khai phá một cách bài bản tại Việt Nam.
Có thế mạnh về con người và kinh nghiệm, Chủ tịch cho biết, trước sau gì, Ông cũng sẽ lãnh đạo Tập đoàn tiến bước vào mảng đào tạo, vừa góp sức giúp ngành chứng khoán vững mạnh từ gốc nhân sự, vừa mở ra một ngành mới, có thể mang lại biên lợi nhuận tốt không kém dịch vụ chứng khoán bây giờ.
Thị trường ngày càng phát triển sẽ càng minh bạch. Theo đó, cũng đòi hỏi các chủ thể tham gia, nhất là nhà đầu tư phải ngày càng thông minh hơn, có tri thức thực tế mới có thể chiến thắng. Tri thức là con đường duy nhất để cải thiện năng lực tư duy và khả năng ra quyết định đúng cho các chủ thể. Ông Phạm Thanh Tùng đã nhìn thấy xu hướng này từ nhiều năm, nên từ năm 2019, Ban lãnh đạo Tập đoàn Trí Việt đã có đề xuất với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nên chăng cổ phần hóa Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và đào tạo chứng khoán (SRTC) hoặc tiến hành hợp tác đào tạo với các đơn vị có năng lực và chỉ kiểm soát bộ đề thi, mở rộng đối tác tham gia vào công tác đào tạo, vì ngành, vì xã hội.
Nếu cơ chế được mở, ông Tùng tin tưởng, Trí Việt sẽ tham gia vào tiến trình này với đội ngũ nhân lực chuyên môn cao, hiểu thị trường, hiểu người trẻ. Cùng khả năng kết nối hệ thống giảng viên đến từ nhà quản lý, các lãnh đạo thành danh, các chuyên gia, giảng viên của nhiều trường đại học, Chủ tịch cũng khẳng định mảng kinh doanh đào tạo sẽ không chỉ có ích cho nhà đầu tư đại chúng, mà còn giúp Trí Việt tiến nhanh, tiến chắc trên thị trường.
Quan sát sự vận động của các tập đoàn lớn ở nước ngoài, ông cho biết, khi thành danh đến mức độ nhất định, các tập đoàn đều lập nên trường học và ở Việt Nam cũng đã đang xuất hiện mô hình này, chẳng hạn tại FPT, VinGroup… “Các bạn bè học cùng trường với tôi có nhiều người là giáo sư, tiến sỹ. Họ rất hứng thú với ý tưởng phát triển giáo dục và sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ để làm, nhưng tôi dự tính ý tưởng này có thể triển khai sau năm 2023”. Ông Tùng nói.
Nhà bác học Leibniz, người có vị trí quan trọng ngang nhau trong cả lịch sử triết học và lịch sử toán học trên thế giới, có một câu nói bất hủ: “Ai làm chủ giáo dục có thể thay đổi thế giới”. Phải chăng, chính khát vọng tạo nên giá trị, tạo nên sự thay đổi cho thế giới tốt đẹp hơn khiến những tập đoàn hàng đầu, những doanh nhân bậc thầy luôn dành tâm phát triển ngành giáo dục? Chủ tịch Phạm Thanh Tùng tin rằng, giáo dục chính là con đường tốt nhất nuôi dưỡng những tài năng trẻ cho Đất nước, cho “Sứ mệnh Thịnh vượng” được nối tiếp và lan tỏa đến mọi người…/.
Bình luận